(Baonghean) - Mới đây, nhiều người dân ở xã Hưng Phúc và Hưng Thịnh (Hưng Nguyên) phản ánh đến Báo Nghệ An việc Công ty CP quốc tế gia dụng Phương Nam có trụ sở tại số 864, đường Bạch Đằng, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội có biểu hiện trục lợi từ việc tổ chức hội thảo về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, rồi tổ chức quảng cáo, chào mời, bán hàng không rõ nguồn gốc, chất lượng với giá cao một cách bất hợp lý. Bán hàng lại không có chứng từ, hóa đơn theo quy định của Bộ Tài chính. Chất lượng sản phẩm và tính năng, tác dụng không tương xứng như lời giới thiệu.
Nhiều khả năng đây là một chiêu trò bán hàng kém chất lượng với giá cao mang yếu tố lừa đảo người tiêu dùng. Điều đáng lo ngại hơn cả là theo xác nhận của lãnh đạo xã Hưng Phúc và Hưng Thịnh thì công ty này khi về tổ chức hội thảo có đầy đủ giấy tờ hợp lệ, trong đó còn có cả giấy của Sở Công Thương và phòng Công Thương huyện. Hội thảo lại được tổ chức tại hội trường UBND xã dễ khiến cho người dân nhầm lẫn mà nghĩ rằng đây là một hoạt động có sự ủng hộ của chính quyền các cấp nên rất tin tưởng. Vì thế mà người dân rất dễ sa bẫy lừa đảo nếu như những người tổ chức hội thảo đã có sẵn dụng ý xấu.
Thật ra, chuyện tổ chức hội thảo, rồi các chương trình quảng bá sản phẩm hay núp bóng các hoạt động xã hội, từ thiện, giới thiệu việc làm này nọ nhằm mục đích trục lợi bất chính không phải là mới. Cách thức hoạt động của các công ty này rất khác nhau và thường được bố trí công phu, bài bản. Nhưng có một điểm chung là họ luôn núp bóng dưới các hoạt động xã hội với những mục đích rất tốt đẹp nhằm thuyết phục, lôi kéo sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước và khéo léo lồng vào đó những hoạt động khác như là những hoạt động phụ, nhưng thật ra những hoạt động bên lề đó mới chính là mục đích thật sự của họ.
Và trong mọi trường hợp, họ cố gắng bằng cách này hay cách khác dựa hơi vào bộ máy công quyền, nhất là chính quyền ở các xã khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Vì họ biết rằng, người dân ở những nơi đó rất tin tưởng vào cán bộ, vào chính quyền nên có được sự đồng ý hay tốt hơn cả là sự hợp tác, ủng hộ của chính quyền sở tại thì công việc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Và một khi đã tạo được sự tin tưởng ở người dân thì rất dễ lái sự việc đi theo mục đích mà họ đã chuẩn bị sẵn kịch bản. Khi người dân tỉnh ngộ ra thì đã quá muộn rồi.
Cho nên, khi muốn hoạt động ở một địa bàn nào đấy, việc đầu tiên của họ là tiếp cận cán bộ chính quyền sở tại. Trình ra những “chiếc bánh vẽ” để có được sự đồng ý. Khi có sự đồng ý rồi họ sẽ dùng mọi mánh lới để thuyết phục, lôi kéo một ai đó trong bộ máy công quyền đứng ra bảo đảm hoặc cùng hợp tác. Đương nhiên, chỉ cần sự gật đầu của cán bộ thôi, còn mọi việc họ sẽ đứng ra lo liệu hết. Trụ sở chính quyền hay của một cơ quan nhà nước nào đó là cơ sở để tạo uy tín bước đầu với người dân. Nói trắng ra là họ luôn tìm cách mượn danh bộ máy công quyền để dễ bề hoạt động. Trong khi đó, cán bộ công quyền của ta, nhất là cán bộ chính quyền xã, thôn do thiếu cảnh giác và cả thiếu thông tin nên không ít người đã vô tình tiếp tay cho các công ty hoạt động không lành mạnh, lợi dụng sự cả tin của người dân để trục lợi và thậm chí là lừa đảo để chiếm đoạt tiền bạc, tài sản.
Thực tế là cũng đã có những cán bộ chính quyền ở một số địa phương dù biết rõ mục đích không lành mạnh của các công ty kiểu đó, nhưng vì được biếu xén, được hứa hẹn “lại quả”, chia chác lợi nhuận nên đã đứng ra tổ chức những hoạt động mang tính chất lừa đảo. Việc này thể hiện rõ nhất trong các vụ lừa đảo xuất khẩu lao động thông qua hình thức liên kết giữa chính quyền địa phương với một “công ty ma” nào đó đã từng xảy ra ở nhiều địa bàn trên cả nước, trong đó có Nghệ An. Điều nguy hại hơn cả là dù vô tình hay cố ý, khi xảy ra chuyện không hay thì các công ty lừa đảo cao chạy, xa bay, còn chính quyền thì mang tiếng xấu, mất uy tín với dân.
Vì thế, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là chính quyền cấp xã phải hết sức cảnh giác với hành vi núp bóng các hoạt động xã hội theo kiểu nói trên của các công ty tư nhân. Cách tốt nhất là không dây dưa, không hợp tác, không cho thuê, cho mượn trụ sở, vì đó không phải là chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương. Nhưng cũng không cản trở nếu những hoạt động đó không vi phạm pháp luật. Đồng thời tổ chức giám sát, theo dõi sát sao mọi hoạt động của họ nếu có gì bất ổn, không đàng hoàng, minh bạch, có biểu hiện trục lợi thì kiên quyết bắt ngừng hoạt động và thông báo rõ ràng cho người dân biết để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Tóm lại, là phải hết sức cảnh giác với trò mượn danh chính quyền để trục lợi của những cá nhân, tổ chức thông qua những hoạt động xã hội không minh bạch.
Duy Hương