(Baonghean) - Bảo tàng Quân khu 4 có rất nhiều gian trưng bày về những kỷ vật, di vật thời chiến: Đó là cuốn sổ ghi lại những dòng chữ chất chứa nghĩa tình quân - dân và cũng có thể là những bức thư của của người chuẩn bị đi xa mãi mãi. Mỗi di vật, dòng chữ là một câu chuyện, một cuộc đời, ẩn chứa sau đó là tình yêu thương, niềm tự hào, tin tưởng vào cuộc sống...
Tình mẹ hậu phương
Bảo tàng Quân khu 4 giành hẳn một gian trưng bày riêng những kỷ vật thể hiện nghĩa tình quân - dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong đó, đáng chú ý là những cuốn sổ tay cũ, nhuốm màu thời gian ghi lại xúc cảm của cán bộ, chiến sỹ trên đường hành quân ra trận đã ghé qua “Quán nước quân dân”... Đại úy Nguyễn Hữu Hoành, cán bộ tuyên truyền, trưng bày Bảo tàng Quân khu 4 cho biết: Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, ở Khu 4 có phong trào “Quán nước quân dân”. Tại các ngã ba, ngã tư đường, các mẹ, các chị mở các quán nước phục vụ chiến sỹ miễn phí. Ở những quán nước này thường có một cuốn sổ tay để các chiến sỹ để lại một vài lời nhắn gửi, cảm xúc riêng tư, thể hiện ý chí đanh thép quyết tâm thống nhất đất nước...
Gần như tất cả các cuốn sổ tay ấy đều không ghi rõ tên tuổi, địa chỉ của chủ nhân. Chủ cuốn sổ ấy có thể là bất kỳ một người mẹ, người chị ở làng quê bình dị nào đó. Họ tiếp sức, chăm lo cho chiến sỹ từng ngụm nước, xua đi cơn khát trên đường hành quân qua miền Trung bỏng rát chói chang. Những người mẹ, người chị đáng quý đó đã trở thành một hình tượng riêng rất đẹp mang đậm tình quân dân. Tình mẹ hậu phương làm vững lòng cho người xông pha lửa đạn.
Cuốn sổ tay ở quán nước của mẹ Nguyệt, mẹ Tam (dốc Tuần, xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu) có nhiều trang giấy đã mờ chữ, hư hỏng nhưng vẫn có thể đọc được những dòng chữ thanh sơ của những người lính ghi lại. Một người lính tên H đã viết vào cuốn sổ này vào ngày 24/9/1971 như sau: “Nay qua Tuần, bát nước chè xanh đượm tình cá nước đã thôi thúc chúng con hãy hăng say luyện tập giỏi - quyết tâm cao, chờ tiếng gọi của quê hương, Tổ quốc lên đường xẻ dọc Trường Sơn vào Nam diệt Mỹ. Nguyện chiến đấu quên mình vì nhân dân”...
Đại úy Nguyễn Hữu Hoành giải thích: Những tháng cuối 1971, đầu 1972, khu vực dốc Tuần là địa điểm huấn luyện tân binh trước khi vào chiến trường. Quán nước của hai mẹ là chỗ dừng chân, là một phút nghỉ ngơi giữa những buổi luyện tập của những thanh niên vừa rời xa gia đình ra đi vì nghĩa lớn. Rời vòng tay yêu thương, bao bọc của cha, của mẹ, họ được những người mẹ hậu phương chăm sóc từng ngụm nước mát, bằng những quan tâm nhỏ nhặt nhất. Những tình cảm tốt đẹp, tình yêu thương của các bà mẹ hậu phương đã gieo vào lòng những người lính trẻ sự ấm áp, giúp họ có thêm quyết tâm ra trận giết giặc lập công.
Dẫu mẹ không “mang nặng đẻ đau” nhưng các anh vẫn là đứa con yêu thương của mẹ. Chiến sỹ Nguyễn Ngọc Cầu, có địa chỉ hòm thư 6293365B05 đã cảm tác thành những câu thơ khi một lần được qua quán của hai bà mẹ xứ Nghệ uống bát nước chè xanh: “Mẹ ơi trong buổi hành quân/ Mồ hôi ướt áo, bàn chân mỏi nhừ/ Đường xa con có quản chi/ Chè xanh bốc khói hương nồng/ Con đây nhớ mãi trong lòng mẹ ơi/ Mẹ già nhưng mắt sáng ngời/ Nồng nàn đón tiếp những người chúng con/ Tấm lòng tình nghĩa sắt son/ Con ra tiền tuyến diệt thù/ Ngày mai đất nước sương mù mây tan”... Còn chiến sỹ Trần Anh Dũng, C26-K7 đã thay mặt anh em chiến sỹ đơn vị ghi lại “...Chúng con không biết lấy gì để đền đáp lại tấm lòng quý giá đó. Chúng con chỉ biết quyết tâm đánh đế quốc Mỹ đến cùng. Các mẹ hãy chờ tin chiến thắng của các con sau này”.
Tình mẹ hậu phương, hình ảnh của mẹ Nguyệt, mẹ Tam và bao người mẹ Việt Nam khác đã trở thành động lực để người lính chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Những cuốn sổ tay nhỏ, những dòng chữ dự báo tương lai mang đẫm tình người ấy đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc...
Khát khao hạnh phúc
Tại Bảo tàng Quân khu 4, có một bức thư rất xúc động của của ông Lê Trọng Khâm viết trước lúc mất chỉ vài giờ gửi cho em trai Lê Trọng Khanh đang học tại Liên Xô... Ông Khâm sinh năm 1910, trú quán tại xã Xuân Hòa, huyện Nam Đàn. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông Khâm tham gia dạy bình dân học vụ, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1947, ông Khâm được tuyển vào làm công nhân ở xưởng Quân giới Đặng Thái Thân (lúc đó đóng tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương). Đầu năm 1949, trong khi tham gia chế tạo thuốc nổ thì ông Khâm và một đồng đội bị thương nặng. Sau khi chữa trị tạm ổn, ông Khâm trở lại xưởng quân giới tiếp tục làm việc. Đến năm 1951, khi thấy sức khỏe ngày càng yếu, vết thương tái phát nặng, không muốn làm phiền đơn vị, ông Khâm đã xin về nhà tự điều trị.
Ngày 26/5/1954, trên giường bệnh thấy mình không còn kham nổi, ông Khâm cố gắng ngồi dậy để viết cho em trai út bức thư trước lúc đi xa. Bức thư ngắn, đứt đoạn bởi những cơn đau. Thư có đoạn: “...Anh đang mơ tưởng cái hạnh phúc của loài người và của anh. Nó tới rất gần không xa nữa mà anh phải chết. Anh rất đau khổ. Nhưng anh thỏa mãn là anh được danh dự người đảng viên Đảng Cộng sản...”.
Hạnh phúc mà ông Khâm nhắc tới không ngoài khát vọng hòa bình, độc lập, tự do. Nhớ lời anh dặn, em trai ông là Lê Trọng Khanh suốt một đời phấn đấu vì mục tiêu chung của loài người, của dân tộc, của gia đình và bản thân. Trở về từ Liên Xô, ông Khanh tham gia quân đội và về hưu với quân hàm Trung tá... Phấn đấu vì hạnh phúc của loài người, lý tưởng của dân tộc, con trai thứ của ông Khâm là liệt sỹ Lê Trọng Việt đã lên đường chiến đấu và ngã xuống tại chiến trường Nam Lào. Bà Lê Thị Thanh Hòa, con gái út của ông Lê Trọng Khâm, người đã hiến bức thư cho Bảo tàng Quân khu 4 tâm tình: Ngày tôi sinh ra đã không được thấy mặt cha nhưng qua lời kể của mẹ, các chú, các anh, tôi đã biết về lý tưởng và niềm tự hào của ông để phấn đấu, làm theo... Bây giờ đất nước ta đã độc lập, tự do, cuộc sống nhân dân ngày càng no ấm. Tôi nghĩ hạnh phúc của cha tôi nhắc tới không gì hơn thế. Tôi vẫn luôn căn dặn các con, cháu mình cố gắng phấn đấu học tập, lao động làm sao để được đứng vào hàng ngũ người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, để được cống hiến phục vụ cho nhân dân, cho sự nghiệp chung. Đó là truyền thống, niềm vinh dự lớn của người dân Việt Nam chúng ta.
Thanh Sơn