(Baonghean) - Vinh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh và đã được Chính phủ quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa của Bắc Trung bộ  từ nay đến  2025. Với  thế đứng đó, Vinh hôm nay đã có một diện mạo mới khang trang, bề thế…
 
Những ngày thu này, trong không khí náo nức chuẩn bị kỷ niệm Thành phố Vinh 50 năm. Loa truyền thanh các phường xã  bài hát “Vinh - thành phố bình minh” của nhạc sỹ  Lê Hàm với những câu tha thiết: “Em đón anh về Thành Vinh quê em, nghe gió biển ru dòng Lam êm đềm. Người người thân quen sống vui chung tình thương...”. Lòng người rạo rực hân hoan khi trên khắp phố phường rợp cờ hoa biểu ngữ chào mừng sự kiện thành phố 50 năm và 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô.  
 
Thành phố Vinh có phong  thủy hữu tình, gần biển Cửa Lò (20 km) và gần với quốc gia Lào chỉ 400 km, Vinh còn nằm trên trục giao thông huyết mạch Bắc – Nam về cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, nắm giữ  vị trí trọng yếu trên con đường vận chuyển trong nước từ Bắc vào Nam và ngược lại. Vinh còn nằm giữa hai khu kinh tế lớn là Nghi Sơn (Thanh Hóa) và Vũng Áng (Hà Tĩnh), có thêm cơ hội phát triển về dịch vụ phục vụ cho hai khu công nghiệp này.
 
Vinh hôm nay với khí thế mới, vận hội mới đang vươn lên phát triển mạnh mẽ xứng tầm là đô thị lớn, năng động, nơi đây  tập trung các  trung tâm, cơ sở hạ tầng thiết yếu của tỉnh, các cơ quan đầu não của tỉnh,  đảm trách những chức năng lớn của cả vùng Bắc Trung bộ: Đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế; chức năng trung tâm thương mại, du lịch và các dịch vụ khác có tác động mạnh trên phạm vi vùng Bắc Trung bộ.
 
images813323_5a1.jpgMột góc Thành phố Vinh. Ảnh: Sỹ Minh
Thành phố được Trung ương và các chuyên gia Đức từng xây dựng thành phố trước đây  đánh giá có hệ thống giao thông đường bộ rộng thoáng, qui hoạch hợp lý đảm bảo cho phát triển. Các đại lộ, đường phố không ngừng được mở mang ngày một đáp ứng là một trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ. Đại lộ Lê Nin với 6 làn xe nối các cơ quan hành chính của tỉnh ra tận Sân bay Vinh. Sân bay Vinh nối với Quốc lộ 46 xuống TX. Cửa Lò chỉ hơn 12 km. Đường du lịch sinh thái ven sông Lam bao quanh một nửa thành phố nối Cửa Lò với quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tạo ra những tiềm năng phát triển du lịch, đồng thời mở rộng quĩ đất. Vinh đã hoàn chỉnh đường bao phía Đông, phía Tây, mở rộng diện tích thành phố lên 250 ngàn km2, các tuyến giao thông nội thị trong thành phố  được đầu tư thảm nhựa hoàn chỉnh. Thành phố đầu tư hạ bó vỉa, thay hố ga ngăn mùi, lắp đặt điện chiếu sáng trong thành phố các tuyến đường có chỉ giới rộng 12 m trở lên, đồng thời mở rộng các đường và không gian đô thị: Quán Bánh - Nghi Liên, Quán Bánh - Nghi Ân, Cầu Bưu điện - Nghi Đức…
 
Trong nội thành, qui hoạch các phường, xã hợp lý thành các ô bàn cờ, thuận tiện cho giao thông và đảm bảo cấp thoát nước khi mưa lũ. Hệ thống đường liên phường, xã hầu hết đã bê tông hóa, an ninh trật tự ngày một đảm bảo. Các khu phố được qui hoạch theo chức năng đặc thù ngành nghề, tạo nên những phố nghề như phố thời trang Đặng Thái Thân, phố ăn đêm ở Cổng Thành cổ, phố tài chính, ngân hàng ở đường Quang Trung, phố điện thoại ở đường Minh Khai, phố đồ gỗ ở đường Trần Phú... 
 
Thành phố hiện có 3 siêu thị lớn, trong đó có 2 siêu thị của nhà đầu tư nước ngoài là Metro và BigC Vinh, ngoài ra còn nhiều các trung tâm thương mại, hơn 40 chi nhánh ngân hàng, dịch vụ  tài chính  đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân và đưa Vinh trở thành một trung tâm hàng hóa cung ứng cho 19 huyện, thị khác trong toàn tỉnh và các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh. Từ khi được công nhận là đô thị loại 1, bộ mặt thành phố thay đổi hẳn, Thành phố Vinh nay đã xóa gần hết các khu tập thể “thời bao cấp”, kiến trúc cảnh quan đã được từng người dân chăm lo hơn, vừa để tiện nghi, vừa là điểm tô cho thành phố. Dịch vụ thương mại du lịch phát triển và trở thành mũi nhọn của thành phố, 2 năm 2011-2012 giá trị sản xuất dịch vụ đạt 13,1%.
 
Không chỉ thuận lợi từ cơ chế chính sách của Trung ương, Thành phố Vinh  còn  được HĐND tỉnh, UBND tỉnh đồng ý cho những cơ chế, chính sách đặc thù, đảm bảo tính tự chủ và khai thác được nội lực của thành phố trong thu hút đầu tư. Hàng năm thành phố được cùng tỉnh bảo vệ và nhận kế hoạch kinh tế - xã hội, vốn đầu tư XDCB và kế hoạch thu, chi ngân sách trực tiếp với các Bộ: Kế hoạch và  Đầu tư, Tài chính. Tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng đô thị báo cáo UBND tỉnh xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thành phố được ban hành Quy chế quản lý kiến trúc và qui hoạch đô thị, quy chế thiết kế đô thị trên địa bàn thành phố đảm bảo tiêu chuẩn và mỹ quan của đô thị loại 1. Tổ chức lập các qui hoạch chuyên ngành, các chương trình, các dự án quan trọng thuộc các lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố. Tổ chức thực hiện theo ủy quyền các tiểu dự án ODA.
 
Sau 7 năm thực hiện Quyết định số 239/2005/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ  phát triển Vinh thành trung tâm kinh tế - văn hóa vùng Bắc Trung bộ, Vinh  đã có thế và lực để vươn lên phát triển bằng cả mấy chục  năm trước. Nhịp độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2006-2010 đạt 15,1%, riêng 2 năm 2011 và 2012, do suy thoái chung, nhịp độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 8%. Thành phố tập trung phát triển các dự án công nghiệp cao, ít ô nhiễm môi trường, thu hút nhiều lao động như Nhà máy sản xuất bao bì Sabeco Sông Lam, dệt may Hoàng Thị Loan, mở rộng dây chuyền sản xuất Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam, gạch Grannit Trung Đô… Thành phố đã phát triển được nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp: Khu công nghiệp Bắc Vinh, các khu công nghiệp nhỏ: Hưng Dũng, Hưng Đông, Nghi Phú đã hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng và thu hút được hàng chục dự án. 
 
Ông Hà Thanh Tĩnh - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Từ năm 2006- 2012 đã thu hút được 128 dự án với tổng vốn đầu tư 29.066 tỷ đồng. Thành phố đã hoàn thành dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 15 triệu EURO, trong đó vay của Cộng hòa liên bang Đức 10,5 triệu UERO, dự án khu liên hiệp xử lý chất thải rắn với qui mô 53 ha ở Nghi Yên với số vốn 3 triệu EURO vay của Ngân hàng tái thiết Đức đã đưa vào sử dụng từ năm 2011. Dự án phát triển đô thị Vinh bằng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới với tổng mức đầu tư 128 triệu USD  ký hiệp định với Ngân hàng Thế giới, đang thi công giai đoạn 1. Ngoài ra còn 11 dự án NGO đang thực hiện tại Vinh.
 
Nông nghiệp vẫn là một thế mạnh được thành phố quan tâm phát triển, có vùng sản xuất hoa, cây cảnh qui hoạch 260 ha ở  Hưng Đông, Nghi Ân, Nghi Liên, Nghi Kim, Đông Vĩnh và chợ đầu mối hoa cây cảnh Nghi Ân. Các lớp dạy nghề,  tập huấn cho  nông dân liên tục được mở. Vùng sản xuất lúa chất lượng cao được qui hoạch 400 ha ở Hưng Hòa, Hưng Chính, Nghi Liên, Nghi Kim… Vùng nuôi trồng thủy sản qui hoạch 245 ha, trong đó Hưng Hòa 105 ha, Hưng Lộc 50 ha, Nghi Kim 60 ha và Hưng Chính 30 ha. Vùng trồng cây công nghiệp ngắn ngày qui hoạch 500 ha ở Nghi Ân, Nghi Đức, Nghi Liên, Nghi Kim, chủ yếu trồng lạc, vừng, áp dụng các giống mới và tiên bộ chăm sóc cho năng suất trên 30 tạ/ ha như L144, L20, TB 25…
 
Trong 2 năm 2011, 2012, thành phố đã có kế hoạch triển khai xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội với tổng mức đầu tư 161.249 triệu đồng với các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện chương trình NTM; huy động được từ nhân dân thành phố vào xây dựng hạ tầng 7.618 triệu đồng, bình quân 846 triệu đồng/xã, bình quân 570.000 đồng/hộ. Tổng diện tích người dân đã hiến làm đường, mương, thủy lợi của 9 xã là: 10.497m2, bình quân 1.166m2/xã.
 
Hòa trong dòng chảy không ngừng của đất nước, Vinh là trung tâm kinh tế - văn hóa trên quê hương Bác Hồ và cả khu vực Bắc Trung bộ, là cửa ngõ quan trọng trên hành lang kinh tế Đông Tây nối với các tuyến đường hàng hải lớn của quốc tế và khu vực. Vinh cũng là nơi cất và hạ cánh của hàng chục chuyến bay nội địa trong nước mỗi ngày, rút ngắn quãng đường từ Hà Nội về, từ Thành phố Hồ Chí Minh đến, từ Buôn Ma Thuột về, chào đón các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh Quốc tới, chào đón con em xứ Nghệ từ khắp nơi về đầu tư.
 
Châu Lan