(Baonghean.vn)- Từ một món ăn truyền thống của đồng bào vùng cao, bò giàng trở thành món đặc sản mang hương vị của núi rừng về cả miền xuôi, đặc biệt trong dịp Tết.
Ngày xưa, mỗi khi có việc hệ trọng, phải mổ nhiều bò và lợn để cúng tế và thiết đãi dân làng nên không thể dùng hết thịt trong một vài ngày. Bà con nghĩ ra cách “giàng” lên gác bếp để hấp thụ lượng nhiệt từ bếp lửa, làn khói bếp sẽ chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn gây hại, giữ cho thịt thơm ngon. Khi cuộc sống trở lại bình thường, đến bữa ăn, những người nội trợ thường nhớ đến nguồn thức ăn dự trữ đang được “giàng” trên gác bếp.
Những người vùng xuôi lên miền Tây công tác, sinh sống lâu lài hoặc lên chơi thăm bạn bè nhận thấy sự độc đáo, hấp dẫn của món bò giàng nên thường đưa về quê làm quà, chiêu đãi người thân. Lâu dần, đặc sản bò giàng vượt ra khỏi phạm vi các huyện vùng cao để xuôi về đồng bằng và thành phố, trở thành món ăn được nhiều người ưa thích.
Hiện tại, ở Thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), Hòa Bình (Tương Dương) và Kim Sơn (Quế Phong), một số gia đình đã lập cơ sở sản xuất, chế biến bò giàng để đáp ứng nhu cầu của thực khách gần xa. Chị Bùi Thị Quế, một chủ sản xuất bò giàng ở Mường Xén cho biết, cơ sở của chị sản xuất và tiêu thụ từ 40-50kg/ngày. Thị trường tiêu thụ vươn đến Thành phố Vinh, Hà Nội, Hồ Chí Minh...
Theo kinh nghiệm, muốn có thịt bò giàng ngon, khâu lựa chọn và chế biến nguyên liệu giữ vai trò quyết định. Trước tiên là chọn thịt chắc, thớ dọc, tươi và ngon, loại thịt bò bản địa thường mới đáp ứng đầy đủ những yêu cầu này. Khối thịt được xắt thành từng miếng có độ dài từ 15 - 17cm, rộng 5 -7cm rồi rửa sạch, rồi trộn thêm các loại gia vị gừng, tỏi, ớt cay và muối trắng.
Chờ khoảng 10 phút cho gia vị ngấm, thịt được xâu vào thanh tre rồi đặt lên gác bếp, lúc này trở đi, bếp phải luôn đỏ lửa. Củi đun phải là loại củi có than đượm, cháy đều và không nhiều khói. Chờ đến khi miếng thịt săn nhỏ, xé thớ thịt có những sợi màu đỏ nhạt là lúc bò giàng đã chín, có thể dùng cho mỗi bữa ăn.
Trước khi ăn, có thể cuộn thịt bò giàng bằng lá chuối tươi rồi vùi vào tro nóng theo cách cổ truyền hoặc có thể nướng bằng bếp ga, cồn hay bằng lò vi sóng. Cũng có thể rán bằng dầu, mỡ hoặc hấp trong nồi cơm nóng rồi đem ra ăn. Miếng thịt được đập tơi, xé nhỏ rồi bày lên đĩa, rưới một ít chanh tươi, chấm với tương ớt, xúp chanh, thực khách sẽ cảm nhận được độ thơm ngon của thứ đặc sản vùng cao này.
Ở đây, vừa có vị thơm ngon của thịt, vị cay của ớt và tỏi, vị mặn của muối, vị chua của chanh và có cả vị hăng của làn khói bếp. Tất cả toát lên sự hấp dẫn và mời gọi của hương vị núi rừng. Những ngày đông giá rét và hay dịp lễ, tết tụ họp gia đình, bạn bè, mâm cơm có thêm món đặc sản bò giàng chắc chắn sẽ càng thêm vui vẻ và thú vị.
Cuối năm, khi cái Tết đã cận kề, nhu cầu bò giàng ngày một lớn, thứ đặc sản này đang được đưa đến khắp mọi vùng miền, góp thêm hương vị núi rừng miền Tây Nghệ An trong các mâm cơm và bàn tiệc.
Công Kiên - Hồ Phương