(Baonghean) - Việc người dân lâu nay vẫn ngang nhiên vào vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát như khe Khặng (xã Môn Sơn) khe Choăng (Châu Khê), khe Thơi (Lạng Khê)… đánh bắt hải sản trái phép bằng các phương tiện cấm, đến mức một số loài quý hiếm gần như tuyệt chủng. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn và làm rõ trách nhiệm của những người làm công tác quản lý bảo vệ nguồn tài sản quý của quốc gia...
Một thời cá Mát sông Giăng
Khi ngọn Pha Lài nuốt ông mặt trời, hoàng hôn trùm kín, cha con ông Lô Văn Uốn, bản Thái Sơn, người nổi danh là người quăng chài, lặn bắt cá giỏi nhất vùng từ bờ sông Giăng trở về. Trong “cà típ”(giỏ) lủng lẳng bên hông chỉ lèo tèo vài con cá nhỏ chỉ bằng ngón tay.
Ông than thở: “Đi từ vực Văng Môn đến gần tận khe Lẻ từ hôm qua tới giờ mà chỉ được mấy con cá đui ni”. Trên căn nhà sàn, mế của ông là Vi Thị Thiếu đang ngồi bên bếp lửa bập bùng chờ con cháu mang thức ăn về. Thấy ông Uốn đổ ra chậu mấy con cá, miệng móm mém nhai trầu, mế buồn rầu kể: “Ngày xưa khi anh cả Uốn còn nhỏ, tui ở nhà bắc nồi lên bếp, ông nhà tui vác chài ra ngoài bến quăng một mẻ kéo lên xách về luôn thà hồ ngồi gỡ, toàn cá mát”. Nếu hai người đi thuyền độc mộc vào tận thượng nguồn trong khe Bê, khe Tàng chỉ cần thả một cheo lưới sáng ra thu lưới cá mát mắc kín phải đến tạ cá. Mế Thiếu giải nghĩa cá mát, tiếng Thái gọi là “pa khinh”, “pa lạt meo” (cá lệch), “pa va” (cá ních). Người Thái thường chế biến cá thành những món: pa pính phé, pa pính tộp, pa pính giảo, hò mọc pa… Mế Vi Thị Diện, nhà bên sang chơi cũng thêm chuyện: Trước kia, đi đồng về đàn bà ở nhà bắc nồi lên bếp, đàn ông ra sông Giăng thả lưới quăng chài, một lúc trở về đã có cả một oi cá đầy để ăn với “khầu him” (một loại nếp).
Mế nói: Ngày trước chủ yếu là quăng chài, thả lưới, thả đó chứ không kích điện, nổ mìn như giờ. Ở vùng Mường Quạ đánh cá giỏi có ông Lang Văn Tí ở bản Xiềng, ông La Thụ, ông Lô Văn Tuyên ở bản Cò Bà, ông La Bình, ông La Dương người bản Pom… Nay thì cá hiếm lắm, muốn ăn cá mát, mấy anh con trai của tui phải đi mãi vào tận khe sâu vài hôm mới có vài gắp cá mát mang về.
Ông Lô Văn Uốn cho biết, sông Giăng là nơi sinh tụ của loài cá mát, mình cá có từ 3 đến 6 chấm đen, còn vảy cá thì màu hồng. Cá mát nhỏ con chỉ bằng hai ba ngón tay người lớn, con to nhất chỉ nặng từ 0,5kg đến 0,8kg. Cá mát sống từng đàn ở các khe đá và nơi thác nước chảy xiết, chúng thường bơi kiếm ăn vào ban đêm. Từ chập tối trở đi cá bắt đầu theo nhau đi tìm kiếm các loại côn trùng trên mặt nước, các loại rong tảo bám vào đá nơi thác chảy. Bắt đầu từ tháng 8 âm lịch là mùa cá mát, cữ này khi qua các thác đầu nguồn sông Giăng, cá mát nghiêng mình chao lượn trắng bạc. Cá mát sông Giăng vừa lành vừa bổ, thịt lại thơm ngon, mỡ béo ít xương. Trong ký ức tuổi thơ của ông Uốn, sông Giăng có rất nhiều loài cá, người lội qua sông phải rẽ cá mà đi, người xuống sông tắm từng đàn cá đến vây quanh đùa giỡn.
Ông La Văn Yêu, người Đan Lai bản Cò Phạt kể, người Đan Lai xưa cá mát ăn thay cơm. Đến bữa mỗi người lùi một củ sắn vào bếp rồi vác chài ra sông tung một mẻ chài trên thác đã có đủ một nồi canh cá mát cho và đủ cho mỗi người một con cá ngồi nướng ăn tươi bên bếp lửa. Lễ Tết đến hay cưới hỏi của người Đan Lai phải có cá mát cúng tổ tiên với bài cúng: "Năm hết Tết đến/chúng con chỉ có/Một trành cá mát/Một bát mật ong/Một chén rượu lạt/dâng lên tổ tiên/Phù hộ chúng con/ăn nên làm ra/Con suối lắm cá...”.
Và trong ký ức của mỗi người dân, Mường Quạ xưa là cánh đồng màu mỡ, trù phú cho lúa trĩu bông. Ðặc biệt, có loại lúa nếp “khầu củ pháng” (lúa nếp vàng), xôi hông lên chất dầu như mỡ gà trộn vào, màu vàng óng ánh, mùi thơm ngào ngạt. Nếp xôi khầu cú páng ăn kèm với cá mát sông Giăng thì phải nói là tuyệt. Vậy mới có câu thành ngữ còn lưu truyền đến bây giờ:“Cơm mường Quạ, cá sông Giăng”.
Mai này, còn có...?
Từ bến Pha Lài nơi có đập thủy lợi ngăn sông Giăng đưa nước lên tưới cho cánh đồng Mường Quạ, chúng tôi theo chân cha con anh La Văn Thái, bản Thái Sơn ngồi thuyền máy ngược sông Giăng đi đánh cá.
Anh Thái cho biết, đi đánh cá chuyên nghiệp ngoài dụng cụ đánh bắt, trước đây ông cha đánh bắt được nhiều, muốn để lâu chỉ cách duy nhất là nướng khô, nay thì đã có đá lạnh bỏ trong thùng xốp để bảo quản cá. Cùng chúng tôi đi sâu trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát đánh cá, còn một vài tốp khác.
Cá được đánh bắt ở thượng nguồn sông Giăng trong vùng lõi Vườn quốc gia
Pù Mát.
Một ngày ròng rã tung nhiều mẻ chài, vây nhiều mẻ lưới nhưng cha con anh Thái chỉ bắt được vài lượng cá mát. Anh Thái nói: Bây giờ họ toàn dùng kích điện, đánh mìn, mới hơn người ta còn đầu tư đồ lặn, dùng súng bắn cá để bắt những con cá lăng, cá lệch… nằm sâu trong hang đá.
Trở về bến Pha Lài, gặp ông Lô Văn Péng, người bản Xiềng đang nghỉ ngơi sau chuyến đi vào sâu tận trong bản Khe Búng trở ra, trong bộ đồ cộc đang rét run vì lạnh. Rít điều thuốc lào xong, ông vừa thoăn thoắt bưng thùng xốp đá đựng cá đổ ra sàn vào cân cho chủ quán đóng bằng bè nằm ngay ở bến đập Pha Lài. Tuy nhiên, khi phân ra loại cá, chỉ có mấy lượng cá mát, ông chặc lưỡi nói: “Tui đi từ hôm kia, mưa gió rét là thế mà chỉ được có chừng ni cá mát. Dạo này cá mát không có nhiều, chỉ còn một số như cá chạch, cá bọp, cá lăng, còn cá ních thì đã tuyệt chủng. Từ nhỏ tui đã theo ông, theo cha đi đánh cá chỉ cần vây một đường lưới ngắn đã được một oi cá đầy. Vậy mà bây giờ không chỉ riêng cá mát mà nhiều loài cá ngon của sông Giăng cứ ngày một hiếm. Trước đây đi thả lưới, quăng chài người giỏi được vài yến cá, còn nay chỉ được 1 đến 2 cân đã là nhiều lắm.
Thấy chủ quán bè trả cho ông Péng một cân cá mát giá 200 nghìn đồng. Ông “Dũng sẹo” chủ quán nói: Cá mát chừ là đặc sản để phục vụ “thượng đế” là các du khách đến tham quan và chuyển về nhà hàng thành món đặc sản quý hiếm ngoài thị trấn, về xuôi, giá cả cũng ngày một đắt mà lại rất hiếm...
Anh Vi Văn K người bản Xiềng, một thợ đánh bắt cá chuyên nghiệp cho biết, người đi đánh bắt cá chủ yếu là người bản địa phương đi theo tổ, mỗi tổ từ 1 đến 3 người. Hình thức đánh bắt cũng đa dạng từ đánh bắt truyền thống như thả lưới, chài. Hiện nay dân chuyên nghiệp đánh bắt cá bằng các dụng cụ hiện đại bị cấm như kích điện, nổ mìn. Theo anh K chỉ với một bộ kích gồm độ kích loại 24 sò, một bình điện loại 75 ampe cũng đủ để những chú cá lệch nặng tới 0,9- 10 kg nằm sâu ở dưới đáy vực sông cũng “mò” theo dòng kích điện nổi lên. Quăng mìn chỉ trong mấy giây, đàn cá to nhỏ tấm mén đều nổi lềnh bềnh, người đánh bắt chỉ việc vớt cá lên thuyền.Chúng tôi hỏi đi đánh bắt cá có ai kiểm tra, kiểm soát hay ngăn cấm không? Anh không chút đắn đo trả lời: “Có ai hỏi, kiểm tra chi mô, cá dưới sông ai muốn vào bắt thì bắt, mà núi rừng rộng lớn thế ai kiểm tra nổi”.
Bộ kích điện được sử dụng để đánh bắt cá.
Nói về thực trạng nguồn cá sông Giăng, đặc biệt cá mát đang dần bị cạn kiệt có nguy cơ tiệt chủng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Môn Sơn, Trung tá Nguyễn Trọng Vinh cho biết: Thời gian qua lực lượng biên phòng đều triển khai công tác xây dựng kế hoạch tăng cường quản lý giám sát, xử phạt trường hợp cố ý vi phạm trong việc sử dụng kích điện đánh bắt cá trái phép trên sông suối. Hàng tháng, Đồn phân công cắm mỗi bản một tổ, mỗi tổ 6 người để tuần tra. Thường xuyên phân công tổ công tác nghiệp vụ kết hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền về tác hại của việc đánh bắt quá mức dẫn đến tuyệt chủng cá sông Giăng.
Đồn trưởng Nguyễn Trọng Vinh cho biết thêm, tuy nhiên vẫn còn một số đối tượng cố ý vi phạm, năm 2012 phát hiện xử lý 7 vụ, 10 đối tượng; tịch thu 6 gam thuốc nổ, 1 kíp thuốc nổ và 3cm dây cháy chậm; xử phạt hơn 5 triệu đồng, tịch thu 8 bộ kích điện. Bắt và xử lý 1 vụ, 2 đối tượng mua bán, sử dụng vật liệu nổ. Trong quý 1 năm 2013, Đồn bắt được 2 vụ ở bản Cò Phạt, xử phạt 1 vụ 700 nghìn đối với một đối tượng ở bản Yên sử dụng kích điện đánh bắt cá.
Chúng tôi liên lạc để có cuộc tiếp xúc làm việc với ông Nguyễn Phúc Chiến, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Pha Lài, thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát để tìm hiểu thêm công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã cũng như bảo vệ nguồn hải sản trong khu vực do trạm quản lý, nhưng ông này đã từ chối không làm việc với lý do chưa được phép cấp trên.
Thực tế những ngày có mặt tại xã Môn Sơn cho thấy việc người dân ở vùng đệm vẫn lén lút hoặc ngang nhiên vượt qua sự kiểm soát của các nhà chức trách vào thượng nguồn sông Giăng thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt Vườn Quốc gia Pù Mát đánh bắt hải sản bằng các loại phương tiện, trong đó có các loại phương tiện cấm như mìn, kích điện… đến mức một số loài cá quý hiếm gần như tuyệt chủng.
Không riêng các loài cá, các loài động vật hoang dã quý hiếm khác nằm trong sách đỏ ở vùng Khe Khặng, thượng nguồn sông Giăng mà theo phản ánh ở các vùng khác như khe Choăng, khe Thơi… cũng trong tình trạng tương tự. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn, làm rõ trách nhiệm của những người làm công tác quản lý bảo vệ nguồn tài sản quý của quốc gia!