KINH TẾ TIẾP TỤC CÓ BƯỚC TĂNG TRƯỞNG
Tại phiên họp, UBND tỉnh đã nghe Sở KH&ĐT trình bày dự thảo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Giai đoạn 2016 - 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng kinh tế Nghệ An tiếp tục có bước tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 7,84%/năm.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Môi trường đầu tư kinh doanh, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được cải thiện. Trong giai đoạn 2016 - 2019, trên địa bàn tỉnh thu hút được 532 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 67.308 tỷ đồng.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng cao. GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2020 ước đạt 44,34 triệu đồng, gấp 1,58 lần so với năm 2015. Tỷ lệ hộ nghèo từ 12,1% năm 2016 dự kiến đến cuối năm 2020 giảm còn 3%. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo và có nhiều mặt chuyển biến tốt.
Tuy nhiên, Nghệ An vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tích lũy từ nội bộ nền kinh tế còn thấp so với tiềm năng, lợi thế đang có. Do tác động của đại dịch Covid-19 nên thu ngân sách năm 2020 dự kiến chỉ đạt khoảng 14.060 tỷ đồng.
Dự báo có 8/31 chỉ tiêu chủ yếu khó đạt được kế hoạch đề ra; lao động thiếu việc làm còn lớn; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa được thực hiện tốt; tội phạm và tệ nạn ma túy còn diễn biến và tiềm ẩn phức tạp.
Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025:
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 9,5 - 10,5%.
- GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt khoảng 83 triệu đồng.
- Thu ngân sách đến năm 2025 đạt 26.000 - 30.000 tỷ đồng.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 500 ngàn tỷ đồng.
- Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm mỗi năm khoảng 1 - 1,5%, trong đó vùng miền núi 2-3 %.
- Đến năm 2025, có 82% số xã và 11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới.
THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN, CHỌN NGÀNH TRỌNG ĐIỂM ĐỂ ĐẦU TƯ
Kết luận nội dụng này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cho rằng, phiên họp đã chỉ ra nhiều hạn chế. Thứ nhất là việc sử dụng nguồn lực chưa hiệu quả, dàn trải, thiếu tính đồng bộ; điểm nghẽn trong thu hút đầu tư là công tác CCHC.
Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, mục tiêu tổng quát cần phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tế của tỉnh. Nghệ An vẫn phấn đấu trở thành tỉnh khá, nhưng ở các mục tiêu cụ thể thì phải lượng hóa được, khá như thế nào? Cái lượng hóa được là mức sống người dân, thu nhập của người dân, sự phát triển của các ngành trên địa bàn...
Về kịch bản tăng trưởng năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với kịch bản 1 là tốc độ tăng trưởng 7,45%, để có sự phấn đấu. Đồng thời cho rằng, các chỉ tiêu 5 năm tới phải bám sát vào các chỉ tiêu tại Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025. Về chỉ tiêu tỷ lệ độ che phủ rừng thống nhất là 58%.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng thống nhất với 14 nhiệm vụ trong dự thảo báo cáo. Bên cạnh đó, đề nghị các ngành phải rà soát lại, trong đó chú ý những biện pháp tháo gỡ các điểm nghẽn đã nhìn ra, chỉ ra.
“Quan điểm về sử dụng nguồn lực trong thời gian tới là tập trung, có trọng tâm, trọng điểm vào những cực mà chúng ta muốn thu hút để phát triển”.
Đồng chí Nguyễn Đức Trung cũng đồng tình với quan điểm, Nghệ An phát triển bền vững chứ chưa nhanh, tốc độ tăng trưởng ổn định, đời sống người dân Nghệ An không nghèo nhưng cũng chưa phải giàu. Tỉnh đã làm tốt kết quả chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với xóa đói, giảm nghèo.
Đặt câu hỏi: Vấn đề chưa nhanh là gì? Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, là vì chúng ta chưa chọn đúng vùng trọng điểm, chưa chọn đúng ngành trọng điểm để tập trung phát triển cho nhanh. Kinh nghiệm của các địa phương khác có sự bứt phá về kinh tế trong giai đoạn vừa rồi thì tăng trưởng kinh tế là công nghiệp.
"Công nghiệp thì cần có những dự án động lực. Nghệ An đang có điều kiện thuận lợi, đã có quy hoạch các KCN, đây là cơ sở để tỉnh thu hút được các dự án đầu tư. Cộng thêm nguồn lực lao động ở địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh phải tận dụng được cơ hội của cuộc cách mạng KHCN, có thể là nơi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", đồng chí Nguyễn Đức Trung nói.
Về điểm nghẽn CCHC, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trong giai đoạn tới cần phải được tháo gỡ. Ngay trong năm 2020, tỉnh sẽ thành lập tổ công tác để giải quyết các vướng mắc, khó khăn về thủ tục hành chính.
Về chương trình hành động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong 49 đề án thì cần chọn cái gì để làm, đã chọn phải làm được, phải gắn với nguồn lực để thực hiện thì mới đạt hiệu quả. Phải tập trung trọng tâm, trọng điểm khoảng 10 đề án để thực hiện quyết liệt.
Cũng trong sáng 11/6, UBND tỉnh đã nghe và cho ý kiến về Báo cáo tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2020, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm 2020 và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; Dự thảo Nghị quyết HĐND về phân bổ nguồn vốn ngoài nước Trung ương bổ sung có mục tiêu năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh quy định một số nội dung chi, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và chế độ hỗ trợ nạn nhân mua bán người; Báo cáo công tác cải cách hành chính 6 tháng đầu năm 2020, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; Dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã dôi dư..; Báo cáo công tác phòng, chống tham những 6 tháng đầu năm 2020, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020; Báo cáo tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo 6 tháng đầu năm 2020, phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.