(Baonghean.vn) - “Moọc” là đặc sản của người Thái được làm từ thịt động vật như lợn, gà, sóc, cá suối, gạo giã nhuyễn cùng với một số gia vị như “mặc khẻn”, sả… Món ăn này rất quen thuộc trong bữa ăn của các cộng đồng vùng cao và được bày bán trong các chợ huyện.
Món ăn truyền thống này được cộng đồng Thái ở khắp mọi miền đất nước đều làm. Cộng đồng Khơ mú cũng có món ăn này. Trong ảnh, bà La Thị Phương trú bản Phòng xã Thạch Giám (Tương Dương) đang chế biến moọc. Từ khoảng một năm nay, người phụ nữ 62 tuổi này chuyên nghề bán món moọc tại khu chợ mới mở trong bản. Chợ này chủ yếu bày bán các đặc sản bản địa. Từ 5 giờ sáng, bà Phương đã dậy chuẩn bị chế biến hàng đem ra chợ. Thịt lợn được bà đặt mua từ những người dân ở bản Mác cách đó 2km. Những gia vị kèm theo cũng có nguồn gốc bản địa. Đó là sả, mặc khẻn (tiêu rừng), ớt, tỏi… Tất cả đều được bà Phương trồng trong vườn nhà. Việc chế biến món moọc đòi hỏi kỳ công. Riêng việc chuẩn bị gia vị phải làm từ trước đó một buổi. Gạo nấu moọc phải là nếp ngon. Cách nêm gia vị đòi hỏi sự khéo léo mới tạo được hương vị riêng của từng người chế biến. Thịt nấu moọc thường chỉ là nạc và không được lẫn xương. Ngon nhất là thịt từ sườn lợn. Moọc được gói bằng lá chuối rừng trước khi đem hông cách thuỷ. Món moọc chỉ nấu trong vòng 1 tiếng 30 phút. Nếu nấu lâu moọc sẽ trở nên nhũn và mất ngon. Những gói moọc khi nấu chín tỏa hương thơm hấp dẫn. Nhiều người sành ăn chia sẻ nếu đến những cộng đồng người Thái nhất định phải thưởng thức món moọc. Gian hàng bán moọc của bà Phương tại chợ bản Phòng. Mỗi ngày bà thu lãi hơn 100.000 đồng. Tại chợ Bản Phòng và chợ phiên xã Thạch Giám (Tương Dương) còn có moọc rêu được chế biến từ rêu đá. Đây cũng là món ăn truyền thống vào mùa thu và mùa đông của người Thái. Hữu Vi - Đào Thọ