(Baonghean.vn) Ngày 25/10, bệnh nhân Nguyễn Thị Thiết (49 tuổi) ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh được chuyển đến điều trị ở Bệnh viện Thái An (Tp.Vinh) với triệu chứng đau ở vùng thượng vị. Ngày 27/10, đối chứng các kết quả siêu âm và nội soi ổ bụng, cộng với các triệu chứng thường gặp của bệnh nhân, kíp mổ của khoa Ngoại do bác sỹ Trần Phan Thiều mổ chính đã hội chẩn và xác định: Bệnh nhân bị K dạ dày, hướng điều trị là cắt đoạn dạ dày và nạo vét hạch.
Đang chuẩn bị tâm lý để chờ đợi ca mổ có thể kéo dài hàng tiếng đồng hồ, nhưng vào phòng mổ chưa được bao lâu, gia đình anh Tình được bác sỹ gọi vào phòng, chỉ cho xem vết mổ đang dở dang, trong đó có những khối u ở dưới dạ dày rồi bảo: Với tình trạng này, bệnh nhân không thể mổ tiếp được, phải đóng ổ bụng, chờ ổn định rồi chuyển viện. Thực tế, sau khi rời khỏi phòng mổ, chị Thiết tiếp tục nằm điều trị gần một tuần nữa mới được Bệnh viện Thái An giới thiệu chuyển lên bệnh viện tuyến trên.
Cấp cứu bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Thái An
Quá bất ngờ với kết quả này, gia đình đã trực tiếp kiến nghị lên lãnh đạo bệnh viện và yêu cầu giải thích lý do. Sau đó, bệnh viện đã trả lại 2,69 triệu đồng trong tổng số 4,4 triệu đồng tiền mổ gia đình nộp cho bệnh viện trước khi phẫu thuật, gọi là tiền hỗ trợ "hoàn lại" do đây là bệnh nhân nghèo và lại mắc bệnh hiểm nghèo. Dù không thực sự thỏa mãn, nhưng vì sức khỏe chị Thiết nên gia đình quyết định cho chị ra viện. Hiện tại, dù đã về nhà nhưng do phải phẫu thuật nên sức khỏe của chị Thiết vẫn rất yếu, gia đình chị đang đợi chị bình phục sẽ chuyển lên tuyến trên.
Trao đổi với chúng tôi về sự việc này, bác sỹ Hoàng Bá Phúc - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thái An, cho biết: "Trước khi phẫu thuật, kíp mổ xác định bệnh nhân đã bị K (ung thư) dạ dày, khối u bên trong dạ dày, nếu mổ và xử lý được khối u thì cũng giúp cho bệnh nhân kéo dài được tuổi thọ ít thì từ 2-3 năm, có trường hợp lâu hơn. Tuy nhiên, khi mổ ra, ngay dưới gan trái trên đầu tụy của bệnh nhân có một khối u xâm lấn vào dạ dày. Do khối u nằm ở vị trí nguy hiểm, không phải u gan, không phải u dạ dày, không phải u tuyến tụy, lại nằm nơi có nhiều mạch máu nên kíp mổ đã quyết định không tiếp tục tiến hành phẫu thuật, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng bệnh nhân".
Việc không tiếp tục tiến hành ca mổ cho bệnh nhân có thể xem là sự cẩn trọng của bệnh viện và bác sỹ Phúc đã thừa nhận "đây là một sai sót đặc biệt và hiếm gặp". Nhưng qua sự việc trên, không thể không đặt câu hỏi: Liệu kíp mổ có chủ quan và vội vàng khi quyết định tiến hành ca phẫu thuật trên. Đây là một ca bệnh nặng, được chẩn đoán là K dạ dày, nhưng quá trình từ chẩn đoán đến quyết định phẫu thuật chỉ trong vòng 2 ngày, lại chưa tiến hành các xét nghiệm cần thiết như xét nghiệm máu để xác định tế bào, mẫu sinh thiết...