(Baonghean) - Từ nhiều đời nay, tục mừng thọ đầu Xuân đã trở thành một nét đẹp văn hoá truyền thống mang nhiều ý nghĩa của nhân dân ta. Người được mừng thọ là người cao tuổi, thường là từ 60 tuổi trở lên. Trong tâm thức dân gian, đó là những người được hưởng "tuổi trời".
"Thọ" là một trong những điều lớn mà con người mong muốn : "Phú - Quý - Thọ - Khang - Ninh". Người Việt Nam vẫn thường coi những người có tuổi và những gia đình có người cao tuổi là có phúc lớn, có phúc lớn nên mới sống lâu, nên mới có con cháu đề huề. Mừng Thọ chính là để mừng cái phúc ấy. Có giai thoại rằng: Đầu thế kỷ XX, cụ Tam Nguyên Yên Đỗ làm đến Tổng đốc, đã đến tuổi "cổ lai hy" nhưng khi về làng còn lạy sụp trước một cụ già nông dân 80 tuổi, vì theo cụ, chức tước thì vua chúa có thể ban được nhưng tuổi tác thì chỉ có trời cho.
Bởi vậy, từ xưa đến nay, thời nào, nơi nào cũng có tục Mừng Thọ. Nghi lễ trang trọng này thường được tổ chức vào những ngày đầu Xuân (Tết Nguyên đán). So với trước, tục Mừng Thọ ngày nay tuy đã có thêm nhiều nghi thức mới nhưng thường tổ chức theo hai hình thức: do chính quyền, hội người cao tuổi địa phương tổ chức tại đình làng (hoặc nhà văn hoá) và do con cháu tổ chức riêng tại nhà.
Tại lễ mừng thọ ở đình làng, các cụ được chính quyền chúc thọ và ghi nhận công lao đối với các công tác xã hội và việc giáo dục con cháu. Còn lễ mừng thọ tại nhà riêng lại là dịp để con cháu tỏ lòng báo đáp với cha mẹ, ông bà. Qua nghi lễ này, mọi người có dịp thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn".
Tổ chức mừng thọ là hoàn toàn do tự nguyện, với tinh thần thiêng liêng, trang trọng chứ không vì mục đích riêng nào. Lễ mừng to hay nhỏ đều thể hiện được niềm vui của gia đình vì có người cao niên. Mừng thọ là mừng vì sự sống lâu chứ không để khoe khoang chức tước, của cải. Người được mừng thọ là được chính quyền, con cháu, xóm giềng trân trọng chứ không có thêm quyền lợi gì.
Đến nay, phong tục "Yến lão" đã có thêm những nghi thức phong phú như làm thơ câu đối chúc thọ, biểu diễn văn nghệ, con cháu tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm…Nhưng nhìn chung, tục mừng này vẫn giữ được những ý nghĩa tôn vinh tuổi thọ - phước lộc trời ban. Và những nghi lễ mừng thọ, những lời chúc, những tấm áo lụa đỏ, những khăn xếp, rượu mừng…mãi mãi là nguồn động viên tinh thần vô giá, khi các cụ đã ở những ngày của mùa thu cuộc đời.