Vòng trừng phạt “đầu tiên” này của Mỹ sẽ gây tác động gì, và ai sẽ chịu tổn hại nhiều nhất là những câu hỏi mà dư luận dành nhiều quan tâm.
Mỹ tung đòn kinh tế
Từ thứ Ba, Mỹ đã chính thức áp dụng trở lại một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Iran. Cụ thể, theo các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ, trong lần này, các biện pháp mà cường quốc số 1 thế giới đưa ra sẽ một lần nữa nhằm vào nhiều lĩnh vực với “hiệu lực đầy đủ”, đồng nghĩa với việc hạn chế hoặc cấm các hoạt động như: khả năng mua bán hay nắm giữ đồng USD của chính phủ Iran; mua bán vàng và các kim loại quý hiếm; kinh doanh hay vận chuyển đến hoặc đi từ Iran than chì và các kim loại như nhôm, thép; các giao dịch không được xác định rõ liên quan đến đồng rial của Iran.
Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ cũng áp các loại thuế quan đối với lĩnh vực ô tô của Iran, đồng thời Cộng hòa Hồi giáo không thể tiếp tục mua máy bay dân dụng của Mỹ, và Mỹ cũng không tiếp tục nhập khẩu thảm hay một số loại thực phẩm từ Iran.
Những động thái kể trên mới chỉ là “màn mở đầu” cho một đợt các biện pháp hạn chế mạnh hơn theo kế hoạch có hiệu lực vào đầu tháng 11 tới, nhằm vào lĩnh vực năng lượng và hoạt động xuất khẩu dầu lửa của Iran - ngành công nghiệp chủ chốt của nước này.
Ngoài ra, khi ấy các thể chế tài chính hợp tác với Ngân hàng Trung ương Iran, các công ty khai thác cảng và đóng tàu, cùng các điều khoản bảo hiểm và dịch vụ chuyển tiền,… sẽ đứng trước nguy cơ hứng chịu cơn sóng trừng phạt từ xứ cờ hoa.
Theo trang tin Vox, mục đích của các biện pháp trừng phạt được giới chức Mỹ lý giải là nhằm khiến nền kinh tế Iran tê liệt đến mức chính quyền sở tại buộc phải ngừng hậu thuẫn chủ nghĩa khủng bố và đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt chương trình hạt nhân của nước này.
Tuy vậy, đến thời điểm này, khả năng sự việc diễn tiến theo ý đồ của Washington là không cao, khi mới đây đề nghị gặp gỡ Tổng thống Hassan Rouhani “không kèm điều kiện tiên quyết” của Tổng thống Trump đã bị chính quyền Tehran nhanh chóng và thẳng thừng từ chối.
Tác động về kinh tế lẫn chính trị
Ngay từ khi “phong thanh” khả năng các lệnh trừng phạt được “làm mới”, đồng rial của Iran đã lao dốc so với đồng USD, mất đến hơn 2/3 giá trị trong vòng chưa đầy 1 năm, gây lạm phát và kéo theo đó là làn sóng phản ứng.
Hôm 5/8, theo The Times, Tehran đã phải công bố các biện pháp khẩn cấp để ngăn đồng nội tệ sụp đổ trong bối cảnh một làn sóng biểu tình mới nổ ra liên quan đến mức sống ngày một kém đi. Nguồn tin này khẳng định các cuộc biểu tình quy mô nhỏ “nhưng cho thấy sự bất mãn lan rộng, và chính quyền đã phản ứng để tìm cách xoa dịu những lo sợ về khả năng kinh tế sắp sụp đổ”.
Ngân hàng Trung ương Iran được cho là cũng ngầm thừa nhận quy mô cuộc khủng hoảng mà định chế này đang đối diện, thông qua việc công bố các biện pháp tiền tệ mới, bao gồm dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát tiền tệ có hiệu lực từ mùa Xuân để nỗ lực ngăn dòng tiền mạnh chảy ra ngoài.
Tác động ngay lập tức trên phương diện kinh tế của những đòn trừng phạt vừa có hiệu lực trở lại có thể được “nối gót” bằng những hậu quả sâu xa hơn về mặt chính trị.
Thỏa thuận hạt nhân đã trao cho Iran cánh cửa đến với phương Tây sau nhiều năm căng thẳng và cô lập, nhưng như tờ Washington Post nhận định, khi cánh cửa đó đang dần khép lại, ban lãnh đạo của Iran có thể đang trở lại với những lời thề “kiên quyết kháng cự” và chế độ tự cung tự cấp từng hiện diện tại đây suốt gần 4 thập kỷ.
Điều này có vẻ đúng khi dư luận ít nhất nhận thấy rằng, vị Tổng thống theo đường hướng ôn hòa của Iran - Hassan Rouhani - người đã giúp thỏa thuận hạt nhân được ký kết và đặt cược tương lai chính trị của bản thân vào việc hâm nóng quan hệ với phương Tây, giờ đây lại chọn đường hướng mang màu sắc cứng rắn hơn nhiều kể từ sau khi Trump công bố quyết định “quay lưng” với bản thỏa thuận.
Sau nhiều tháng leo thang giọng điệu, mới đây nhất, hồi tuần trước quân đội Iran đã khởi động chuỗi tập trận hải quân trên Eo biển Hormuz, “chống lưng” cho những đe dọa rằng, nếu các biện pháp trừng phạt từ đối phương gây khó cho Tehran, họ sẽ làm gián đoạn hoạt động vận tải trên tuyến thương mại dầu quan trọng bậc nhất thế giới.
Chính quyền hay người dân chịu thiệt?
Theo The Week, căng thẳng Mỹ-Iran đã bị “thổi phồng” thêm khi nhiều người ở Tehran tin rằng mục đích cuối cùng của chính quyền Trump là thay đổi chế độ tại Cộng hòa Hồi giáo này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dường như lại “củng cố” thêm suy nghĩ ấy khi phát biểu trước báo giới trong chuyến công du châu Á vừa qua: “Chúng tôi hy vọng có thể tìm cách tiến triển nhưng điều đó sẽ đòi hỏi sự thay đổi lớn về phía chế độ của Iran”.
Quả thực, không thể xem nhẹ những khó khăn, trắc trở mà các đòn trừng phạt của Mỹ đem lại cho Iran. Giá cả leo thang, nguồn cung thuốc chữa bệnh giảm, hoạt động “chợ đen” có cơ hội bộc phát làm giàu cho một nhóm người nhất định,… là những điều có thể tiên liệu dễ dàng.
Thế nhưng, giới phân tích vẫn cho rằng, trừng phạt không phải là phương cách thay đổi suy nghĩ của ban lãnh đạo Tehran, và cũng không giúp những nhân vật tại Washington ủng hộ thay đổi chế độ ở Iran có thêm lý do để lạc quan. Đó là điều được tờ Washington Post cảnh báo, bởi nguyên nhân đơn giản là “các lãnh đạo của Iran biết cách chèo lái và bảo vệ quyền lực, kể cả trong bối cảnh bất ổn trong dư luận dâng cao”, do hệ lụy từ trừng phạt của Mỹ.
Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng, thông báo tái áp đặt trừng phạt của Mỹ được đưa ra trong thời điểm đặc biệt căng thẳng. Hàng trăm người Iran đã xuống đường tại hơn 80 thành phố để bày tỏ thái độ về vấn đề kinh tế và bộ máy cầm quyền.
Trừng phạt rõ ràng đánh mạnh vào tầng lớp trung lưu của nước này, và nhiều lĩnh vực bị Mỹ nhắm đến, đơn cử như lĩnh vực xe hơi, sẽ khiến nhiều người mất việc làm. Thu nhập giảm sẽ kéo theo viễn cảnh người dân Iran chật vật xoay sở để mua nhu yếu phẩm đáp ứng cuộc sống thường nhật.
Như vậy, có vẻ như mục đích mà chính quyền Trump tuyên bố là thực sự muốn giúp người dân Iran thông qua buộc chế độ tại Tehran thay đổi đường hướng đã không được như Washington mong đợi.
Giờ đây, trong lúc ông Trump và bộ máy của mình ngồi chờ xem “nước cờ” của họ, tức những tổn thất lớn về tài chính có buộc Iran phải từ bỏ tham vọng hạt nhân hay không, thì gánh nặng từ đó nảy sinh lại do chính người dân Iran trĩu vai gánh gồng.