(Baonghean) - Thoảng trong không khí mùi cá biển mằn mặn, thứ mùi nhẩn nồng nhưng không khiến người ta khó chịu. Mấy người phụ nữ da nâu giòn bước ra từ ngôi đền nhỏ, nhanh nhảu dựng dậy những chiếc xe đạp cà tàng với nào rổ, nào chậu còn vương những lớp vảy cá ánh lên một màu nắng mới. Họ mải miết đạp, đi về phía xôn xao tàu thuyền khua động bến cá. Hình ảnh thật gợi ấy của những người phụ nữ miệt biển Quỳnh khiến tôi bỗng “hút” bước chân theo ...
 
images1069313_a5_ngu_d_n_x__qu_nh_long__qu_nh_luu__ra_khoi.jpgNgư dân xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu) ra khơi.
 
Những người đàn bà mang mùi biển cả “dẫn” tôi đi len lỏi qua những xóm, những làng bé xinh. Thôn xóm miền biển bao giờ cũng thế, đường bé quanh co, những mái nhà thân thiết áp sát vào nhau như những chiếc vỏ ốc. Đang mải ngắm nhìn những nong nhỏ phơi cá ven đường, bỗng ngợp tầm mắt một không gian thoáng đãng. Tôi đã rời khỏi thôn biển từ lúc nào, trước mắt là miên man thuyền, lưới. Quây quần về đây thuyền đánh cá từ Quỳnh Long, Quỳnh Tiến, Quỳnh Thuận... Nhưng theo như mấy người phụ nữ trên bến cá mách nhỏ thì dân Quỳnh Long là những tay đánh cá cự phách nhất vùng này. Khác với các xã, huyện khác, ngư dân Quỳnh Long chỉ dùng tàu lớn, đánh bắt theo kỹ thuật vây. Nói đến kỹ thuật này, không một người Quỳnh Long nào không nhắc đến cái tên Minh Lừng. "Ai vậy?", tôi tò mò. "Ông tổ nghề vây của Quỳnh Long đó. Ông Lừng đi vào tận Bình Thuận học kỹ thuật vây của ngư dân đàng trong, đem về đây". Ấy là từ một tình yêu nghề, khao khát chinh phục biển khơi thì mới tìm tòi học hỏi cho tinh nghề!. 
 
Trên ngư trường vươn khơi bây giờ có nhiều con tàu công suất lớn được đóng ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu), phục vụ cho cả mấy vùng nghề biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu. Cũng có những con tàu mà mạn sơn 2 chữ "BT", hỏi ra mới biết đó là tàu cũ mua lại từ ngư dân Bình Thuận. "Một con tàu như thế này chắc là nhiều tiền lắm ạ?", tôi hỏi anh thợ đang mải mê sơn lại vách tàu. "Nhiều! những ba, bốn tỷ đồng cơ mà! Mấy bạn nghề phải chung tiền mới mua được đấy! Nhưng biển cũng đãi người hậu lắm nhé. Thường đi một chuyến biển vụ cá chính về, trừ tiền nhiên liệu, chi phí thực phẩm ra, chân nhà thuyền 10 người chia nhau bình quân phải được khoảng vài chục triệu đồng; còn các bạn ngang (lao động làm công) cũng được ngót chục triệu...". Lại hỏi, thế chuyến cá vừa rồi anh được chia bao nhiêu? Anh gãi đầu cười: “Tui chỉ là chân thợ, ăn chay nằm mộng bên bến này, tàu về lại sơn, lại bảo dưỡng”. Hoá ra, từ nghề đi khơi đi lộng miền biển, cũng sinh sôi ra lắm nghề!
 
Thấy tôi đang rảo ở bến thuyền, mấy ngư dân đang ăn trưa trên tàu neo ngoài mấy lớp chân sóng vẫy tay nhiệt tình mời “dự bữa”. Một thoáng ngần ngại, nhưng mùi cá kho đậm thơm nồng, mùi ghẹ tươi hấp dậy hương vị biển đã khiến tôi mạnh dạn lên... Dập dềnh trên chiếc thuyền thúng nhỏ từ bờ ra đến tàu, rời rợi gió thu cho một thoáng se mình. Trên tàu chỉ toàn đàn ông, khiến tôi nhớ về câu chuyện những chiếc thuyền săn cá voi, cấm kỵ đàn bà, con gái lên thuyền vì mang lại điềm gở. Thuận miệng hỏi, mọi người cười ầm lên: "Cũng không mê tín đến mức đó, nhưng trước mỗi chuyến ra khơi, tụi tui đều cúng kiếng, thắp hương chu đáo. Ấy là với dân bên lương, còn dân bên giáo họ thì làm lễ ở nhà thờ!...”. Anh chủ tàu chỉ tay ra mặt sóng lạch: “Ngoài kia có “hàm con chó”, là bãi đá ngầm dưới con nước sâu. Đi qua đó tàu thuyền nào cũng phải thắp hương để không mắc cạn". Nói đoạn, anh chủ tàu tặc lưỡi: "Nghề biển tiếng là kiếm bạc triệu, nhưng vất vả lắm. Lênh đênh sóng bể bao rủi ro... Mà có phải cứ muốn đi là đi được đâu, phải nhìn con trăng, con nước, đón tránh ngày gió, bão. Có chuyến biển đi “gặp” được cá sớm thì chỉ hai, ba ngày là về. Có chuyến phải cả tuần, hàng chục ngày. Được cái nhờ trời năm ni ít gió bão nên làm ăn khá!". Rồi câu chuyện của những con người cưỡi sóng, cưỡi gió mưu sinh cứ trải như thế, tâm tình mặn mòi như nước biển, như nước mắt mồ hôi bao vẻ phía biển, phía bờ của mỗi chuyến ra khơi... 
 
Chợt nhớ thuở ấu thơ nghe lời mẹ hát về những cánh chim hải âu cần mẫn đi về mỗi ban mai và chiều tà. Trong lời ru của mẹ, tôi còn nghe có tiếng ai rao “muối ơ” mặn chát lòng giữa trưa hè nắng gắt…. Những phường làm muối xưa giờ có còn không? Còn chứ! - Tôi hỏi và được ông Trần Huy Vinh, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ cho hay. Nghề diêm (làm muối) hiện vẫn chiếm tới 50% tỷ trọng cơ cấu ngành nghề tại Quỳnh Thọ, với 60 ha sản xuất. Khác với nghề đánh bắt, nghề diêm không tận dụng được đáng kể các tiến bộ khoa học kỹ thuật vì nó là một nghề nặng tính thủ công! Tuy nhiên, bây giờ khâu tiêu thụ muối có tổ chức hơn trước. Các nhà buôn đến thu mua tại ruộng muối với số lượng lớn, hoặc vài nhà chung nhau 1 chuyến xe chở muối lên miền ngược bán. Tuy nhiên, những ngành nghề thủ công truyền thống thô sơ căn bản là duy trì, lưu giữ chứ chủ trương không tập trung phát triển, nhân rộng. Tới đây, nếu mô hình nuôi trồng thuỷ sản đạt hiệu quả, sẽ chuyển giao 1 phần diện tích làm muối sang nuôi thuỷ sản, đem lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho bà con.
 
... Đến với biển, khao khát trải nghiệm, tôi cứ nghĩ mãi về nguồn sống dồi dào từ biển. Người dong thuyền đi đánh cá, miệt mài trên ruộng muối đã đành, người ở nhà cũng không thiếu việc để làm từ biển. Đó là hậu cần nghề cá với các khâu: buôn bán, chế biến, bảo quản thuỷ, hải sản. Chiếm tỷ trọng ngành nghề không lớn (khoảng 5-10% tại các xã có nghề biển), nhưng hậu cần nghề cá đang ngày càng phát triển, tạo việc làm ổn định cho lực lượng lao động chủ yếu là phụ nữ. Thậm chí, đây có thể là “mũi nhọn công nghiệp hoá” của các ngành nghề biển, bởi khả năng áp dụng công nghệ kỹ thuật cũng như thị trường tiêu thụ rộng lớn. Không chỉ giới hạn tại thị trường trong nước, thuỷ, hải sản chế biến của Nghệ An còn được xuất khẩu sang Đài Loan, Lào... Nhưng có lẽ sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta dành cho lĩnh vực này sự quan tâm đúng mức với tiềm năng của nó. Bởi, ngay như ở phường Nghi Tân (TX. Cửa Lò), nơi có đến 62 kho bảo quản, 49 cơ sở cấp đông, chủ yếu vẫn còn rải rác trong khu dân cư, mang tính tự phát. Như vậy, quy mô sản xuất vừa manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc quản lý và phát triển bền vững, vừa gây mất cảnh quan, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, như ông Lê Minh Thắng, Bí thư Đảng uỷ phường Nghi Tân cho biết, thì đề án quy hoạch lại khu dân cư có quy mô 20 ha khi được thực hiện, sẽ mở ra tầm nhìn mới cho phát triển nghề cá. Trong đó dành ra 5 - 6 ha quy hoạch tập trung các kho đông lạnh, cơ sở sản xuất chế biến, bến cá.
 
Cũng thuộc lĩnh vực chế biến thuỷ, hải sản là nghề chế biến nước mắm, mà nổi tiếng nhất là nước mắm Vạn Phần ở Diễn Ngọc (Diễn Châu). Nghe tiếng từ lâu nhưng đến nay tôi mới được nhìn tận mắt, nếm tận miệng thứ nước mắm nguyên chất màu cánh gián, trong và sánh như mật ong. Mở chiếc "nón" che chắn cho chượp nước mắm khỏi mưa gió, bà Trần Thị Chuyên (xóm Đông Lâm, Diễn Ngọc) khuấy nhẹ cho lớp váng mỡ cá tách ra, để lộ thứ nước óng ả, dậy mùi thơm và đậm đà hương vị biển. Đoạn, bà chỉ chượp nước mắm ngay bên cạnh, tủm tỉm: "Cháu thử ngửi bên kia, đảm bảo khác nhau một trời một vực. Bên này là nước mắm để được hơn 1 năm, bên kia mới được 10 tháng. Cách có mấy tháng nhưng nước mắm chín rồi dậy mùi thơm, nước mắm chưa chín chỉ nghe mùi tanh. Làm đủ quy trình, công đoạn là lâu lắc, phức tạp lắm! Nước mắm này là nước mắm cốt, tức chỉ có cá và muối mà ra, không thêm bất cứ gia giảm, gia vị gì. Bây giờ đa số người ta thích nước mắm pha sẵn, ngọt vừa miệng. Nhưng dân miền biển thì tuyệt nhiên chỉ dùng nước mắm cốt mà thôi. Còn các ông, các chú mê món… tiết canh, cũng phải nhờ đến nước mắm cốt này chứ nước mắm pha bình thường đảm bảo không bao giờ đông được!.
 
Bà Trần Thị Chuyên ở xóm Đông Lâm, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu) giới thiệu quy trình làm nước mắm với phóng viên.
 
Tôi nếm thử, quả thấy đậm đà hơn thứ nước mắm đóng chai rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Hỏi mới biết nước mắm của bà Chuyên chỉ đơn giản là thứ nước mắm nhà nấu không tên tuổi, thương hiệu gì. Thế còn nước mắm Vạn Phần? "Đó là nước mắm của Công ty cổ phần Thủy sản Diễn Châu. Nhiều nhà bây giờ làm chượp rồi bán lại cho công ty “kéo” (một công đoạn chế biến) lấy nước mắm. Nhà tui giờ làm ít, tự “kéo” bán dần quanh năm thôi". Gặp tìm hiểu ở ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc, ông cho biết, xã có 78 hộ chế biến nước mắm nhưng không tập trung mà rải rác trên địa bàn xã. Đây cũng là khó khăn cho việc tổ chức hợp tác xã nghề, xây dựng thương hiệu, bao tiêu sản phẩm. Vậy nên địa phương chủ trương khuyến khích bà con nhập chượp cho Công ty cổ phần Thuỷ sản Diễn Châu, vừa tiết kiệm thời gian đầu tư vào ngành nghề khác, vừa góp phần xây dựng thương hiệu nước mắm Vạn Phần. Vẫn biết dành một chỗ cho nghề truyền thống bây giờ là khó, nhưng không khỏi tiếc nuối chút dư vị của thứ nước mắm rất “thật vị”, đậm đà “kéo” từ bàn tay người dân Diễn Ngọc.
 
Con người không chỉ dừng lại ở việc khai thác biển một cách bị động. Ấy như bài học lịch sử nói về buổi đầu sơ khai của loài người, vốn chỉ biết săn bắt, hái lượm, tức phụ thuộc vào nguồn cung cấp của tự nhiên. Rồi một ngày, con người bắt đầu chăn nuôi, trồng trọt, chủ động được nguồn sống của mình. Đối với miền biển, đó là lúc ta không chỉ hài lòng với những mẻ cá đánh lên từ lòng biển thâm sâu khó đoán. Đó là lúc tôm, cá lớn lên, sinh sôi nảy nở từ bàn tay và mồ hôi con người. Có những người nuôi trồng thuỷ sản mãi ngoài Thanh Hoá, Ninh Bình... từng tấm tắc với tôi rằng, ở xã Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) có trang trại nuôi ngao giống nổi danh khắp khu vực Bắc miền Trung của ông Thái Bá Khang. Rằng, tôi muốn xem ngao giống đẻ thì về đây vào tầm tháng 2 đến tháng 5. Họ còn nói với tôi nhiều, nhiều lắm.
 
Nhưng có lẽ điều họ chưa biết là ở Quỳnh Thọ không chỉ có một ông Thái Bá Khang, mà vùng này chính là vùng chuyên nuôi trồng thuỷ sản, với 2 loại chính là ngao và tôm. Trong đó, diện tích bãi triều ven biển nuôi ngao đạt 20 ha, diện tích nuôi tôm đạt 10 ha. Sắp tới đã có quy hoạch bổ sung 26 ha cho nuôi trồng thuỷ sản. Tôi đứng tần ngần trước những bãi triều ven biển. Tầm này triều lên nên chỉ thấy mênh mang sóng nước. Những cây cọc, những hàng dây phân lô, phân thửa nuôi ngao khiến tôi liên tưởng đến trò chơi ô ăn quan khổng lồ. Quan ở đây là những chiếc chòi canh được dựng cao chênh vênh giữa điệp trùng sóng nước, còn quân chính là tầng tầng, lớp lớp ngao đang ngụp lặn dưới sóng và cát kia. Từ bao giờ mà chúng ta lại thành kẻ điều hành trò chơi tạo hoá? Đó chính là phép màu đến từ bàn tay lao động của con người.
 
Rong ruổi bên biển, hoà vào đời sống sôi động của miền biển, mới thấy khó dứt, khó dừng “sự đi” ấy khi mà mỗi nơi đến, nơi đi cho ta những cảm xúc tươi mới thú vị…Tôi chạy xe vè vè trên con đường ôm lấy cả một dải bờ biển. Chiều buông xuống hắt ráng đỏ lên mặt nước. Những mảng rừng phi lao như tấm mành che ý nhị khiến biển nơi đây giữ được vẻ gì rất hoang sơ. Tôi mải miết đi, cảm tưởng như đang đi trên con đường của thời gian khi những cảnh sắc hai bên đường không ngừng biến đổi. Vẫn là bờ biển và bãi cát nhưng cây cối ngày một thưa thớt, nhà cửa bắt đầu mọc lên, tiếng xe cộ, tiếng người nói mỗi lúc một rõ hơn…. Và đây, Cảng biển Cửa Lò tấp nập tàu thuyền. Những cánh tay cẩu bốc những thùng công-ten-nơ khẳm hàng, xếp gọn gàng trên bãi.
 
Tôi xuyên vào những khu nghỉ dưỡng, những nhà hàng, khách sạn nô nức chen chân vào bức tranh đô thị du lịch biển. Ồ là vậy, biển quê Nghệ An không chỉ đem lại cho chúng ta đặc sản tôm, cá, những cánh đồng muối mênh mang,.., mà biển còn đem lại món quà thiên nhiên khoáng đạt, quyến rũ lòng người với nắng, gió duyên hải xứ Nghệ miền Trung... Vâng, 82 km bờ biển trải dài từ Quỳnh Lưu đến Cửa Hội là món quà quý giá thiên nhiên ban tặng cho đất và người Nghệ An. Những bãi biển đẹp như Cửa Hội, Cửa Lò, Nghi Thiết, Bãi Lữ, Diễn Thành, Quỳnh Phương, Quỳnh Bảng,... gắn liền với nhiều di tích lịch sử - văn hoá, đời sống tâm linh vùng biển là tài nguyên du lịch tiềm tàng mà không phải địa phương nào cũng có được… Tài nguyên ấy, đã và đang được từng bước khai thác, dần khẳng định vị trí trên “bản đồ du lịch biển” Việt Nam.  
 
Tôi ngắm những đảo Mắt, đảo Ngư, hòn Lan Châu im lìm trong hoàng hôn buông chậm, thấy lòng bình yên lạ. Chợt dâng xúc cảm mến yêu trước biển quê hương bao la đã và đang được trí lực con người “khai mở”, phát huy đem lại bao giá trị cuộc sống!
 
Thục Anh