Trong hơn 20.000 hiện vật, tư liệu lịch sử quý giá ở Bảo tàng Tổng hợp tỉnh, các hiện vật về cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 của người dân Nghệ An được bảo quản, lưu giữ ở đây tuy không nhiều, nhưng đã "nói" lên khí thế, tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường của người dân tỉnh nhà khi đó. Bên cạnh các hiện vật như thư tịch, tài liệu, truyền đơn, cờ tổ quốc.... đáng chú ý là các loại vũ khí thô sơ được người dân sử dụng để đấu tranh giành chính quyền, đập tan ách xiềng xích nô lệ, lập nên nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà.
Những vũ khí thô sơ của người dân Nghệ Tĩnh sử dụng trong
cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945.
Đó là chiếc đe bằng sắt, có 3 phần đúc liền nhau, đáy hình chữ nhật, thân hình thang lật ngược, là dụng cụ sản xuất cơ khí, các vũ khí bằng kim loại của xưởng sản xuất cơ khí Lê Viết Thuật (Nghệ An). Đó là bộ chông (gồm một bàn chông và 4 chông rời), bàn chông bằng gỗ cắm 5 mũi chông nhọn và 4 chông rời hình chữ Z và chữ V là vũ khí chống Pháp của dân quân xã Diễn Kim (Diễn Châu) dùng để bố phòng (chôn xuống đất) nơi bọn thực dân Pháp và tay sai qua lại nhiều nhằm tiêu diệt chúng và bảo vệ cơ sở Đảng địa phương thời kỳ 1945-1954... Bàn chông này được chị Nguyễn Thị Tính-Trưởng khối Văn xã Diễn Kim giao lại cho Bảo tàng vào năm 1979. Đó là cái xỉa có cán tre, lưỡi bằng sắt có 3 răng nhọn là vũ khí thô sơ của nông dân Nghệ An trong thời kỳ tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
Đó còn là các loại kiếm dùng để trang bị cho đội xích vệ, Nông hội đỏ, Thanh niên cứu quốc...đấu tranh, giành chính quyền những năm 1945. Kiếm có số phân loại 753 là vũ khí được trang bị cho đội xích vệ xã Đức Sơn (Anh Sơn) luyện tập để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa. Còn thanh kiếm mang số phân loại 754, lưỡi dài, dày, mũi vát, khâu bằng sắt hình bầu dục để trơn là vũ khí của dân quân du kích người Thái ở bản Sơn Hà (Tương Dương) do anh Hà Văn Thảo (người Thái, thuộc nhóm Tày Mười) sử dụng và bàn giao lại cho Bảo tàng năm 1980. Đó là thanh kiếm tự chế rất đơn giản của gia đình bà Vi Thị Khai (dân tộc Mán Thanh) xã Tam Quang, huyện Tương Dương sau này nó còn tiếp tục được dùng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Sau khi giành chính quyền, nhân dân xã Diễn Thịnh (Diễn Châu) tự rèn 30 thanh kiếm để luyện tập bảo vệ Tổ quốc. Một trong 30 thanh kiếm này hiện vẫn được lưu giữ ở Bảo tàng. Đây là thanh kiếm do bác Nguyễn Đính- đội 19 ( Diễn Thịnh) nguyên là dân quân cùng thời luyện tập và cất giữ cho đến tận ngày nay
Bên cạnh vũ khí là những con dấu hình ôvan, đúc bằng đồng, làm cơ sở pháp lý của Chủ tịch UBND các làng, xã ở Nghệ An trong những ngày đầu nắm chính quyền. Ngoài ra, các hiện vật như cờ đỏ sao vàng, truyền đơn, biểu ngữ...đang được cán bộ, công nhân viên bảo tàng thu thập, phân loại để đưa vào kho trưng bày. Hiện bảo tàng còn lưu giữ khoảng 36 con dấu của các làng, xã trong tỉnh.
Theo ông Trương Đắc Thành-Phó giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh thì những hiện vật trên được sưu tầm từ những năm 1960 đến nay. Tuy các hiện vật về cách mạng tháng Tám chưa thật sự phong phú, đầy đủ và chưa được trưng bày thành chuyên đề riêng biệt, nhưng đó là những hiện vật quan trọng tái hiện giai đoạn lịch sử hào hùng của nhân dân Nghệ An trong thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền. Những hiện vật quý giá này cho chúng ta thấy rằng, dù không có súng ống, đạn dược, không có vũ khí hiện đại, chỉ bằng những vật dụng thô sơ, nhưng với lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi, đập tan ách thống trị, mở ra một kỷ nguyên mới- kỷ nguyên độc lập, tự do, làm chủ đất nước.
Để sưu tầm được các hiện vật trên, các đoàn cán bộ bảo tàng phải lăn lộn ở cơ sở, gần dân, bám dân để tìm hiểu, sưu tầm. Sau khi sưu tầm được các hiện vật này phải tìm gặp các nhân chứng sống tham gia sự kiện này để xác minh, chứng nhận, rồi tiến hành phân loại theo chất liệu, thời gian, sự kiện lịch sử... Mỗi hiện vật là một câu chuyện, một sự kiện lịch sử tái hiện chân thực, sinh động, khách quan về cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền của quân và dân Nghệ Tĩnh năm 1945. Do đó, công tác bảo quản luôn được đặt lên hàng đầu, bao gồm cả bảo quản trị liệu và bảo quản phòng ngừa, theo định kỳ các hiện vật được lau chùi, khử mối mọt, tiệt trùng nhằm kéo dài tuổi thọ và hạn chế hư hỏng. Mong muốn của Bảo tàng tổng hợp là sẽ tổ chức được một chuyên đề trưng bày riêng về các hiện vật, tư liệu lịch sử Cách mạng Tháng Tám để ôn lại một giai đoạn sục sôi khí thế cách mạng và giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ ngày nay.