(Baonghean) - Năm 2007, một cơ duyên tình cờ, tôi trở thành Ủy viên Ban Tổ chức cuộc đua xe đạp về Trường Sơn. Trước ngày 12 đoàn VĐV (có 4 đoàn quốc tế là Hồng Kông, Thái Lan, Lào, Malaysia) xuất phát, Ban Tổ chức xin vào thăm để báo cáo tình hình với Đại tướng.
Đoàn có gần 30 người bao gồm hơn 10 thành viên Ban tổ chức, đội trưởng các đội đua, chưa kể phóng viên báo chí. Sải bước vào khu vườn rộng, đi độ 50 mét là đến phòng khách của Đại tướng. Đại tướng bước vào phòng, có con trai và thư ký riêng dìu hai bên. Mọi người đứng dậy vỗ tay. Đại tướng khoan thai ra hiệu ngồi xuống. Nhìn nước da, dáng điệu, thấy Đại tướng đã yếu nhiều, cử chỉ chậm chạp, nhưng đôi mắt thì vẫn sáng.
Vị Trưởng BTC báo cáo về cuộc đua. Mọi chuyện vẫn giống các nghi lễ hiếu hỉ bình thường nếu không có màn tặng quà. Đầu tiên, thay mặt đoàn đua, Trưởng BTC trân trọng tặng Đại tướng bó hoa rất đẹp. Đại tướng mỉm cười đón lấy. Trưởng đoàn lại tặng Đại tướng quà lưu niệm là một bức tranh mạ đồng. Đại tướng khoan thai nhận, chầm chậm chuyển ra cho người thư ký.
Cuối cùng, Trưởng BTC giọng trầm lắng, nhỏ nhẹ: "Chúng cháu có món quà nhỏ kính chúc sức khoẻ Bác, xin Bác nhận cho tấm lòng của anh em chúng cháu". Ông nâng hai tay đưa lên một chiếc phong bì... Thoáng thấy Đại tướng hơi cau mày, ông gạt nhẹ tay, quay mặt sang hướng khác. Căn phòng có 1 giây lặng đi. Đại tướng chỉnh lại dáng đứng, hướng xuống phía dưới. Người thư ký vội đưa micro sát vào. Đại tướng phát biểu ngắn gọn, trầm ấm, bằng một văn bản chuẩn bị sẵn. Không khí trở lại bình thường, ai cũng đều tập trung lắng nghe lời Đại tướng nói.
Lúc đó, tôi đứng rất gần, thấy rõ thái độ không bằng lòng của vị Khai quốc công thần, thấy cả sự tinh tế của ông trong cái nhíu mày và gạt tay rất khẽ. Không bằng lòng nhưng không làm người khác sượng; không đồng tình nhưng không quá gay gắt, chỉ vừa đủ để người đối diện thấy mình không vừa ý. Cách chuyển ngay vào nội dung chính là phần phát biểu động viên, chất giọng Quảng Bình ấm áp của Đại tướng làm ai cũng nhẹ lòng. Bài học đầu tiên về cách ứng xử.
Đến màn chụp ảnh chung với Đại tướng. Mấy chục người ken nhau đứng sát phía sau lưng ông. Ánh đèn flat loé liên tục. Bỗng Đại tướng khoát tay, chỉ vào một cô gái nhỏ nhắn, đứng ở góc xa nhất, mời cô đến ngồi bên cạnh mình. Trong lúc chen nhau để đến gần Đại tướng, không ai chú ý nhận ra đó là cô gái duy nhất trong đoàn. Sự lịch thiệp và tinh tế của vị tướng đã ngót trăm tuổi làm cho ai nấy giật mình.
Sau này, đọc hồi ức của nhà báo lão thành Đỗ Phượng, kể về lần chụp ảnh Bác Hồ, mới càng giật mình. Khi ấy, Bác đã yếu lắm, cử động chậm chạp, đầu đội mũ che kín mái tóc bạc. Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngồi bên cạnh, như thông cảm với trách nhiệm tác nghiệp của các nhà báo, nhẹ nhàng lấy mũ của Bác, tuồn xuống cho... nhà báo Đỗ Phượng chui ở dưới gầm bàn giữ lấy. Chụp ảnh xong, các nhà báo được ăn cam hái từ vườn Bác. Lúc ấy, Người mới nhỏ nhẹ: "Mỗi chú được một quả, kể cả cái chú giấu mũ của Bác". Đỗ Phượng tá hoả, hoá ra không có gì qua được mắt Bác, kể cả khi Người đã rất yếu, chân run, mắt mờ, đi không vững nữa.
Một thế hệ gần gũi với Bác Hồ, tinh anh, mẫn tiệp lắm, khó có điều gì là lọt qua mắt được. Có thể, đó cũng lại là một bài học nữa về ứng xử của người học trò xuất sắc của Bác Hồ: không đẩy ai vào thế khó xử!
Đỗ Chí Nghĩa