Tình cờ gặp tại Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên, với tư cách hoạ sĩ tôi được Đại tướng Chu Huy Mân, vị Chính uỷ ngày ấy của Đại đoàn 316 huyền thoại với cuộc công phá đồi A1, nhận lời thỏa mãn ước vọng của tôi là làm giàu thêm bộ sưu tập ký hoạ chân dung các danh nhân Việt Nam, bằng cách mời tôi đến nhà, 36 "phố nhà binh" Lý Nam Đế. Ngẫu nhiên hơn, cuộc hẹn lại đúng vào ngày Đại thắng 30/4.
Như lời xin lỗi vì đến hơi trễ, tôi tặng ngay ông bức ảnh chụp chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà tôi ký hoạ. Chu Huy Mân hồ hởi nhận rồi đáp lại, Đại tướng ký tặng tôi, và cho cả vợ con tôi nữa, cuốn hồi ký Thời sôi động của ông "ra lò" mới đầu năm.
Hồi ký này mới đến 1975, tròn 45 năm hoạt động cách mạng. Còn mười năm làm Bộ chính trị thì chưa viết - Chu Huy Mân chủ động giải thích - Cuộc đời của tôi thật sôi động nhưng cũng thật gian nan. Vậy thưa Bác, giai đoạn nào là gian nan nhất, vừa hỏi tôi vừa tranh thủ "hành nghề". Là thời kỳ làm Trưởng Đoàn cố vấn quân sự giúp bạn Lào xây dựng bộ đội, mật danh là Đoàn 100 vì biên chế vừa đúng 100 người, đặt chân lên đất bạn chỉ sau chiến thắng Điện Biên Phủ có 4 tháng. Trước lúc lên đường, Bác Hồ căn dặn: "Giúp bạn là tự giúp mình nhưng phải bồi dưỡng bạn làm chủ từng việc cho đến làm chủ toàn diện chứ không bao biện làm thay". Quán triệt là vậy nhưng khi vào cuộc thì trời ơi, gian nan lắm! Giúp bạn học từ nấu ăn trở đi vì bạn nấu ăn cho 5 người thì được chứ cho một tiểu đội thì không làm nổi. Ngay anh Bảy (tên thường gọi của đồng chí Caysỏn Phômvihản, Bộ trưởng Quốc phòng Neo Lào Hăcxạt), thoạt đầu cũng cứ nhờ tôi viết dùm tài liệu. Nhớ lời Bác nên tôi nói không. Anh cứ viết, cái gì của anh là của người Lào, tôi là người Việt Nam nên không thể được. Còn anh hỏi gì thì tôi sẵn sàng trả lời. Vậy mà ông ấy cũng suy nghĩ lung lắm. Sau một năm, tự thấy trưởng thành, anh Bảy có làm một bữa cơm mời tôi, đơn giản thôi với tý thịt và ít rượu. Khề khà, anh Bảy nói ông Mân giỏi thật, biết biến cái của ông thành cái của mình.
Dĩ nhiên, trong đời "cố vấn" của tôi có nhiều sự kiện đáng nhớ, nhưng tựu trung lại vẫn liên quan đến anh Bảy. Đầu tiên là chuyện ông ấy lấy vợ. Rất thật thà ông ấy hỏi: "Anh khuyên tôi nên lấy vợ Việt Nam hay lấy vợ Lào? Tôi thì muốn lấy vợ Việt Nam"!
Thì cũng là lẽ thường tình bởi người con ưu tú của các bộ tộc Lào ấy đã gắn bó với Hà thành cả trên chục năm, mà lại suốt từ thuở hoa niên. Còn nhớ xong tiểu học, Caysỏn sang Hà Nội học tiếp trung học ở Trường Bảo hộ rồi vào học Trường Luật cho đến năm 1945 thì về nước để tham gia giành chính quyền ở tỉnh Xavanakhẹt từ tay phát xít Nhật. Để nói, Việt Nam đã trở thành quê hương thứ hai của ông theo đúng nghĩa đen của từ này!
Việc tình cảm thì tôi không dám nói, nhưng lấy vợ Việt Nam sẽ là một cái "vướng" đối với sự nghiệp cách mạng dân tộc mà anh đang tiến tới bởi dẫu sao cũng mang tiếng lấy vợ ngoại. Vậy là anh Bảy nghe theo và bà vợ người Lào của ông ấy đây - vừa nói người lính già đầu bạc vừa giở cuốn Hồi ký, chỉ vào một người con gái thật xinh xắn đang bế một cháu bé kháu khỉnh trong bức hình chụp chung với vợ chồng Tổng bí thư Đảng bạn vào năm 1956. Chỉ tích tắc xuất thần này thôi, người viết bài này thầm nghĩ, cũng đủ để tôn vinh Chu tướng quân "Cố vấn hay nhất mọi thời đại". Và cũng chỉ qua chi tiết này thôi mà rực sáng cái tâm, cái vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong bối cảnh chủ nghĩa Sô vanh, chủ nghĩa nước lớn đang ám trùm thiên hạ. Sự kiện thứ hai liên quan đến tổ chức lễ tang Thao Tu, hy sinh vì mìn của phỉ Vàng Pao. Ông này không những có công đưa Tiểu đoàn dù 2 của Coongle rời Viên Chăn để cùng với quân Pa thét Lào lập căn cứ chống quân phái hữu Nôsavẳn mà trước hết là người rất có uy tín với dân tộc Mẹo (Lào Sủng). Nhận được điện báo của Trưởng Đoàn cố vấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cấp thời điện lại, nêu rõ ý kiến của Bác Hồ là phải làm lễ tang thật chu đáo. Ý nhà là vậy, nhưng thực hiện lẽ dĩ nhiên là do bạn.
Sự cố là chiều hôm ấy tôi chưa kịp bàn thì anh Bảy đã giao cán bộ dưới quyền chôn cất cho xong vào sáng hôm sau bởi ông ấy rất mệt sau mấy ngày bị sốt cao. Ông ấy đắp chăn ngủ sớm còn tôi quấn chăn ngồi, thao thức. Khoảng 2 giờ sáng, anh Bảy dậy hỏi anh Chăn (Thao Chăn, tên Lào của Chu Huy Mân) không ngủ à. Ánh trăng làm không ngủ được. Anh làm được một giấc rồi à. Anh rửa mặt rồi ta uống nước nói chuyện. Thế có chuyện gì? Chuyện Thao Tu chứ chuyện gì. Không được, vừa rồi anh giải quyết như thế không được. Thao Tu là lãnh tụ của dân tộc Mẹo, chính sách của Lào là chính sách đại đoàn kết các bộ tộc. Anh phải cử một đồng chí làm trưởng ban tang lễ, tốn bao nhiêu cũng được, tuỳ theo nghi lễ của người Mẹo mà làm thật trang trọng, làm bữa cơm đàng hoàng mời đồng bào đến viếng... Nếu không, mai kia có vấn đề gì thì ai ủng hộ Neo Lào Hăcxạt. Và đây cũng là ý Bác Hồ. Bác nói thế à, mình phải sửa sai thôi, rồi chỉ đạo tổ chúc tang lễ đúng như thế, với anh Phumi Vôngvichít làm Trưởng ban.
Sự kiện thứ ba là vào năm 1981, khi Đảng Nhân dân cách mạng Lào chuẩn bị tiến hành Đại hội lần thứ IV. Anh Bảy lúc đó đang ở TP. Hồ Chí Minh, điện cho tôi vào Nha Trang gấp để làm việc. Gặp tôi anh đưa cho xem danh sách uỷ viên Trung ương khoá trước và danh sách dự kiến uỷ viên Trung ương khoá sau để hỏi ý kiến. Tôi trả lời ngay là việc xem nên để ai vào danh sách dự kiến là việc nội bộ của các anh, tôi không thể tham gia. Ngược lại, tôi đề nghị anh Bảy làm kỹ Báo cáo chính trị, tức vạch rõ đường lối của Đại hội là thế nào, rồi căn cứ vào đó mà đề ra tiêu chuẩn uỷ viên Trung ương làm cơ sở để lựa chọn nhân sự. Ngừng một chút, Chu Huy Mân tiếp - Bản chất người Lào là rất thật thà, nhưng vấn đề ở đây là sự tin tưởng tuyệt đối. Đúng là tin tưởng tuyệt đối!
Chu Huy Mân hẹn tôi sau 11/5 khi Quốc Hội họp xong sẽ lại ngồi "mẫu" cho tôi và sẽ kể tôi nghe đời ông sau ngày Đại thắng, dẫu vui, dẫu buồn. Dừng lại trước cửa, đột ngột ông bảo: "Mình là nhà thơ đấy"! Rồi, ông nhờ tôi chuyển lời thăm đến nhà thơ Huy Cận thân phụ tôi. Không tin thế nào được, tướng quân ôi! Đã sinh từ xứ Nghệ mặn mòi ai chẳng là thi sĩ, đời gian nan càng nuôi dưỡng hồn thơ... Thế rồi, như bất cứ ai sống có trách nhiệm với đời, với con người, cả ông, cả tôi đều hút vào những sự kiện vô định đề rồi khoảng cách hai năm giờ đã thành vô tận. Khóc ông, vị Đại tướng Việt Nam văn võ song toàn, vị Cố vấn lỗi lạc của Cách mạng Lào, kẻ hậu bối này sinh nhằm Quốc Khánh xứ sở Triệu Voi xin đi bên lề của Thời sôi động...
Hoạ sỹ Cù Huy Hà Vũ
(Hà Nội)