(Baonghean) - Ngày rằm tháng Bảy âm lịch cũng được gọi là một ngày Tết. Tết trùng thập, Tết của chủng loại chúng sinh, Tết của các âm hồn bơ vơ, đau khổ. Ngay từ cuối tháng Sáu âm lịch, hàng hoá phục vụ cho Tết trùng thập đã thấy chất ngần ngật các cửa hiệu. Toàn là vàng, là mã. Tục đốt mã là do Trung Quốc truyền sang.
Nguyên từ đời xưa, người ta thường dùng bạch ngọc để cúng tế. Đời sau, bạch ngọc hiếm và đắt, người ta bèn dùng tiền để thay thế. Nhưng tiền cúng xong lại phải bỏ đi cũng rất lãng phí. Đến thời nhà Đường, vua Huyền Tôn ra lệnh dùng giấy thay cho tiền thật, những thoi vàng, thoi bạc làm bằng giấy thay cho vàng và bạc thật. Đời vua Đường Thế Tôn, quan Tư tế sứ chuyên lo việc tế tự là Vương Dữ lại ra thêm một sáng kiến là cúng toàn tiền giấy rồi đốt đi. Đến thời Ngũ Đại, người ta còn cúng thêm cả quần áo mũ mãng, đồ dùng cá nhân phất toàn bằng tre, giấy, xong rồi đốt phải kỳ hết người dưới âm mới nhận đủ. Mua trước loại lễ vật này cũng chẳng rẻ hơn lúc cần kíp đúng ngày là bao nhiêu, nhưng để khỏi quên, nhà ai cũng cứ mua dần, Tết đến mà còn thiếu một cái gì đó, phải tội.
Rằm tháng Bảy rất đông người đi lễ chùa . Ảnh: MT
Theo tín ngưỡng, người Việt coi ngày rằm tháng Bảy là ngày Xá tội vong nhân. Nghĩa là bao nhiêu tội nhân ở dưới âm phủ đều được tha tội một ngày hôm ấy. Vì vậy, trên dương thế, mọi gia đình đều làm cỗ bàn cúng gia tiên, đốt vàng mã mong rằng vong hồn tổ tiên được một ngày về cõi trần hưởng lễ của con cháu. Những gia đình có người mới mất cũng nhân dịp này mời tăng ni tới làm cỗ chay tụng kinh cho vong hồn mát mẻ.
Cỗ cúng cũng phải đủ mặn đủ nhạt, đủ cơm, đủ canh. Tuy nhiên linh hồn của cỗ cúng buổi lễ lại là mâm cháo. Trẻ nhỏ nhớ nhất chi tiết này trong buổi lễ bởi các lễ vật toàn là các thức ngày thường bói không ra nhiều đến thế. Mâm cỗ cúng phải bày trước cửa nhà. Đồ lễ thì đặt trên cái mẹt. Nghèo mấy cũng phải có một nồi cháo hoa. Thứ cháo nấu bằng gạo tẻ, lúc nấu không được đụng đũa. Cơm nắm thành những nắm nhỏ, sắn khoai luộc cắt làm đôi làm ba, mía đẵn ra từng khúc, vài hạt lạc, hạt mít luộc, bỏng gạo, hoa quả đủ loại đương mùa, bánh kẹo, trầu cau, đôi khi có nhà còn cúng cả xôi chè. Nhiều nhất vẫn là vàng hương, đồ mã. Đồ mã thường là quần áo được cắt ra từ các loại giấy màu xanh đỏ tím vàng thành từng xấp. Không cần số đo, cũng không nhất thiết phải y như thật, người ta tin rằng các lễ vật này khi gửi được xuống cõi âm, các vong hồn sẽ có cách mặc chúng.
Hiện nay, người ta còn làm đủ mọi thứ vật dụng như xe máy, ô tô, nhà tầng, tivi, tủ lạnh... để gửi cho người cõi âm. Mọi người lúc cúng vái đều tin rằng linh hồn những người chết đường, chết chợ, những cô nhi yểu vong... tóm lại là những vong hồn quanh năm không được ai cúng giỗ sẽ cùng tới vui hưởng trong ngày xá tội vong nhân này.
Tại các đình chùa, ngày này cũng tổ chức cúng cháo cho các cô hồn không được ai cúng giỗ. Tất nhiên quy mô lớn hơn nhiều và chỉ làm cơm chay. Cháo sẽ được các sư múc ra những bát bồ đài lá mít cắm ở hai bên đường đi, ngoài ra còn có một nồi cháo đại để bên.
Ngày này lên chùa vui lắm. Khi nhà chùa vừa cúng xong, những người nghèo kéo đến xin cháo, trẻ con thì xô nhau vào cướp hoa quả bánh trái, tục gọi là "cướp cháo". Vàng mã được đem đi hoá. Lúc hoá, các sư còn tụng kinh cầu siêu độ cho các vong hồn vô thừa tự.
Với nhà Phật, ngày 15 tháng 7 âm lịch không đơn giản chỉ là ngày Xá tội vong nhân.Theo Phật lịch, ngày này là ngày lễ Vu Lan. Nói ngắn gọn, Lễ Vu Lan là lễ dâng các phẩm vật đựng trong chiếc vu lan (cái chậu dùng để chứa các vật phẩm dâng cúng) để cúng các chư tăng với mục đích cầu xin cho vong hồn người thân của mình được thoát khỏi địa ngục. Sự tích lễ Vu Lan có từ rất lâu và có đến mấy giai thoại. Đại thể câu chuyện xoay quanh nhóm đệ tử vẫn tháp tùng đức Phật có Mục Liên là một vị Tôn giả đã tu luyện được nhiều phép thuật. Một hôm ông dùng thiên lí nhãn thấy thân mẫu mình ở dưới địa ngục phải làm quỷ đói rất khổ sở. Ông tức thì dùng phép màu mang cơm xuống địa ngục cho mẹ nhưng ác thay, mỗi khi tay bà mẹ chìa ra nhận cơm, cơm lại biến thành khối lửa không sao ăn được. Mục Liên quay về kêu van đức Phật. Phật dạy rằng rằm tháng Bảy, nhân lúc chư tăng mãn hạ, nên sắm sửa hoa thơm quả ngọt đặt vào chiếc chậu vu lan mang đến cúng dâng chư tăng, ăn mày uy đức của chư tăng để chuyển nghiệp tham si nơi vong nhân, mới mong cứu thoát được vong nhân nơi địa ngục. Mục Liên nghe theo, quả nhiên cứu được mẹ.
Từ đó về sau, lễ Vu Lan cầu phá địa ngục được tiến hành hàng năm. Thứ vị quan trọng nhất trong nghi thức Vu Lan, chính là chư tăng, nhưng cũng phải có thời cơ thuận tiện để chư tăng thi hành công quả của mình: đó là lúc chư tăng họp nhau trong khoá hạ, và khoá hạ vừa mãn, nghĩa là vào ngày Tự thứ, lúc chư tăng hoan hỉ bố thí công đức. Do đó ngày rằm tháng Bảy là ngày thuận tiện nhất để cử hành lễ Vu Lan. Ngoài ra, lễ Vu Lan còn đòi hỏi một hằng tâm ở nơi tín chủ. Tín chủ dâng lễ cho các thầy, các thầy đem dâng Phật trước khi họ thí đó là việc của các thầy, còn tín chủ chỉ tuân theo Giáo pháp của đức Phật cúng dâng chư tăng để chư tăng hoan hỉ chuyển pháp luân siêu thăng cho các vong hồn đang bị giam nơi địa ngục. Nếu việc cúng dâng gặp phải sãi chùa thiếu công đức tu hành, việc cúng dâng sẽ không có ích lợi gì mà sãi chùa thêm mang tội.