(Baonghean) -Ông Nguyễn Xiển, Giáo sư đầu ngành Toán - Lý, Giám đốc Nha khí tượng Việt nam, đại biểu Quốc hội từ khoá 1 đến khoá 8, ủy viên Thường vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội, là người thân cận được Bác Hồ trực tiếp giao nhiều nhiệm vụ cách mạng như Chủ tịch Ủy ban Hành chính Bắc Bộ, kể cả nhiệm vụ làm Tổng thư ký Đảng xã hội Việt Nam từ năm 1946 đến năm 1988. Ông là người con Nghệ An, sinh ra, lớn lên và học hành tại Thành phố Vinh, nên ông giữ nhiều kỷ niệm và mang trong trái tim mình tình yêu tha thiết với mảnh đất này.
Do có quan hệ riêng với một vài người thuộc bậc cháu của ông, các anh chị ấy tặng tôi (nhà thơ thạch quỳ - PV) cuốn hồi ký bao gồm những ghi chép của ông về Thành phố Vinh. Tôi thấy những ghi chép đó rất đáng quý cho những ai muốn tìm hiểu về thành phố của chúng ta ở cuối thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Vì thế, xin trích lại một vài đoạn nguyên văn trong Hồi ký của ông để bạn đọc cùng tham khảo...
“Làng tôi là thôn Trung Mỹ ở ngay tại trung tâm Thành phố Vinh ngày nay. Xưa kia, mỗi dịp xuân tế, văn tế bao giờ cũng bắt đầu bằng câu: “Duy Đại Nam quốc, tuế thứ… Nghệ An tỉnh, Hưng Nguyên phủ, Yên Trường tổng, Trung Mỹ thôn”… Xã Yên Trường chính là địa phận mở mang thành phố Vinh thời kỳ đầu. Còn xã Yên Dũng bên cạnh, phát triển thành khu công nghiệp Trường Thi. Cổ Thành cũng thuộc đất Yên Trường. Văn Miếu của tỉnh xây dựng ngay trên đất Trung Mỹ làng tôi. Rìa làng còn có Văn Miếu của làng thờ đức Khổng Tử.
Thành phố Vinh ra đời từ một thị xã lập nên theo một đạo dụ của vua Thành Thái năm 1898, cho tới năm 1927 mới chính thức được thực dân Pháp đổi ra là Thành phố Vinh - Bến Thuỷ do viên Công sứ Nghệ An kiêm luôn chức Đốc lý thành phố. Lai lịch chữ Vinh là do sự chuyển âm của từ Vinh (chữ Hán) dùng để ghi âm tên cổ của làng Yên Trường là làng Vang. Sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi đã từng ghi danh con sông Vinh Giang uốn lượn quanh khu đất mang tên là Vinh. Người Nghệ đọc là Vịnh. Từ đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp bắt đầu khai thác thuộc địa Đông Dương. Vinh phát triển nhanh, nối liền với khu nhà máy xe lửa Trường Thi và cảng Bến Thuỷ. Đến năm 1929, thành phố đã có tới 20 nhà máy, công xưởng và khoảng 2 vạn dân.
Dân cư, ngoài số đông là phu thợ và người Hoa nắm công việc buôn bán, còn là một số người Bắc vào làm công chức, ký lục, xếp ga hoặc hoặc làm nghề thủ công, chữa đồng hồ, may mặc… Người gốc Nghệ An mất đất hoặc không làm ăn gì được phải sung vào đạo quân phu thợ hay phải đi tha phương cầu thực tận Cửa Rào, Bang Lào, hoặc tới các đồn điền cao su Nam kỳ. Phần lớn nền kinh tế ở Vinh chuyển dần về tay người từ xa đến. Một số tư sản nhỏ hình thành thường là Hoa kiều hoặc dân Bắc vào làm ăn. Như trong làng tôi có ông Bát Lạp làm thủ quỹ Nhà máy diêm Bến Thuỷ, sau giàu lên, chạy được hàm bát phẩm của triều đình Huế, cũng là người từ Bắc vào.
Về phía Nam gần nhà tôi có đền Tam Toà xây trên một gò đất cao nhất thành phố. Đền này thờ một vị tướng nhà Trần đánh giặc bị thương về đến đó ngã ngựa. Vườn sau đền có cây đa lớn, trước đền có bia hạ mã. Trong làng có ngôi chùa gọi là Chùa Đá. Có câu vè: “Phép thần chùa Đá thiêng thay - Bẻ voi ông Quận chết ngay tức thì”.
Chợ Vinh ở ngay trong làng tôi. Xưa là chợ của riêng xã Yên Trường, sau đó do kinh tế giao lưu phát triển, nhờ vị trí đầu mối của nó, chợ Vinh trở thành chợ phiên trung tâm lớn nhất xứ Nghệ, có sức hút đến tận nhiều vùng xa xôi cách trở và cả các bạn hàng trong Nam ngoài Bắc. Chợ nằm dọc ven sông Cửa Tiền, thuyền bè tấp nập, chạy dài từ đình Hàng Trống lên đến đền Nhà Ông. Từ phố Khách nhộn nhịp có một con đường mở thẳng vào cổng chính của chợ. Ngoảnh mặt vào chợ là một dãy cửa hàng chia thành ô bán đủ thứ từ vải vóc, tủ chè khảm xà cừ, thuốc bắc, đồ hàng mã đến cái rá vo gạo, cái chổi đót... Qua cổng vào chợ là dãy đình dài, mỗi đình chuyên bán một loại hàng như vải, bát đĩa, gạo khoai, rau quả, thịt cá, hàng mộc, hàng sắt… Có thể tìm mua ở đây lụa Hà Đông, cau Quảng Nam, dừa Bình Định, xoài và măng cụt Lái Thiêu… Nhưng đặc điểm lớn nhất của chợ Vinh là hội tụ đủ mọi thứ đặc sản của xứ Nghệ: lạc và kẹo lạc, cam Xã Đoài, bưởi đường Thanh Chương, bưởi đào Hương Sơn, cà pháo, cá mắm, hàng mây đan… Ngày chợ tết, cha tôi dắt tôi vào chợ mua hương liệu, gỗ trầm, sáp ong đưa về nhà làm những cây hương trầm, cây hồng lạp để thắp trong ngày tết…
Ngày nay, trải qua bao biến cố lịch sử và cả những sai lầm cực đoan của con người, Văn Miếu và các đền chùa làng tôi đã trở thành bình địa. Thật tiếc! Điều này có gây cho tôi tâm trạng không muốn về thăm quê vì người xưa đã khuất, cảnh cũ cũng chẳng còn dấu tích.
Quê hương ràng buộc con người không chỉ vì hiện tại mà phải chăng vì hơn chốn nào hết nó là nơi lưu giữ chủ yếu những giá trị của quá khứ. Tâm tình này hẳn chẳng riêng tôi, chắc nhiều người có tuổi khác cũng vậy…”.
***
“Thời thơ ấu, thế hệ chúng tôi ai cũng say mê ngày tết.
Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ;
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh.
Cha tôi là một nhà nho thủ cựu, thuộc lòng sách vở, không luồn cúi dưới quyền người Pháp, dạy học, làm thuốc và thờ phụng tổ tiên theo lễ giáo cổ truyền. Được giáo dục theo nền nếp lễ giáo ấy, tôi sớm biết chăm lo bày biện ban thờ ngày tết nên cảnh tượng ấy còn in mãi trong tôi. Hình ảnh bộ ngũ sự bằng đồng lấp lánh dưới ánh sáng của những cây nến do tôi tự làm bằng sáp ong, quyện với mùi hương trầm mà cha tôi dắt tôi mua ở chợ Vinh trong phiên chợ tết, cho vào cái đỉnh đồng có nắp hình con sư tử, với cái lọ độc bình bằng sứ trắng cổ có in cây tùng và con hạc mầu xanh trong đó cắm một cành đào, với cái mâm bồng sơn son xếp ngũ quả theo thứ tự bưởi, đào to ở giữa, phật thủ vàng hai bên, trước sau là các quả cam đường, cam sành, cam chanh còn cuống lá xanh.
Hương vị ngày tết là hương thơm ngọt của trầm hương, hương của hoa quả quê hương, cũng còn là hương vị của các sản vật của xứ sở mà các bà mẹ dạy cho con gái biết nấu nướng các món ăn dân tộc trong các ngày giỗ, tết như giò, nem, cuốn, mọc…
Ngày tết xa nhất mà tôi còn nhớ được là ngày tết trước chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Ngày tết đó, gia đình ông nội tôi làm lễ mừng thọ cho ông tôi 80 tuổi. Đó là ngày đầu tiên tôi được biết thật nhiều sản vật quê nhà. Cam sành, mía đỏ Nam Đàn, mật ong Thanh Chương, phật thủ, bưởi, bòng Hương Sơn, cá thu, mắm rươi Nghi Xuân, Nghi Lộc, nước mắm Vạn Phần, chè xanh Dừa, Lạng… Những thứ ấy là đồ mừng của các nhà thân gia, của học trò ông tôi, cha tôi, thuộc các dòng họ Ngô, Nguyễn Đức, Đào, Lê, Trần… những dòng họ lâu đời mà con cháu sau này là bạn học của tôi ở Trường Quốc học Vinh.
Các bà, các mự thức khuya, dậy sớm giã bột, thắng đường, ngào mật làm các thứ bánh trái như bánh củ gừng, bánh tai mèo, bánh củ sâm, bánh thuẫn, bánh nổ, bánh rán, bánh hạnh nhân, bánh gai, bánh mật, bánh su sê, các thứ mứt gừng, mứt riềng, mứt bí, mứt khoai…
Các ông bác, ông chú trong họ thì đem đến trưng bày các thứ hoa quý: thủy tiên ngâm trong chậu sứ đặt lên bàn thờ, ngọc lan, cúc, thược dược trồng trong những chậu sành lục lăng sơn đỏ, sơn xanh với những câu thơ chữ Hán rất huyền bí đối với tôi lúc ấy!
Có một ngày tết đã ảnh hưởng quyết định đến cả đời đi học của tôi. Năm 1921, tôi vào học Trường Quốc học Vinh, bị thầy giáo khiển trách là dốt Toán. Tết năm đó, tôi xin gia đình miễn phục dịch trà nước, hương đèn, lễ bái, dồn tất cả thời gian nghỉ tết vào quyết tâm làm hết tất cả các bài toán đố trong chương trình đại số cả năm của năm học đó. Từ đó, tôi nổi tiếng là học giỏi Toán nhất lớp.
Năm 10 tuổi, tôi học chữ Hán và chữ Quốc ngữ ở trường làng, đỗ bằng tuyển sinh, tôi vào học Trường Tiểu học Pháp-Việt ở Vinh, do một bà giáo người Pháp làm hiệu trưởng. Bà cũng kiêm luôn hiệu trưởng trường con gái. Lần đầu tiên, con gái Thị xã Vinh (cũng là lần đầu tiên con gái xứ Nghệ) được đến trường học…”.
Ông Xiển thành thật nói tâm trạng ông là vậy, và ông cũng đã rất nhiều lần về thăm Vinh. Hiện tại, nhà thờ họ của ông Xiển được con cháu họ Nguyễn tôn tạo lại rất khang trang, bề thế ở trên nền đất cũ. Đặc biệt, có một con đường chạy xuyên qua gần cổng chợ Vinh được nhân dân và chính quyền Nghệ An đặt tên là đường Nguyễn Xiển. Ông yêu quê hương và quê hương đã vinh danh một người con Nghệ An xứng đáng để lại tên tuổi làm tấm gương sáng cho các thế hệ nối tiếp noi theo!
GS. Nguyễn Xiển