(Baonghean) Trước đây, cơ sở hạ tầng ở xã Tân Phú ( huyệnTân Kỳ) còn thiếu và yếu, người dân "tháng Giêng tháng Hai đã phải vác mai vào rừng" để kiếm cái ăn, thì ngày nay họ đã vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Nhiều con đường đã được bê tông hoá và mở rộng, trường học, trạm xá, nhà văn hóa được xây mới khang trang... "Bí quyết" để làm nên sự "thay da đổi thịt" này chính là việc thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.
Về Tân Phú, qua những con đường mang dáng dấp phố xá, những ngôi nhà cao tầng nép mình dưới những tán cây xanh đầy sức sống, ít ai nghĩ rằng đây là một xã được thành lập ngày 25/11/1995 từ một phần của Nông trường Sông Con với những khó khăn chồng chất. Nhưng với sự năng động, dám nghĩ dám làm, tranh thủ được sức dân, Tân Phú ngày nay đã vươn lên thành điển hình kinh tế và điểm sáng về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của huyện và tỉnh.
Nhà Văn hoá xóm Tân Lương đang được xây dựng bằng 100% tiền do dân tự nguyện đóng góp.
Dẫn chúng tôi đi trên đường liên thôn rộng thênh thang, ông Lê Mạnh Truyền - xóm trưởng xóm Tân Lương cho biết, hiện nay đường liên gia ở trong xóm cơ bản đã được bê tông hóa bằng tiền đóng góp của dân. Xóm đang xây dựng nhà văn hóa trị giá trên 600 triệu đồng cũng bằng 100% tiền dân đóng góp. Để làm được những công trình này, chi bộ xóm có nghị quyết, 8 tổ liên gia họp và thống nhất hình thức, cách làm, các tổ liên gia bầu giám sát, thủ quỹ. Mức vận động tính theo công trình và chia đều, ưu tiên ai, giảm cho ai, mỗi đợt thu bao nhiêu tiền đều do dân bàn. Gặp chị Nguyễn Thị Tẹo (xóm Tân Lương) trên đường đi làm đồng về, chị cho biết, gia đình có 3 người đóng góp tổng cộng là 1.500.000 đồng để xây dựng nhà văn hóa xóm, nhưng được chia làm 3 đợt, đợt đầu chị đã đóng 600.000 đồng. Tuy gia đình còn khó khăn nhưng chị vẫn phấn khởi với mức góp này vì chính chị đã được tham gia bàn trước khi đóng tiền.
Để tạo được sự đồng thuận giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, lãnh đạo Tân Phú xác định việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) là mấu chốt quyết định sự thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, cấp uỷ, chính quyền Tân Phú thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện QCDC ở cơ sở gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ban chỉ đạo thực hiện QCDC cơ sở ở Tân Phú đã tích cực tuyên truyền Pháp lệnh 34 về thực hiện QCDC và thực hiện QCDC gắn với triển khai thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”.
Từ những phần việc cụ thể được xác định qua các cuộc họp của đảng ủy, UBND, HĐND, xã lập kế hoạch, xây dựng các đề án, Đảng uỷ xã ban hành các nghị quyết chuyên đề về: Phát triển nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển dịch vụ thương mại; phát triển ngân sách; xây dựng thiết chế văn hóa; giúp nhau xóa đói giảm nghèo... UBND xã lập dự toán, phân nguồn vốn của các công trình sẽ triển khai (vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh, huyện, xã và nhân dân đóng góp) và công bố công khai tại các buổi họp chi bộ xóm, họp xóm và các tổ liên gia để người dân biết rõ, rồi tổng hợp ý kiến thông qua HĐND bàn bạc, thảo luận, công khai dân chủ và thực hiện dựa trên ý kiến của đa số.
Các công trình phúc lợi ở Tân Phú đều được người dân chọn và yêu cầu nên triển khai cái nào trước, cái nào sau. Đến nay, trạm xá, trường học, nhà văn hóa, đường giao thông, đường điện ở Tân Phú đều đã được triển khai xây dựng trước, còn trụ sở UBND xã vẫn đang dùng tạm những căn nhà cấp 4 đã cũ. Nhiều công trình như trường học, đường giao thông, đường điện, nhà văn hóa... cấp trên chỉ cấp một phần kinh phí, còn lại là do người dân đóng góp. Xã triển khai họp cán bộ cốt cán của từng xóm và nói rõ giá trị huy động của từng công trình để bàn bạc, đưa ra mức thu và thời gian thu cho hợp lý rồi phổ biến đến tận từng tổ liên gia để người dân cùng bàn và thống nhất phương án nào hợp lý nhất. Trên cơ sở đó thành lập Ban giám sát cộng đồng, Ban thanh tra nhân dân để kiểm tra chất lượng và thanh quyết toán của từng công trình.
Do có sự đồng thuận giữa người dân và chính quyền, trong đợt làm đường giao thông liên xã Tân Phú đi Giai Xuân, các hộ dân đã tự nguyện hiến 19.600m2 đất. Đợt mở đường liên thôn, liên gia ở các thôn, xóm, các hộ dân hiến 13.015m2 đất. Có những gia đình như ông Nguyễn Phi Long (xóm Tân Phong) sẵn sàng hiến 2.800m2 đất, ông Nguyễn Văn Sáu (xóm Tân Phong) hiến 1.900m2 đất... Khi nâng cấp cải tạo hệ thống lưới điện cũ, nhân dân bàn và thống nhất phải lùi cột điện vào để mở rộng đường, nhiều người đã xung phong hiến đất vườn, cây cối với diện tích tổng cộng hơn 15.000 m2, trị giá hơn 2 tỷ đồng…
Ông Hồ Sỹ Nguyên-Chủ tịch UBND xã Tân Phú chỉ tay về phía đường điện hạ thế và ngôi nhà văn hóa xã mới được hoàn thành trên khu đất rộng rãi nói: Nhờ phát huy nội lực của nhân dân, đến nay, các công trình phúc lợi ở xã Tân Phú đã được xây dựng khang trang. Đời sống nhân dân từng bước được nâng cao, chăn nuôi, sản xuất nay đã chuyển sang hàng hóa, thu nhập bình quân đạt trên 16 triệu đồng/người/năm. Có những hộ thu nhập hàng năm trên 500 triệu đồng, có những gia đình có 2-3 chiếc ô tô tải, ô tô con; 11/12 xóm của Tân Phú được đón nhận danh hiệu Làng văn hoá; trường mầm non và tiểu học công nhận trường đạt chuẩn quốc gia; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế…
Có thể nói, việc thực hiện tốt QCDC ở Tân Phú đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền, phát huy sức mạnh trong nhân dân tham gia phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tân Kỳ.
Tân Phú đi lên từ nội lực
Đức Chuyên