(Baonghean) - Hiện hàng hóa Việt Nam đã đáp ứng một phần nhu cầu và dần chiếm được cảm tình của người tiêu dùng, nhưng việc quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp còn yếu khiến nhiều mặt hàng sản xuất trong nước chưa cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu tương ứng cùng loại. Để Hàng Việt đủ sức cạnh tranh, cần xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản.

images1039061_1img_0961.jpgThị trường TP. Vinh nở rộ nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh sản phẩm tiêu dùng Thái Lan.
 
Nếu như vài năm trước, hàng Thái Lan còn khá xa lạ trên thị trường TP Vinh và chỉ dừng lại ở một số mặt hàng như đồ điện gia dụng, đồ trang sức bạc, thì nay hàng hóa đã thu hút một lượng lớn sự quan tâm của người tiêu dùng và cũng đa dạng phong phú hơn; từ sữa, nước giải khát, bánh kẹo cho đến bàn chải đánh răng, dầu gội, sữa tắm, bát đĩa, xô, chậu… Đang chọn mua một bộ chổi lau nhà nhãn hiệu Thái Lan tại một cửa hàng trên đường Hồng Bàng - TP Vinh, chị Nguyễn Thị Thúy (Y tá khoa Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Tôi chọn mua đồ Thái Lan bởi so với các loại hàng hoá nhập khẩu từ Nhật, Hàn về thì hàng Thái Lan có giá thành rẻ hơn rất nhiều, mà chất lượng sản phẩm cũng khá tốt”.
 
Qua khảo sát tại nhiều cửa hàng kinh doanh hàng Thái Lan trên đường Hồng Bàng, Nguyễn Văn Cừ, Phong Định Cảng…, đa phần các chủ kinh doanh cho rằng: Cùng một mặt hàng, dù chất lượng tương đương nhưng hàng Việt Nam thường yếu thế hơn, bởi không được đầu tư nhiều về mẫu mã, tính tiện ích. Ví như cùng một sản phẩm đồ nhựa, hàng Thái có hoa văn tinh tế, kiểu dáng thiết kế mới, lạ, còn hàng Việt nhựa xỉn màu, kiểu truyền thống, hình vẽ cũng đơn giản hơn. Chị Nguyễn Hồng Anh, Giám đốc Công ty CP Thương mại Minh Hồng (chuyên kinh doanh hàng tiêu dùng Thái Lan) trên đường Phong Định Cảng cho biết thêm: Khâu xúc tiến thương mại của doanh nghiệp Thái Lan làm tốt hơn so với doanh nghiệp Việt. Năm nào các doanh nghiệp Thái Lan cũng tổ chức một vài lần hội chợ hàng tiêu dùng tại các thành phố lớn. Một điểm yếu nữa của hàng Việt là ít có cơ chế hỗ trợ nhà phân phối và khách hàng; còn hạn chế trong khâu tiếp thị… Để hàng Việt đủ sức cạnh tranh, các doanh nghiệp cần xây dựng một chiến lược kinh doanh bài bản; chú trọng tạo ra những sản phẩm có chất lượng, giá cả cạnh tranh và đặc biệt quan tâm hơn đến hình ảnh, mẫu mã sản phẩm, phát triển thương hiệu và mở rộng thị phần”.
 
Lâu nay, khi nói đến cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mọi người thường hay nghĩ đến chủ thể là người tiêu dùng mà quên vai trò của các đại lý kinh doanh, nhà sản xuất. Điều này đã dẫn đến nghịch lý là người tiêu dùng muốn sử dụng hàng Việt nhưng không biết mua ở đâu. Chính vì thế, nhiều mặt hàng như giày da, đồ phụ kiện thời trang cho phụ nữ hay các sản phẩm như: thắt lưng, túi xách, đồng hồ, cài áo... trên thị trường thành Vinh vẫn là nơi "tung hoành" của hàng ngoại giá rẻ. Hiện một số hãng thời trang trong nước đã bắt đầu "để tâm" đến hàng phụ kiện như hãng PT, Blue Exchange, FoCi... song chỉ mới giới hạn ở vài mặt hàng như ví, thắt lưng, khăn choàng và nhìn chung mẫu mã còn đơn điệu, thiếu sáng tạo nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.
 
Một số nhãn hàng cao cấp hơn như Việt Tiến, An Phước thì ví da, thắt lưng (chủ yếu dành cho nam giới) giá bán lại khá cao, từ 800.000 - 2.000.000 đồng/sản phẩm; sản phẩm chất lượng tốt và có thương hiệu nên cũng kén lượng khách mua… Đối với mặt hàng giày dép thời trang, ngoài thương hiệu có uy tín lâu năm như Bitis, Bitas (chủ yếu dành cho lứa tuổi học sinh), giày ngoại mang nhãn Made in China, Made in Taiwan vẫn chiếm ưu thế. Mặc dù những năm gần đây, mặt hàng giày, dép của các hãng có uy tín trong nước như Vina giày, giày Tuấn đã có mặt trên thị trường thành Vinh, giúp cho người tiêu dùng có thêm sự lựa chọn nhưng sản phẩm chưa thật sự tạo được ấn tượng với khách hàng bởi mẫu mã đơn điệu, sản phảm trưng bày ít...
 
Qua số liệu báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của Ban vận động tỉnh, kể từ khi cuộc vận động được triển khai từ năm 2009 đến nay, hàng Việt đã đáp ứng một phần nhu cầu của thị trường và dần chiếm tình cảm của người tiêu dùng. Tại các hệ thống siêu thị lớn, các đại lý, cửa hàng kinh doanh, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng lớn, từ 80 - 90%. Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Huy - Chủ tịch MTTQ tỉnh, Trưởng Ban vận động tỉnh Nghệ An, đến nay, hàng hóa Việt Nam đã đáp ứng một phần nhu cầu và dần chiếm được tình cảm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, các chương trình phủ sóng hàng Việt vẫn thiếu tính bền vững, chưa tạo lập được kênh phân phối vững chắc tại địa bàn nông thôn nên dù là khu vực chiếm tới 70% doanh số hàng tiêu dùng nhưng doanh nghiệp chưa khai thác hiệu quả. Hàng Việt chất lượng cao, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng chỉ được bày bán chủ yếu tại các hệ thống bán buôn, bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại… vốn được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và xuất xứ hàng hóa. Trong khi đó, tại khu vực nông thôn, sản phẩm hàng Việt chủ yếu là các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu được phân phối qua mạng lưới chợ, cửa hàng tạp hóa. Các nhóm sản phẩm như may mặc, đồ điện tử, đồ gia dụng… chiếm tỷ lệ rất nhỏ do hệ thống siêu thị chưa phát triển tại khu vực này. Bên cạnh đó, việc quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp còn yếu khiến nhiều mặt hàng sản xuất trong nước chưa cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu tương ứng cùng loại.
 
Ưu tiên dùng hàng Việt là thể hiện thái độ yêu nước của người tiêu dùng, còn sản xuất ra hàng Việt có chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu và thu nhập của người dân là thể hiện tinh thần yêu nước của doanh nghiệp và doanh nhân. Hàng hóa khi được đưa ra thị trường phải là sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được gắn nhãn mác đầy đủ, niêm yết rõ ràng. Để người tiêu dùng tin tưởng, lựa chọn hàng Việt ngày một nhiều hơn, bên cạnh chú trọng tạo ra những sản phẩm có chất lượng, giá cả cạnh tranh thì cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp, mở rộng thị phần… Cần đẩy mạnh các kênh phân phối, bán lẻ hiện đại như cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa, trung tâm mua sắm, bàn hàng theo catalogue...
 
 Bài, ảnh: Ngọc Anh