(Baonghean) - Ra giêng, những mầm dây khoai mài trong rừng bắt đầu vươn lên trên mặt đất. Tháng hai, tháng ba là mùa giáp hạt. Ngày trước đói, cả bản, cả mường, không ai là không vào rừng để đào khoai mài ăn trừ bữa. Những hố khoai mài ở trong rừng có khi sâu đến lút đầu người… đã tạo nên ký ức đói nghèo của một thời, không bao giờ có thể quên được. Ký ức sống nhờ rừng, sống dựa vào rừng là chính, gắn bó với rừng mật thiết hệt như cá với nước vậy!
Ngày nay bản, mường ngày càng giầu đẹp, văn minh. Khoai mài không còn là miếng ăn chính, giản dị, bình thường nữa, nó đã trở thành một đặc sản, là thứ khó kiếm và có giá nhất trong những phiên chợ vùng cao. Một cân khoai mài, nay đã có giá trên 60.000 đồng. Người đi đào khoai mài bây giờ phải gói cơm đi rừng rất xa, tìm kiếm và đào suốt cả ngày, may lắm cũng chỉ được chừng ba, bốn cân khoai là hết sức rồi. Ba, bốn cân khoai mài đem ra chợ bán, không cần tiếp thị mời mọc, người ta cũng tranh nhau mua.
Mỗi ngày kiếm được chừng hai trăm ngàn đồng là thu nhập cao lắm rồi. Tìm thấy dây và đào được khoai mài đâu có dễ, bởi thế giá một cân khoai mài cứ tăng lên không ngừng… Cho đến hết tháng ba ta, nghĩa là hết mùa khoai mài trong rừng, giá khoai mài có khi đã lên đến 90.000 đồng/ cân. Muốn ăn khoai mài giờ đây thật không dễ dàng gì. Cái giá bỏ rơi rừng thật quá đắt cho dân bản, dân mường ngày nay! Bà Vi Thị On, ở xã Châu Thành (Quỳ Hợp), được coi là “thợ” đào khoai mài một thời, tâm sự với chúng tôi nỗi lòng của mình rằng chỉ vài năm nữa thôi là khoai mài trong rừng sẽ hết sạch, nó không còn gốc để lên mầm nữa. Nhưng con người thì cứ muốn ăn khoai mài mãi mãi, vì nó ngon, bổ… Giá mà trồng được khoai mài ở ngoài rừng như chúng ta đã trồng các loài khoai khác, thì hay biết mấy?
Nỗi lòng bà On thật đúng với nỗi lòng của dân bản, dân mường đã hàng bao đời nay gắn bó với củ khoai mài ở trong rừng núi quê hương!
Bài, ảnh: Thái Tâm