(Baonghean) - Sau hơn 2 tháng kể từ ngày Bộ Tài chính ra quyết định áp trần giá sữa bán lẻ (ngày 21/6) người tiêu dùng vẫn chưa được hưởng lợi thực sự từ quy định này, khi các nhà sản xuất vẫn tìm cách “lách luật” dưới nhiều hình thức...
 
images1039064_img_0056.jpgNgười tiêu dùng băn khoăn về chất lượng khi nhiều sản phẩm sữa đã được thay tên, đổi mẫu mã mới.
 
Khi thực hiện áp trần giá sữa, nhiều siêu thị, đại lý lớn cam kết bán đúng giá trần, thậm chí sẽ tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp nếu họ không thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, giá sữa dường như vẫn là “con ngựa bất kham”, tình trạng loạn giá sữa đang tái diễn. Người tiêu dùng thêm lo lắng và hụt hẫng khi hàng loạt sản phẩm được thay tên, đổi mẫu mã. Câu hỏi đặt ra liệu đây có phải là chiêu lách luật của doanh nghiệp để tránh quy định về áp giá trần, tiếp tục “móc túi” khách hàng? Chị Nguyễn Thị Linh (khối Trung Yên, phường Hưng Dũng, TP. Vinh) cho biết: Tôi thường mua sữa Enfamil A+1 của Công ty Mead Johnson cho con nhỏ. Khi dùng hết hộp sữa loại 900g có giá 435.000 đồng/hộp sau khi đã áp giá trần, tôi đến cửa hàng quen lâu nay thì được thông báo đã hết hàng cũ, hiện đang có phiên bản mới là Enfamil A+1 3600 Brain Plus. Sản phẩm này được quảng cáo bổ sung thêm vitamin PP và khoáng chất carritine giúp chuyển hóa tốt hơn nhưng giá bán là 510.000 đồng/hộp 900g, cao hơn hàng cũ gần 80.000 đồng/hộp. Tôi cũng đã đi một số cửa hàng khác để tìm loại sữa cũ đó nhưng đều được nghe câu trả lời hết hàng. Thực hiện chính sách áp giá trần chưa lâu mà những mặt hàng cũ đã “bốc hơi” không còn trên thị trường thì người tiêu dùng đâu có được hưởng lợi. Phải chăng nhà sản xuất đang “qua mặt” cơ quan chức năng và người tiêu dùng”. Chị Nguyễn Thị Hạnh (giáo viên Trường THCS Nghi Hương - TX. Cửa Lò) cũng băn khoăn: “Tôi đi mua sữa cho con thường chỉ để ý nhãn hiệu đang dùng quen hoặc qua bạn bè giới thiệu họ đã dùng thấy có chất lượng, chứ không để ý chi tiết nhà sản xuất ghi những thành phần gì ngoài vỏ hộp. Nay tìm sản phẩm cũ không còn, đã được thay đổi tên từ sữa công thức chuyển sang các sản phẩm dinh dưỡng, không biết chất lượng có đảm bảo và tốt hơn thực sự so với sản phẩm cũ như quảng cáo không?”…
 
Qua khảo sát trên thị trường TP. Vinh, các đại lý, cửa hàng kinh doanh sữa tại TP. Vinh, với 25 sản phẩm nằm trong danh mục áp giá trần mà Bộ Tài chính công bố hiện không còn nhiều trên thị trường. Thay vào đó là những sản phẩm sữa được “thay tên đổi họ” với phiên bản mới kèm lời quảng cáo thành phần chất dinh dưỡng linh hoạt hơn, nổi trội hơn. Và tất nhiên, giá bán cũng cao hơn; có những sản phẩm giá chênh lệch từ vài chục ngàn đến cả trăm ngàn đồng. Ví như Công ty Mead Johnson đã góp mặt thêm dòng sản phẩm mới Enfamil A+ 3600 Brain Plus, Enfa Grow A+ 3600 Brain Plus với giá bán lẻ cao hơn loại thường 80.000 đồng/hộp. Loại sữa bột tăng trưởng Growth của Abbort được đổi là thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng; sữa bột Friso Gold dành cho trẻ từ 1 - 3 tuổi được đổi thành thực phẩm bổ sung cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi; sữa bột Dielac Alpha đổi thành sản phẩm dinh dưỡng công thức; sữa bột Similac Gain Plus đổi là thức ăn công thức; sữa bột Enfa Gold đổi thành sản phẩm dinh dưỡng công thức… Không chỉ thay đổi cách đặt tên, một số hãng vừa giảm trọng lượng vừa tăng giá bán, như dòng sản phẩm Pediasure loại hộp 900g của Abbott trước đây đã được thay bằng loại hộp 850g, giá bán lẻ là 565.000 đồng. Với giá này, người tiêu dùng đang bị lầm tưởng là được rẻ hơn 5.000 đồng/hộp so với giá 570.000 đồng/hộp trước đó. Nhưng nếu tính đúng theo tỷ lệ khi rút bớt trọng lượng, giá hộp sữa mới sẽ phải giảm đi tới 40.000 đồng; với “chiêu” này, mỗi hộp sữa, doanh nghiệp đã đút túi thêm 35.000 đồng/ hộp… Đáng chú ý hơn, khi sản phẩm mới đang bành trướng trên các kệ hàng, thì sản phẩm cũ giá thấp lại “âm thầm” rút lui khỏi thị trường. Chị Phan Thị Đào, chủ đại lý cấp 2 của nhiều hãng sữa trên đường Hermann Gmeiner cho biết: “Mới qua 2 tháng áp giá trần theo quy định mà sữa liên tục được “thay tên, đổi họ”, điều chỉnh giá. Điều này khiến chúng tôi là người bán cũng rất khó nắm bắt thông tin chứ chưa nói đến người tiêu dùng. Về thành phần dinh dưỡng khi khách hàng hỏi sữa mới có tốt hơn so với sữa cũ, quả thực chúng tôi không biết được sản phẩm mới có những thành phần gì, các chất bổ sung khác nhau thế nào để tư vấn và giải thích cho khách hàng...”.
 
Ông Hoàng Minh Quân - Trưởng phòng Quản lý giá và Công sản - Sở Tài chính cho biết: “Thực hiện Quyết định số 1079/QĐ- BTC ngày 25/4/2014 của Bộ Tài chính, Công văn số 135/CQLG - THPTDB ngày 5/6/2014 của Cục Quản lý giá về việc áp dụng biện pháp bình ổn giá và triển khai thực hiện biện pháp bình ổn giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, Sở Tài chính đã có Thông báo số 1670/TB về việc xác định giá tối đa khâu bán buôn, bán lẻ và đăng ký giá đối với mặt hàng sữa cho trẻ em và tiếp nhận 31 tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sản phẩm sữa có trụ sở chính trên địa bàn tỉnh. Đồng thời gửi hướng dẫn việc triển khai thực hiện đến tất cả các UBND các huyện, thành, thị. Thành lập tổ công tác liên ngành (gồm Sở Tài chính, Sở Công Thương ); thiết lập đường dây nóng tại sở nhằm giải đáp thắc mắc và tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai... Trên địa bàn tỉnh ta, các tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm sữa chủ yếu là chi nhánh, nhà phân phối cấp 1, 2, các đại lý, cửa hàng bán lẻ. Sau hơn 1 tháng ra quân (ngày 20/7), tổ liên ngành đã tiến hành kiểm tra tại 35 tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa trên địa bàn TP Vinh và các huyện Nghi Lộc, TX Cửa Lò, Diễn Châu. Qua kiểm tra, nhìn chung các nhà phân phối chấp hành tốt việc giảm giá theo đúng quy định áp giá trần; các cửa hàng bán lẻ cũng nghiêm túc chấp hành theo đúng giá của nhà phân phối. Tuy nhiên, vẫn còn một số các cửa hàng kinh doanh không công bố công khai bảng niêm yết giá sữa trên kệ hàng như quy định; niêm yết không chính xác, còn nhầm lẫn giữa sản phẩm cũ và mới”… 
 
Việc áp giá trần sữa được xem là biện pháp phù hợp với thị trường hiện nay, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo quy định, biện pháp áp giá trần sẽ thực hiện trong thời hạn 1 năm; khi thị trường sữa bình ổn, cạnh tranh lành mạnh, Bộ Tài chính sẽ gỡ bỏ quy định áp giá trần. Không thể phủ nhận việc thực hiện áp trần giá sữa so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá này. Tuy nhiên, những chiêu trò của doanh nghiệp nhằm né tránh cho thấy, cần thiết phải có sự quản lý thống nhất, chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, từ việc rà soát danh mục sản phẩm sữa và thực hiện quản lý nhà nước về giá đến việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện mức giá bán lẻ tối đa; không để tình trạng đã áp giá trần mà giá sữa vẫn trôi nổi, gây bất lợi cho người tiêu dùng.
 
Bài, ảnh: 
Ngọc Châu