(Baonghean.vn) Trúc đào là loại cây được chọn để trồng làm cảnh. Ở TP Vinh, có nhiều cây trúc đào được trồng trên giải phân cách Đại lộ Lê Nin, đường ven sông Lam, công viên Cửa Bắc...

Theo nhiều tài liệu nghiên cứu (Wikipedia...), tất cả các bộ phận trên cây trúc đào đều có chứa độc tố, trong đó, đáng kể nhất là chất độc oleandrin và neriin có trong nhựa cây. Bên cạnh đó, độc tố của lá cây trúc đào chẳng kém gì lá ngón, chỉ cần ăn một lá cây trúc đào có thể khiến trẻ em tử vong và người lớn ăn khoảng 10 - 20 lá cũng nguy hiểm đến tính mạng.

770366_small_68354.jpg

Cây trúc đào được trồng nhiều trên giải phân cách Đại lộ Lê Nin (TP. Vinh)


Ngoài ra, hít phải khói từ cây trúc đào bị đốt, dùng cành trúc đào để xỉa răng, uống nguồn nước các bông hoa, cành lá trúc đào rụng xuống cũng có thể bị ngộ độc. Người bị ngộ độc do trúc đào có thể có một số triệu chứng như buồn nôn và nôn mửa, tiết nhiều nước bọt, đau bụng, tiêu chảy có máu, loạn nhịp tim, đờ đẫn, chân tay run rẩy hôn mê và có thể dẫn tới tử vong. Nhựa trúc đào dính vào da còn gây viêm tấy và bỏng rát, sưng đỏ, dính vào mắt sẽ gây loét giác mạc...


Ở TP. HCM, cây trúc đào đứng đầu trong danh mục các loại cây cực độc mà UBND thành phố cấm trồng trên đường phố. Ở TP. Vinh, tại công viên Cửa Bắc, nhiều em nhỏ vẫn hồn nhiên vui đùa bên các cây trúc đào, một số em còn hái hoa để chơi. Điều nguy hiểm là hầu hết mọi người khi được hỏi đều không biết về độc tính của trúc đào.


Ông Phan Xuân Bảo, Giám đốc Công ty CP Công viên - Cây xanh TP Vinh cho biết: "Tôi cũng chỉ mới nghe thông tin cây trúc đào là cây chứa chất độc có thể gây tử vong thông qua báo chí mà thôi. Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được một văn bản chính thức nào về kết quả nghiên cứu độc tố trong cây trúc đào". Cũng theo ông Bảo, việc lựa chọn cây trúc đào để trồng trên các tuyến đường, công viên là do các công ty tư vấn thiết kế, công ty chỉ có trách nhiệm quản lý, bảo vệ, duy trì hiện trạng.


"Cây trúc đào đã được trồng tại TP Vinh từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Cho đến thời điểm hiện tại, các công nhân của công ty chưa có ai bị nhiễm độc từ cây trúc đào, mặc dù họ thường xuyên tỉa cành, đào, vác cây...", ông Bảo cho biết thêm. Khi được hỏi về các biện pháp nhằm hạn chế tác động của cây trúc đào tới con người, ông Bảo nhấn mạnh rằng: "Khi có văn bản chính thức đánh giá độc tố của cây trúc đào, chúng tôi sẽ tham mưu cho thành phố giảm bớt trồng cây này tại các đường phố, gần khu dân cư".

- Trong mọi trường hợp nếu ăn phải trúc đào thì phải đưa nạn nhân tới bệnh viện ngay. Kích thích gây nôn và rửa ruột là các biện pháp bảo vệ cần thiết để giảm bớt sự hấp thụ các hợp chất có độc.
BS Nguyễn Thị Anh Đào (Bệnh viện ĐH Y dược TPHCM)

- Lưu ý, chất độc của cây trúc đào không bị phá hủy khi đun sôi hoặc qua quá trình phơi khô, sấy. Không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước (giếng ăn, bể nước...) vì lá, hoa trúc đào rụng xuống làm nhiễm độc nước.
Lương y Đinh Công Bảy (Tổng thư ký Hội dược liệu TPHCM)


Phạm Bằng