(Baonghean) - Ra Giêng, trời rét như cắt da, mưa dầm dề, người dân ở các bản Mường Hinh, Pù Duộc và Pù Khón, xã Đồng Văn (huyện Quế Phong) sáng sớm đã lên đồi Pù Chóm Đém đào củ sâm. Một chuyến đi như vậy từ 1 đến 3 ngày, có người đi cả tuần…
Đồng Văn (Quế Phong) những ngày này, lạnh tê tái kèm với sương mù dày đặc. Đã 7h sáng mà anh xe lai vẫn phải bật đèn pha, còn học sinh đi học tay cầm đuốc để ra hiệu cho người đi đường. 9 giờ sáng, sương mù mới bắt đầu tan. Qua các bản: Mường Hinh, Pù Duộc và Pù Khón thấy nhà nào cũng cửa đóng then cài, các bản thưa thớt bóng cây xanh, trước vườn nhà khô cằn sỏi đá, chỉ có những con gà bới đất cằn. Tìm mãi không một bóng người lớn, đâu đó có vài trẻ nhỏ và người già đang tỉ mẩn ngồi khâu vá. Mế Lô Thị Quang (61 tuổi), ở bản Pù Khón, gặp chúng tôi cởi mở: "Trẻ thì đi học người lớn đi đào sâm hết cả rồi. Ở đây chỉ biết đi đào sâm, bắt cá để kiếm sống thôi". " Mế không đi sâm à? Mà đi đào sâm ở tận đâu hả mế?". "Hôm nay mế có việc, không thì đã ở đồi đào sâm rồi. Bà con khao khát được trồng lúa, khoai lắm, không muốn đi sâm. Nhưng mà chưa có đất để sản xuất, nên nhà nhà phải đi đào củ sâm, bán kiếm tiền. Đào sâm tuy vất vả thật nhưng cũng có tiền. Con có muốn đi một chuyến cho biết thì ở lại nhà mế, sáng mai đi cùng”.
Trời còn chìm trong màn đêm, tôi nhìn đồng hồ, chưa đến 5 giờ sáng, gian bếp mế Quang đã bập bùng ánh lửa, mế thổi xong nồi cơm. Lèn một giỏ cơm đầy chặt chừng 2 bát tô, mế nói: “Chỗ ni ăn đủ một ngày, lên rừng ngày đầu ai cũng đem cơm nhà, ngày mai mới nấu. Ngày ở bản cũ, đi nương rẫy, đi sâm cũng qua trưa là về nhà rồi. Cũng may, mấy đứa nhỏ cũng tự lo được cơm nước, một số đi theo bố mẹ, còn lại ở nhà với ông bà…”.
Mế Quang chuẩn bị hành lý cho chuyến đi, nào muối giã nhỏ với hạt dổi, gạo, 2 cái nồi, một nồi đã kho sẵn cá. Mế Quang bảo cá này mế vừa thả lưới lúc tối, vợ chồng ăn dè cũng đủ trong 5 ngày. Cái nồi còn lại để nấu cơm, nước thì lấy ở suối Nậm Banh dưới đồi Pù Chóm Đém. Nhà nào “đi sâm” cũng như vậy cả thôi. "Chỗ ngủ thì sao hả mế?". Mế cười: "Nhà mô cũng có một cái "nhà" ở đồi". Gọi là nhà, thực ra chỉ là một cái lán nhỏ được làm bằng lá rừng đủ nằm ngủ. Đợt rét này, bà con mang theo cả chăn bông.
Trời vừa tỏ mặt người, một góc lòng hồ thủy điện Hủa Na phía chúng tôi đang đứng đã có gần chục người gùi hành lý lên xuồng. Mế Quang bảo: "Bà con đi sâm đó". Tôi gặp một phụ nữ trạc tuổi 40, tên Lô Thị Kim ở bản Pù Khón. Hành lý chị ít hơn, chỉ cái gùi đựng mấy cái dao, xuổng sắt dài khoảng 80 phân và cái bọc được gói bằng lá chuối tươi, chị Kim bảo chị chỉ đi sâm 1 ngày là về. Mế Quang vừa quàng lại cái khăn che kín 2 tai vừa nói: "Nhà mế nỏ có xuồng máy, phải thuê thôi, mỗi chuyến cả đi lẫn về như ri mất 300 nghìn, hầu hết mọi nhà đi sâm đều như mế cả thôi, đi ngắn cũng 2 ngày, có nhà họ đi cả tuần mới về. Nhà chị Kim có xuồng, khoảng 100 nghìn tiền dầu đủ cả đi lẫn về".
Xuồng máy dần ra khỏi bản, chỉ còn lại mênh mông nước và núi rừng bao phủ. Mế Quang ngước mắt nhìn về ngọn núi trước mắt, kể: Từ ngày ra bản mới (xưa, nhà mế ở trong bản Piềng Văn) mỗi lần đi sâm nhớ bản cũ lắm. Ra bản mới có điện, giao thông thuận tiện nhưng không có đất để sản xuất, chỉ biết đi thả cá, đi sâm, buồn lắm. Còn may, ở lòng hồ có mấy cái xuồng chuyên phục vụ bà con đi lại trên lòng hồ, nếu không, bà con muốn đi vào bản cũ, lên đồi Pù Chóm Đém để mưu sinh cũng chịu.
Pù Chóm Đém đã hiện ra trước mắt tôi. Thấp thoáng người đào sâm đang hì hục đào, bới, cười nói rôm rả. Mế Quang hồ hởi cho hay: “Cười tươi như vậy là gặp được gốc sâm cái rồi đó. Nó cho nhiều củ, đào lên cả chùm sâm, nặng gần chục cân. Sâm đực là đào lên chỉ dây rễ, nếu có củ cũng rất ít, củ nhỏ, cả gốc cũng được một cân”. Vui chuyện, chị cho hay, hôm may mắn một ngày gặp được vài gốc sâm cái, kiếm được vài triệu đồng, mừng lắm. Vì thế, mỗi khi nghe tiếng reo của ai đó thì biết chắc nhà ai đó gặp được gốc sâm cái, nếu không phải gặp sâm thì cũng bẫy được con sóc. Sâm cái hiếm lắm, chủ yếu là sâm thường thôi, sâm thường mỗi gốc cho khoảng vài ba cân.
Đào sâm không kể hết vất vả. Có gốc sâm chỉ sâu 20 đến 30 phân, có gốc sâu gần cả mét. Đào một gốc sâm độ sâu một mét mất khoảng 3 đến 4 giờ. Có khi, đào mệt nhừ người mà cũng chỉ gặp sâm đực. Mùa hè thì nóng bức, đào được gốc sâm độ sâu bốn năm mươi phân, mồ hôi đầm đìa, mùa đông mưa rét thì tay buốt cóng. So với làm nương rẫy vất vả hơn nhiều. Khi còn ở bản cũ, bà con đi rừng, đi nương thấy sâm kết hợp đào nốt công, sáng đi tối về, không phải ngủ rừng như giờ.
Ông Lữ Đình Thi, ở bản Mường Hinh, tựa lưng vào gốc cây, trông rất mệt mỏi. Ông bảo, đào mấy gốc sâm rồi mà chỉ toàn dây chạc thôi, buồn lắm. Tôi lại gần ông, hỏi: "Ông đào sâm từ khi nào vậy?" . "Từ khi còn rất nhỏ, đã theo bố mẹ đi rừng biết đến củ sâm rồi, ngày ấy đi nương, đi rẫy gặp thì đào thôi, việc chính là săn bắt và khai hoang". Rồi ông kể, câu chuyện đầy màu sắc huyền thoại rằng ở dưới đồi Pù Chóm Đém có suối Nậm Banh. Ở giữa suối có một cái nồi sành rất to nổi lên ở giữa thác, người dân muốn lấy mà không lấy được, nồi tự chìm. Dòng nước ở suối rất ngọt, canh tác lúa rẫy tươi tốt nên bà con kéo đến khai hoang lúa, mà cũng lạ thật, lúa trồng tươi tốt bời bời, năm nào mùa cũng cho hạt. Hồi ở bản cũ, bà con chẳng bao giờ hết lúa ăn. Chuyện đi sâm là tình cờ thôi, trong những năm đầu khai hoang ở Pù Chóm Đém, bà con đào củ mài ăn thay cơm để lấy sức khai hoang, đào thấy củ giống củ sắn, mọc nhiều ở đồi. Bà con ăn thử thấy thơm, bùi, ngọt.
Mỗi lần đi rừng, ông Thi cũng như nhiều bà con đào sâm về làm nước uống, ngâm rượu. Theo thời gian, cũng có người ngoài huyện hỏi mua, thời ấy người ta mua ép giá (những năm 1995, người ta bắt đầu vào bản mua sâm), một cân sâm chỉ 30 nghìn đồng. Nếu cất công đem ra huyện cũng bán với giá 50 nghìn. Đường từ trung tâm xã Đồng Văn vào các bản Mường Hinh, Pú Duộc, Pù Khón khó khăn, chủ yếu qua nhiều đồi, khe suối nên ít người đem ra Thị trấn Kim Sơn bán. Ông Thi đã từng đem sâm ra huyện bán vào mùa mưa lũ, có lần do mưa lũ đột ngột, nước khe suối dâng cao, ông phải lội ngang người. Cũng vì khó khăn đi lại nên sâm đào được bà con đem về sắc uống, ngâm rượu và chôn xuống đất trong vườn nhà chờ người đến mua. Bây giờ, một cân sâm có giá từ 70 nghìn đến 100 nghìn.
Cây sâm có rễ thành củ, sinh sôi nảy nở trong lòng đất quanh năm. Người đi đào sâm thể nào cũng tìm được sâm, ít hay nhiều mà thôi. Tuy nhiên, nghề đào sâm không chỉ ăn ngủ thất thường mà thường xuyên phải chịu cảnh muỗi rừng đốt, ốm đau không kịp thuốc thang. Năm trước, ông Dần ở bản Mường Hinh bị sốt cao, uống thuốc hạ sốt mang theo mấy ngày không ngắt, ông vẫn hì hục đào sâm, may mà bà con đưa về trạm xá xã kịp thời. Rồi, ông Sâm ở bản Pù Duộc, đang đào sâm thì đau bụng quằn quại, uống thuốc không đỡ, vợ chồng dìu nhau xuống đến chân đồi trời tối, không có xuồng, cả hai vợ chồng đành ở lại suối Nậm Banh. Sau lần đau do bệnh sỏi mật, ông Sâm không dám đi sâm!
Nhiều người dân ở các bản Pù Khón, Pù Duộc và Mường Hinh cũng thấp thỏm, lo lắng cho bản thân. Nhỡ có chuyện không hay, rồi lo cho con cái ở nhà. Một số gia đình họ cũng chỉ đi một vài ngày, nhưng ít gia đình như mế Quang, ông Thi “đi sâm” đến 5 ngày. Theo mế Quang, ông Thi và nhiều bà con thì nốt một chuyến xuồng, nốt công, cố thêm ngày nào tốt ngày đó.
Và, người dân khu tái định cư Thủy điện Hủa Na chọn nghề đào sâm là giải pháp tình thế khi đất sản xuất chưa có. Họ vẫn mong chờ có đất để sản xuất, chăn nuôi, đào sâm chỉ nên là nghề phụ thôi?!
Bài, ảnh: Thu Hương