063329-1.jpg
Nhà máy sản xuất UF6, vốn ngưng hoạt động từ năm 2009 do thiếu quặng urani, là một phần của cơ sở chuyển đổi urani Isfahan. (Nguồn: AhlulBayt/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/8 đã ký sắc lệnh hành pháp tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iran, đồng thời khẳng định chính sách của Washington là "gây sức ép tối đa về kinh tế" đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.

Tuy nhiên, ông vẫn để ngỏ khả năng đưa ra một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran.

Trong một tuyên bố, Tổng thống Trump nhắc lại quan điểm cho rằng thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015, có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), là thỏa thuận "tồi và một phía."

Tuy nhiên, ông cũng cho biết "vẫn để ngỏ việc đạt được một thỏa thuận toàn diện hơn", theo đó đề cập đến toàn bộ hoạt động của Tehran, trong đó có chương trình tên lửa đạn đạo.

Theo giới chức Mỹ, Tổng thống Trump sẵn sàng gặp các nhà lãnh đạo Iran "bất kỳ lúc nào"
Trước đó, ngày 24/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố để ngỏ khả năng đàm phán về một thỏa thuận phi hạt nhân hóa nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qassemi tuyên bố Tehran sẽ không bao giờ tham gia các cuộc đàm phán không công bằng với Mỹ .
Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh nhóm các biện pháp trừng phạt đầu tiên từng được nới lỏng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama sẽ được áp đặt trở lại vào 4 giờ 01 ngày 7/8 (giờ GMT tức 11h01' theo giờ Việt Nam).
Theo đó, chính phủ Iran sẽ bị cấm mua USD, bị chặn giao dịch về vàng, các kim loại khác, than và phần mềm liên quan đến công nghiệp.
Ngoài ra, Mỹ cũng ngừng nhập khẩu các mặt hàng thảm và thực phẩm của Iran, chặn một số giao dịch tài chính của nước này.
Hoạt động xuất khẩu dầu của Iran, nguồn thu ngoại tệ chủ lực của nước này, được dự báo cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Sau đó, đầu tháng 11 tới, Mỹ cũng dự kiến áp đặt gói biện pháp trừng phạt thứ hai nhằm vào ngành dầu mỏ và ngân hàng trung ương Iran.
Năm 2015, Iran và nhóm P5+1 đã ký JCPOA. Theo thỏa thuận hạt nhân này, các biện pháp trừng phạt Iran liên quan chương trình hạt nhân của nước này dần được dỡ bỏ để đổi lấy việc Tehran bảo đảm tính chất hòa bình của các hoạt động hạt nhân.
Tuy nhiên, hồi đầu tháng 5 vừa qua, Tổng thống Donald Trump chính thức rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời tuyên bố sẽ tái áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương chống Tehran.
Hiện các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA vẫn đang nỗ lực duy trì thỏa thuận lịch sử này.  
Liên minh châu Âu (EU) cùng 3 nước thành viên gồm Anh, Pháp, Đức khẳng định sẽ duy trì quan hệ kinh tế với Tehran.
Trong một tuyên bố chung với Ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức, Đại diện Cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini, hiện đang có chuyến thăm chính thức tới châu Á, cho biết EU và các nước trên quyết tâm bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn hợp pháp với Iran.
Cũng theo tuyên bố, thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran đã ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015, có tên gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đang phát huy tác dụng và đạt được các mục tiêu đề ra.
Thỏa thuận là một yếu tố chính của cấu trúc không phổ biến hạt nhân toàn cầu, quan trọng đối với an ninh châu Âu, khu vực và toàn thế giới. Đây cũng là lý do Quy chế Ngăn chặn cập nhật của EU sẽ có hiệu lực từ ngày 7/8 tới nhằm bảo vệ các công ty của liên minh đang làm ăn hợp pháp với Iran tránh khỏi tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Bên cạnh đó, các quan chức trên cũng khẳng định việc bảo vệ thỏa thuận hạt nhân với Iran là vấn đề tôn trọng các thỏa thuận quốc tế cũng như an ninh quốc tế.
Các nước còn lại tham gia JCPOA sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận sẽ duy trì các kênh tài chính với Iran và sẽ tiếp tục mua dầu và khí đốt của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trong khi đó, đài truyền hình nhà nước Iran dẫn lời Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và các đồng minh ở Trung Đông trong đó có Saudi Arabia và Israel sẽ bị "cô lập" do những hành động thù địch nhằm vào Tehran./.