Cụ thể các nguồn sau giải ngân chậm như sau:
Nguồn vốn nước ngoài giải ngân 131 tỷ 451 triệu đồng/KH 453 tỷ 700 triệu đồng, mới đạt 28,97%. Trong đó có 6 dự án chưa hề được giải ngân, đơn cử như dự án phục hồi và quản lý rừng phòng hộ, dự án trồng cây chắn sóng...
Nguyên nhân chậm chủ yếu do các dự án khởi công mới (03 dự án khởi công mới trong năm với 139 tỷ 815 triệu đồng) phải triển khai các thủ tục phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, công tác đấu thầu, giải phóng mặt bằng... nên chưa thực hiện giải ngân.
Ngoài ra, còn 1 dự án cũng chưa giải ngân được trong 6 tháng đầu năm do Ban Quản lý dự án Trung ương đang tổ chức đấu thầu quốc tế. Đó là dự án Đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải cho các bệnh viện sử dụng vốn ODA Đức với nguồn vốn 30 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 8.
Có 2 dự án dự kiến sẽ không giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao và sẽ được rà soát để điều chuyển vốn cho các dự án khác để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch được giao, gồm: Dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (giải ngân thực tế theo tiến độ của Ban quản lý dự án Trung ương giao, khả năng giải ngân 4 tỷ 91 triệu đồng/KH 27 tỷ 949 đồng); Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng - giai đoạn 2 (Khả năng giải ngân 0% do hiện nay đang triển khai các thủ tục thẩm định, phê duyệt lại báo cáo nghiên cứu khả thi).
Nguồn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững mới giải ngân 71 tỷ 558 triệu đồng/KH 358 tỷ 139 triệu đồng, mới đạt 19,98%.
Nguyên nhân giải ngân chậm chủ yếu do chương trình 30a có 14 dự án mới được giao kế hoạch vốn năm 2020 ngày 16/4/2020 tại Quyết định số 1190/QĐ-UBND của UBND tỉnh với số vốn là 84 tỷ 650 triệu đồng, hiện nay đang trong quá trình làm thủ tục đấu thầu.
Ngoài ra do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các dự án dừng thi công trong tháng 3 và tháng 4, từ tháng 5 mới khởi động thực hiện công tác xây dựng, dự kiến nguồn này cũng sẽ giải ngân khá trong quý 3 sắp tới.
Nguồn giải ngân chậm nữa là nguồn thu sử dụng đất phần tỉnh quản lý đưa vào đầu tư tập trung: giải ngân 36 tỷ 205 triệu đồng/KH 180 tỷ đồng, mới đạt 20,11%. Nguyên nhân do các dự án đang thực hiện giải phóng mặt bằng, một số dự án đang làm thủ tục quyết toán nên chưa giải ngân...
Một số huyện, ngành tỷ lệ giải ngân còn thấp như huyện Quỳ Châu 11,97%, thành phố Vinh 12,84%, huyện Quế phong 13,27%, huyện Kỳ Sơn 19,49%, huyện Nam Đàn 24,42%, Sở Giao thông Vận tải 29,55%, Sở Lao động Thương binh và Xã hội 6,92%, Sở Y tế 0,88%, Bệnh viện Ung bướu 0% (37 tỷ đồng nhưng chưa hề được giải ngân)... Có 6 địa phương giải ngân khá gồm Cửa Lò, Tân Kỳ, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Anh Sơn, Thanh Chương...