(Baonghean) - Trong không khí tưng bừng của những ngày đầu Xuân mới, nhân dân khắp nơi lại náo nức tụ về lễ hội Đền Vua Mai để tưởng nhớ công đức Vua Mai Thúc Loan cùng với các tướng lĩnh của ông và ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược phương Bắc, xây dựng nước Vạn An độc lập...
Từ TP Vinh, qua huyện Hưng Nguyên dọc theo đường 46 về Nam Đàn, một không khí rộn ràng, náo nức lạ thường. Hai bên đường cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng nhẹ đầu Xuân, trung tâm thị trấn Nam Đàn tràn ngập băng rôn, khẩu hiệu "Chào mừng quý khách về dự lễ hội đền Vua Mai 2009". Chợ Sa Nam nhộn nhịp hơn, hàng hoá cũng đa dạng hơn ngày thường.
Chị Hằng Nga (du khách đến từ Hà Nội) cho biết: "Đến Nghệ An vào dịp đầu Xuân là phải lên quê Bác, vào đền Vua Mai. Trước đây, chị thường mua lễ dưới Vinh, nhưng hôm nay thử vào chợ Sa Nam mới biết hàng hoá ở đây rẻ hơn, người bán lại vui vẻ chiều khách...". Được biết, định hướng phát triển của huyện Nam Đàn là đầu tư mạnh vào du lịch dịch vụ. Ngoài khu di tích Kim Liên - quê Bác, lễ hội Đền Vua Mai là một trong những điểm du lịch văn hoá tâm linh quan trọng của huyện nhà.
Lễ hội Đền Vua Mai năm nay diễn ra trong 3 ngày (từ 13 đến 15 tháng Giêng âm lịch). Năm nay UBND huyện Nam Đàn phối hợp với Viện Văn hoá Việt Nam tổ chức phục hồi một số lễ hội mang đậm bản sắc văn hoá tín ngưỡng truyền thống vùng quê xứ Nghệ.
Vì thế từ sáng 13 tại sân đền thờ, mộ Vua Mai đã có rất đông du khách tới vãn cảnh, thắp hương, tham gia các trò chơi dân gian như đánh cờ thẻ, chọi gà, hội vật, các môn thể thao bóng bàn, bóng chuyền nam nữ của 24 xã, thị. Riêng lễ yết cáo năm nay được diễn ra cùng lúc (15h) ở tại 3 di tích (đền thờ Vua Mai, khu mộ Vua Mai và mộ thân mẫu Vua Mai).
Đây cũng là năm đầu tiên Huyện đoàn Nam Đàn phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo tổ chức cuộc thi "Tìm hiểu thân thế sự nghiệp Vua Mai" diễn ra vào lúc 19h tại sân mộ Vua Mai giữa Đoàn trường THPT Nam Đàn 1 và Đoàn trường THPT Sào Nam.
Tại bến thuyền khu mộ chiều 14 âm lịch đã diễn ra hội đua thuyền truyền thống, năm nay có 12 đội tham gia, đây là một trong những hoạt động thu hút đông đảo nhân dân đến dự. Anh Nguyễn Văn Chiến (cán bộ UBND xã Vân Diên) phấn khởi: "xã Vân Diên chúng tôi năm nào cũng nhiệt tình tham gia tất cả các hoạt động của lễ hội, các môn bóng chuyền nam, nữ, vật liên tục giành giải nhất toàn đoàn".
Đặc biệt năm nay đội tế của huyện được giao nhiệm vụ tổ chức hội thi làm cỗ xôi gà (có 10 khối trên địa bàn thị trấn Nam Đàn tham gia) nhằm khôi phục lại tục lệ cổ truyền nuôi gà thờ, làm xôi thờ. Yêu cầu cỗ xôi có trọng lượng 4kg có thể là xôi trắng, xôi gấc hoặc xôi đậu; gà cúng phải là gà đồi, gà kiến có trọng lượng từ 1 - 1,5 kg, màu vàng tươi chưa có cựa hoặc cựa mới nhú, cổ cao, cánh rộng, hai chân cân đối, mào đỏ tươi có nhiều khứa. Mỗi đội tự trình bày cỗ xôi gà theo ý tưởng của mình nhưng nhất thiết phải đẹp, mang đậm nét truyền thống. Sau khi 10 cỗ xôi gà hoàn tất, ban tổ chức sẽ rước về Đền thờ Vua Mai làm lễ đại tế thể hiện sự tôn kính khi dâng lễ vật cúng Vua.
Tâm điểm của Lễ hội Đền Vua Mai năm nay vào sáng 14 âm lịch: lễ rước kiệu diễn ra trang nghiêm, thành kính. Có tất cả 6 đoàn rước: đi đầu là đội múa rồng, lân, ngựa, tiếp đến là đội nhạc, bát bưủ, 9 cờ lễ hội (trang phục quần áo lễ); sau đó là kiệu, bát bửu, 9 cờ (trang phục áo kiệu); tiếp theo là đoàn các cụ cao tuổi, 9 cờ (trang phục áo chùng, khăn the); đoàn các thiện nam, tín nữ của các đền, chùa, 9 cờ (trang phục áo dài); cuối cùng là đoàn các em học sinh và nhân dân, du khách thập phương). Tất cả gặp nhau tại Sân lăng mộ Vua Mai dự lễ dâng hương tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Mai Thúc Loan.
Đây là năm đầu tiên Ban tổ chức lễ hội đưa lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai nằm trong hoạt động chính của lễ hội theo kịch bản của Viện Văn học Nghệ thuật Việt Nam, với mục đích khai thác mạnh văn hoá tâm linh để thu hút khách du lịch đến với Nam Đàn, về với lễ hội ngày càng nhiều hơn.
Tại lễ dâng hương tưởng niệm Vua Mai, ông Trần Đình Hường (Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn) phát biểu nhấn mạnh: "Tổ chức lễ hội đền Vua Mai 2009 là để tưởng nhớ công đức Vua Mai cùng với các tướng lĩnh của ông và ôn lại khí thế hào hùng của cuộc khởi nghĩa đánh bại quân xâm lược phương Bắc xây dựng nước Vạn An độc lập; Đồng thời giáo dục truyền thống tốt đẹp cho nhân dân nhất là thế hệ trẻ về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, của cha ông , tăng thêm niềm tự hào, lòng yêu mến quê hương xứ sở. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong tầng lớp nhân dân, gắn với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Qua đó quảng bá, giới thiệu cụm di tích Vua Mai để thu hút các nhà đầu tư, khách thập phương đến tìm hiểu thưởng ngoạn các giá trị văn hoá thông qua các di tích đền, miếu mộ Vua Mai".
Ngay sau lễ dâng hương tưởng niệm là lễ đại tế diễn ra tại Đền thờ Vua Mai. Các hoạt động phần hội như bóng chuyền, đấu vật, cờ thẻ, chọi gà, đu tiên vẫn diễn ra trong suốt 3 ngày. Nhà hát dân ca Nghệ An biểu diễn trích đoạn "Loan - Vải chia tay" phục vụ bà con vào đêm 14 âm lịch tại sân mộ Vua Mai. Chiều 15 âm lịch, lễ tạ diễn ra cùng lúc tại 3 di tích - kết thúc tốt đẹp một chuỗi các hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội đền Vua Mai 2009.
Thanh Thuỷ - Thanh Phúc