Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946), các cơ quan Dân Chính Đảng lần lượt sơ tán về nông thôn. Đến những năm 1948 - 1949, các cơ quan thuộc Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Liên khu IV sơ tán về đóng ở quê tôi, lúc bấy giờ là xã Giai Lạc, huyện Yên Thành... Gia đình tôi có vinh dự được chọn và bố trí làm nơi sinh hoạt và nơi làm việc của cụ Hồ Tùng Mậu, lúc bấy giờ là Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến Hành chính Liên khu IV.
- Một lần đi công tác qua xã Bảo Thành, cụ thấy dân quân xã không cho người nghèo làm thuê cho nhà giàu thiếu nhân công, bà con đang cấy cày giữa ruộng buộc phải về hết, nói là bọn nhà giàu muốn lập lao tư hợp tác, để chống lại Chính phủ. Cụ truyền đạt cho tôi báo cáo với đồng chí Bí thư Huyện uỷ cử cán bộ về ngay xã đó, đả thông tư tưởng trong ngoài, phải để cho họ làm trong lúc mình gặp khó khăn, chưa giải quyết nổi công ăn việc làm. Cần phải khuyến khích họ đi làm, mặt khác vận động nhà giàu trả công xứng đáng và sòng phẳng. Còn đâu đó nói rằng, lập tổ chức chống Đảng là vấn đề khác, cần phải xem xét cẩn trọng, hiện nay làm thêm được một hạt thóc là rất quý và cụ dặn chủ nhật tuần sau phải báo cáo kết quả cho cụ biết.
Đi qua đường 38, cụ thấy dân quân xã Hoa Thành đang phá dỡ đền, qua xã Văn Thành thấy dân quân ngăn cản không cho người đi cúng lễ. Cũng chính ngay trong xã tôi, dân quân ngăn không cho dân đi lễ tại đền thờ Đức Hoàng, xóc thẻ xin thuốc khi trong nhà có người bị đau ốm. Cụ chỉ thị: Vấn đề đền đài đã có chỉ thị của Uỷ ban Hành chính Liên khu IV rồi, đó là Pháp lệnh của Nhà nước, ai phá dỡ làm trái sẽ bị truy tố; Việc ngăn cản cấm người đi lễ đền, xóc thẻ xin thuốc, làm như thế không được, vi phạm đến quyền tự do tín ngưỡng của dân. Cụ còn nhấn mạnh trong khi trình độ nhân dân còn thấp, khoa học chưa phát triển, thiếu thầy, thiếu thuốc, thiếu tiền, nhân dân đi tế lễ một số đền đài mà họ cho là linh thiêng, lễ vật không đáng kể, chí ít cũng động viên phần nào về tinh thần. Trong khi họ chưa giác ngộ, địch có thể lợi dụng lập một tổ chức mê tín trá hình nào khác thì mình rất khó nắm được dân, mà phải thuyết phục dần. Cụ còn nhấn mạnh: Huyện, xã hiện nay tập trung lo cho 3 việc chính là: Giặc đói, giặc ngoại xâm và giặc dốt.
- Nhân ngày sinh Bác Hồ, một cán bộ thông tin (ông Hoà Lợi) tỏ ra mẫn cán, hướng loa vào nhà cụ ở loa rất to: 7 giờ sáng ngày mai xã làm lễ sinh nhật Bác Hồ, tất cả mọi người dân từ già đến trẻ phải đến dự, không được một người nào thiếu. Lúc đó chập tối thư ký riêng của cụ đi tắm, cụ phải tự chạy ra chòi phát thanh mời xuống để ân cần trao đổi: Hồ Chủ tịch không buộc phải mừng sinh nhật đâu, đó là lòng tự nguyện của nhân dân, phải loa lại rõ là: "7 giờ sáng ngày mai xã tổ chức mừng sinh nhật Bác Hồ, báo tin cho nhân dân biết để đến tham dự" là đủ.
- Gần Tết Nguyên đán, có người giàu cho người gánh đến biếu cụ một gánh nếp rồng (loại nếp ngon và quý của địa phương), một gánh nữa là bánh, trái cây... nhờ văn phòng xin được gặp cụ, cụ trả lời là không nhận quà biếu. Sau văn phòng trao đổi lại, bà đã già, chờ đợi đã hai ngày chỉ ước ao được gặp cụ để thoả mãn một đời người, cuối cùng cụ cho gặp, nơi gặp cách nhà tôi khoảng 1 km (tại nhà chị ruột tôi, bà Kim). Khi gặp cụ bảo: "Tôi Chính phủ cho ăn đủ rồi, không cần phải cho thêm gì nữa", nhưng bà này cứ nằn nì mãi, cuối cùng cụ nói: "Hiện nay bộ đội địa phương đang thiếu thốn nhiều mặt, đặc biệt vào dịp Tết, họ là người giữ nước, giữ nhà yên ổn cho mọi người ăn Tết, nên bà vui lòng mang đến biếu họ (bộ đội) nhờ bà nói với Ban chỉ huy đơn vị đó báo cáo cho tôi biết vì tôi quá bận, cảm ơn bà".
- Một chủ nhật, tôi ở huyện vừa về đến nhà, cụ bảo, vào để cụ trao đổi một chút: "Tôi công tác xa nhà suốt đời, do công việc không về thăm nhà được, bà nhà tôi muốn đến thăm, có thể ở lại đây vài hôm được không, có kiêng cự gì không, phải nói rất thực". Tôi trả lời, tôi là con thứ, không cúng đơm trong nhà, nên không kiêng gì cả, cụ cứ báo cho bà đến thăm. Rồi cụ cười: "Nói cho vui thế thôi, ông phó chủ tịch Đặng Việt Châu vừa cưới chị Nguyễn Thị Diên Hồng, có thể bố trí cho chị Hồng đến đây thăm chồng, như thế đổi cho chú Châu xuống ở đây, tôi lên ở nhà của anh ruột đồng chí là đồng chí Khuông".
Trần Văn Phiên - BNA