(Baonghean) Trong Hội thi “Tìm hiểu pháp luật” dành cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An vừa qua, ai cũng có ấn tượng với màn biểu diễn múa khèn rất điêu luyện của ba em nhỏ người dân tộc Mông đều là anh em trong một gia đình: Và Bá Chù (15 tuổi), Và Y Khơ (12 tuổi), Và Po Chùa (11 tuổi) ở bản Huồi Cọ, xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương.
Cha của các em là anh Và Bá Đùa – từ lâu đã nổi tiếng là người giữ hồn điệu khèn Mông, từng giành giải A tại Liên hoan Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Nghệ An ở huyện Quỳ Hợp năm 2010 và nhiều giải thưởng cấp xã, huyện, cụm… khác.
Anh Và Bá Đùa sửa lại mũ cho con gái trước khi lên biểu diễn.
Điều đặc biệt, trong những lần biểu diễn ấy, anh Đùa đều không đứng trên sân khấu một mình, mà bao giờ cũng thổi và múa điệu khèn dân tộc với vợ, con. Nhưng lần này, anh chỉ đưa các con đi, và để 3 đứa con biểu diễn trên sân khấu, còn anh “lui xuống” hàng ghế khán giả, để âm thầm động viên cổ vũ. Nhìn các con biểu diễn tự tin, thành thạo, anh không khỏi vui mừng, vì những nỗ lực, cố gắng cuối cùng đã có kết quả.
Anh Và Bá Đùa đang làm tiếp công việc của cha mình, của tổ tiên, và của những người dân tộc Mông đời trước. Anh sinh năm 1971, đam mê khèn từ ngày nghe ông nội là già làng Và Tổng Sư vừa thổi khèn, vừa kể chuyện; từ ngày chập chững theo chân bố xuống núi đi hội. Rồi lớn lên, 13 tuổi anh bắt đầu học thổi khèn từ người bố tài hoa, học từ những người già trong bản, và tìm thêm thầy, thêm bạn cho tiếng khèn của mình ngày một réo rắt hơn, du dương hơn, lắng đọng hơn. Đến lượt mình, anh lại tìm cách truyền lại cho đời sau, mà trước hết là vợ, con, không kể con trai, con gái...
Cháu Và Y Khơ, lần đầu tiên được đi từ bản làng hẻo lánh, xa xôi nhất của huyện miền núi rẻo cao xuống thành phố biểu diễn, ngại ngùng chia sẻ: “Lúc đầu bố bắt học, không thích tý nào cả, không muốn học vì khó quá. Nhưng học rồi, biết rồi thì thấy rất thích”.
Có được một người biết múa, thổi khèn đúng nhịp, đúng tiết tấu cái hồn của khèn Mông là điều vô cùng đáng quý. Người đó còn có ý thức, trách nhiệm và khả năng truyền dạy lại cho người khác thì càng quý hơn nữa. Mong rằng, sẽ có thêm những người như gia đình anh Và Bá Đùa, để sau này, điệu khèn Mông không lo bị mai một, biến mất!
Một gia đình “nuôi giữ” điệu khèn Mông
Hồ Lài