Boris Johnson sẽ “thắng lớn”…
Theo AFP, đảng Bảo thủ được dự đoán là sẽ giành chiến thắng với số lượng áp đảo 368 ghế trong tổng số 650 ghế trong Quốc hội xứ sở sương mù.
Nếu con số căn cứ từ cuộc khảo sát công bố sau khi khép lại các cuộc bầu cử này được xác nhận một cách chính thức, đây sẽ là thế đa số mạnh nhất của đảng này trong vòng 3 thập kỷ qua.
Một trong những tác động tích cực đầu tiên từ các dự báo kết quả mà được tất cả các bên “tô vẽ” là cuộc bầu cử tạo động lực lớn nhất tại Anh trong suốt 1 thế hệ, đó là thông tin đồng bảng Anh đã nhảy vọt, tăng 2 điểm phần trăm so với đồng USD.
Bản thân ông Johnson từng chạy chiến dịch tranh cử không ngừng nghỉ với lời hứa hẹn “Hoàn thành Brexit”, cam kết chấm dứt nhiều năm rối ren chính trị liên quan đến tương lai của nước Anh, đè nặng lên nền kinh tế và hằn sâu những mối chia rẽ sâu sắc tại quốc gia này.
Vì thế, nếu sở hữu thế đa số áp đảo về số lượng nghị sỹ trong quốc hội, không ngờ gì, ông sẽ có khả năng đưa bản thỏa thuận “ly hôn” mà ông đạt được với Brussels có được sự thông qua của quốc hội, mà vẫn đảm bảo về mặt thời gian, kịp hạn chót Brexit sắp tới là ngày 31/1/2020.
Việc phê chuẩn thỏa thuận Brexit sẽ chính thức chấm dứt gần 5 thập kỷ hội nhập EU - Vương quốc Anh, dù cả 2 bên vẫn cần phải tiến tới một thỏa thuận thương mại và an ninh mới nữa.
Giới lãnh đạo EU đang có mặt tại Brussels để dự hội nghị thượng đỉnh và vẫn theo dõi chặt chẽ kết quả cuộc bầu cử ở xứ sương mù.
Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin là nhân vật đầu tiên lên tiếng hoan nghênh kết quả: “Nếu các kết quả thăm dò sau khi kết thúc bỏ phiếu được xác nhận, điều đó sẽ cho phép một thế đa số rõ rệt, điều mà trong vài năm qua luôn thiếu tại Vương quốc Anh”.
Kẻ được, người mất
Khi chiến thắng của Johnson được các kết quả chính thức xác nhận, thì đó sẽ là chiến thắng tuyệt vời nhất dành cho đảng Bảo thủ kể từ năm 1987.
Trong cuộc bầu cử lần thứ 3 chỉ trong gần 5 năm vừa qua, người ta nhận thấy dân chúng nước Anh đã vượt qua “lực cản” của những cơn bão mùa đông và những trận cuồng phong rét lạnh, để xếp hàng chờ đến lượt tự tay bỏ lá phiếu quyết định vận mệnh tương lai của đất nước họ.
Và như đã nói ở trên, một khi chiến thắng của Johnson được các kết quả chính thức xác nhận, thì đó sẽ là chiến thắng tuyệt vời nhất dành cho đảng Bảo thủ kể từ năm 1987, tức thời điểm bà đầm thép Margaret Thatcher còn ở Phố Downing.
Ắt hẳn ông Johnson phải vui mừng lắm trước chiều hướng tích cực có lợi cho mình này, khi đăng trạng thái trên mạng xã hội Twitter, cảm ơn những người đã bỏ phiếu và ủng hộ đảng của mình, đồng thời nói thêm: “Chúng ta đang sống trong nền dân chủ tuyệt nhất trên thế giới”.
Người cười thì có kẻ khóc, trái ngược với niềm hân hoan đang len lỏi trong đảng Bảo thủ, thì ở phía bên kia, cuộc thăm dò hậu bầu cử đang úp mở về một viễn cảnh thảm họa đối với đảng Lao động đối lập chính, vốn được dự đoán sẽ chỉ giành được 191 ghế, kết quả tệ nhất kể từ năm 1935 đến nay.
Nhà lãnh đạo cánh tả Jeremy Corbyn từng hứa về một cuộc trưng cầu ý dân lần thứ 2 về Brexit, trong một nỗ lực hòng “hấp dẫn” một nửa số cử tri Anh vẫn còn muốn ở lại EU.
Nhưng ông đã tập trung chiến dịch vận động tranh cử của đảng Lao động vào một chương trình cấp tiến nhằm tạo ra thay đổi về kinh tế, bao gồm quốc hữu hóa các ngành công nghiệp chủ chốt, và điều này đã không được lòng số cử tri truyền thống.
Phụ tá thân cận của ông Corbyn là John McDonnell đã phải thừa nhận: “Có vẻ như là Brexit đã chi phối. Phần nhiều ở đây là sự mệt mỏi về Brexit. Người dân chỉ muốn nó qua đi và kết thúc”.
Đó là chưa kể đến bản thân ông Corbyn cũng không được lòng dân và bị cáo buộc “đồng cảm” với các nhóm khủng bố, thậm chí bị cựu bộ trưởng nội vụ đảng Lao động Alan Johnson nhận xét là “không có năng lực lãnh đạo, vô tích sự”…
Và giờ đây, đứng trước mắt ông cùng Công đảng là nguy cơ hiển hiện về thất bại bầu cử lần thứ 4 liên tiếp, đồng thời là thất bại thứ 2 dưới thời Corbyn. Hậu quả là gì? Đó là đảng này rất có thể sẽ phải đứng ngoài vòng quyền lực cho tới tận năm 2024.
Phe Dân chủ Tự do bài Brexit cũng đang trên đà đi đến những tháng ngày không mấy sáng sủa, khi dự báo chỉ giành 13 ghế, chỉ hơn 1 ghế so với con số mà họ có được trong cuộc bầu cử 2 năm trước.
Họ đã làm tốt trong các cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu đầu năm nay, nhưng tân lãnh đạo của họ Jo Swinson đã không gây ấn tượng lắm và giới chuyên gia cho rằng lời hứa đảo ngược Brexit mà không cần một cuộc trưng cầu ý dân mới cũng không được nhiều người ủng hộ. Trong khi đó, đảng Quốc gia Scotland (SNP), vốn muốn chặn Brexit và giành độc lập cho Scotland, dự báo giành 55 - 59 ghế.
Brexit mềm hơn?
Johnson vẫn là một nhân vật gây phân cực tại Anh, nhờ vai trò lãnh đạo của ông trong cuộc bỏ phiếu trưng cầu chọn Brexit năm 2016. Nhưng một lần nữa, ông đã chứng tỏ khả năng thu hút trên các tuyến chính trị, như điều ông từng làm khi còn là thị trưởng London, với sự hỗ trợ của một thông điệp đơn giản về Brexit.
Ông đã hứa sẽ đưa kế hoạch Brexit của mình ra Quốc hội trước dịp nghỉ giáng sinh, dù văn bản này khó có thể được thông qua trước tháng 1 tới. Sau đó, ông sẽ có 11 tháng để tiến tới đạt được một mối quan hệ đối tác mới cùng EU trước khi quá trình quá độ hậu Brexit kết thúc vào tháng 12/2020.
Nhưng với một thế đa số thoải mái trong Quốc hội, các nhà phân tích lưu ý, ông có thể chọn gia hạn thời gian này và đàm phán một thỏa thuận thương mại chặt chẽ hơn dự kiến trước đó. Như nhận định của chuyên gia Simon Hix thuộc trường Kinh tế London: “Trớ trêu thay, Johnson giờ rảnh tay hơn để đàm phán một phiên bản Brexit mềm hơn”.