Ngô Thì Nhậm sinh ngày 11, tháng 9, năm Bính Dần (1746) tại làng Thanh Oai, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Tây, nằm trong Thành phố Hà Nội). Ông là con trai của Tiến sĩ Ngô Thì Sỹ (1726 - 1780). Năm Kỷ Dậu (1765), ông đỗ đầu khoa thi Hương. Năm Kỷ Sửu (1769), ông đỗ khoa Sỹ Vọng được bổ làm quan Giám sát Phó sứ ở Hải Dương. Năm Ất Mùi (1775), ông đỗ tiến sĩ được bổ làm Hộ Khoa cấp sự trung, rồi được thăng Giám Sát Ngự Sử đạo Sơn Nam, đến Hữu Thị Lang Bộ Công.


Tình hình Lê - Trịnh rối ren ông bỏ quan về ở quê vợ. Đến năm 1788, Nguyễn Huệ xuống lệnh tìm người làm quan cũ của Lê - Trịnh có tài đức để bổ dụng. Ông được Trần Văn Kỷ tiến cử, được Nguyễn Huệ rất trọng dụng, phong làm Tả Thị Lang Bộ Lại, tước Trình Thái Hầu. Đây là một sự tin tưởng tuyệt đối của Hoàng Đế Quang Trung đối với bộ hạ của mình. Lần đầu tiên ta thấy Ngô Thì Nhậm do Trần Văn Kỷ tiến cử thì Hoàng Đế Quang Trung bổ nhiệm và giao trọng trách ngay.

762942_small_53207.jpgĐền Vua Quang Trung trên núi Quyết - TP.Vinh;Ảnh: Sỹ Minh.

Trong 4 năm (1788 - 1792), dưới trướng Quang Trung Nguyễn Huệ, ông đã phát huy cao độ tài năng của mình trong các lĩnh vực chính trị, văn hoá, quân sự, ngoại giao, đặc biệt là công tác ngoại giao. Hoàng Đế Quang Trung đã khai thác và sử dụng tài trí của Ngô Thì Nhậm trong việc đấu tranh với Càn Long (vua của nhà Thanh - Trung Quốc) và Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An đòi lại 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, đòi xoá bỏ lễ cống người vàng...


Theo tóm tắt Niên biểu lịch sử Việt Nam của Hà Văn Thư và Trần Hồng Đức (NXB Văn hoá - Thông tin, Hà Nội, 1996) thì vua Càn Long đã hứa gả Công chúa cho Quốc vương Việt Nam (Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ) và tỉnh Quảng Tây sẽ được nhường lại cho Quốc Vương phò mã để đóng đô cho gần với Càn Long... Còn việc xoá nạn cống người vàng, theo sách Những khám phá mới về Hoàng Đế Quang Trung của TS.Đỗ Bang thì sau khi được tin Hoàng Đế Quang Trung mất, Càn Long đã làm một bài thơ viếng Quang Trung và sai xuất kho 3.000 lạng bạc để lo tang lễ. Tất cả giao cho Án sát tỉnh Quảng Tây là Thanh Lâm mang sang để phúng điếu Quang Trung. Bài thơ của Càn Long đốt trước mộ (mộ giả) có đoạn như sau (đã dịch ra tiếng Việt):


Lễ cũ bang giao cử bồi thần

Giao hiếu càng ngày thêm thiết thân

Nhớ mãi năm xưa cùng hội ngộ

Đáng cười Minh Tệ Kim Nhân...


Như vậy là nhờ sự gặp nhau giữa ba trí tuệ của Hoàng Đế Quang Trung, Trần Văn Kỷ và Ngô Thì Nhậm mà nước ta đã phá được "vạ Liễu Thăng", rửa được cái nhục của đất nước đã mấy trăm năm.


Tầm chiến lược cầu hiền của Hoàng Đế Quang Trung thật là lồng lộng, bao dung, độ lượng thể hiện qua đoạn cuối trong "Chiếu cầu hiền": "...Vậy ban chiếu xuống quan liêu lớn nhỏ và dân chúng trăm họ, ai có tài năng học thuật, mưu hay giúp ích cho đời đều cho phép được dâng thư tự tỏ bày công việc. Lời có thể dùng được thì đặc cách bổ dụng.

Lời không dùng được thì để đấy, chớ không ai bắt tội vu khoát. Những người có tài nghệ gì có thể dùng được cho đời thì cho các quan văn, võ được tiến cử. Lại cho dẫn đến yết kiến, tuỳ tài mà bổ dụng. Hoặc có người từ trước đến nay giấu tài im tiếng không ai biết đến cũng cho phép được dâng thư tự cử, chớ ngại cho thế là "đem ngọc bán rao".

Ôi! Trời đất bế tắc thì hiền tài ẩn náu. Xưa thì đúng vậy, còn nay trời đất đã thanh bình, chính lúc người hiền gặp gỡ gió mây. Những ai tài đức nên đều gắng sức lên để được rạng rỡ chốn vương đình, một lòng cung kính để cùng hưởng phúc tôn vinh.


Bố cáo gần xa để cùng nghe biết!".


Chiêu hiền đãi sĩ của Hoàng Đế Quang Trung không những kiên trì nhẫn nại mời cho kỳ được người tài hiền ra giúp nước, biết sử dụng tài năng của từng người và giao những công việc trọng trách thích hợp với khả năng của họ.

Tài dùng người còn ở chỗ thưởng phạt nghiêm minh. La Sơn Phu Tử - Nguyễn Thiếp là người Hoàng Đế Quang Trung đã phải quỳ xuống, mời cho được ông ra làm quan giúp nước và làm người thầy cho Hoàng đế thờ. Nhưng khi Nguyễn Thiếp làm Viện trưởng Viện Sùng Chính mà công việc làm chưa chu đáo, thì Hoàng Đế Quang Trung vẫn phê bình thẳng thắn.

Ngày 11/4 năm Quang Trung thứ 5 (1792), Hoàng Đế Quang Trung có văn bản truyền cho La Sơn Phu Tử rằng: "Nguyên năm ngoái có chú thích các sách tiểu học xem ra thấy âm nghĩa rất sơ sài, thô lược chưa xứng đáng với thượng chỉ.

Còn về việc viễn nghĩa Tứ Thư thì hẹn rằng mùa xuân năm nay tiến nộp, nay chưa gửi về là sai hẹn, làm chậm. Truyền cho phải mau chóng chú thích âm và nghĩa đóng thành tập gửi về để ngữ tiến, hãy nên gia ý việc giải thích âm tiết cho tinh mật, chớ làm thô lược lảo thảo như kỳ trước". Qua bản văn, chúng ta thấy Hoàng Đế Quang Trung là một người Văn - Võ toàn tài. Vì học giả La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp là người uyên bác về Nho học và giỏi văn chương, am tường lịch sử của cả nước ta thời đó. Mà khi chú thích sách tiểu học, ông đã bị Hoàng Đế cho là: "Âm nghĩa rất sơ sài, thô lược, chưa xứng đáng với thượng chỉ". Nếu Hoàng Đế không thông thạo chữ Hán và chữ Nôm thì làm sao biết được bản dịch và chú thích còn rất sơ sài thô lược?!


Nhờ có lời phê bình, mà sau một tháng, sách Tứ Thư (một danh tác của Trung Hoa) đã được dịch xong và đóng thành 32 tập gửi về Phú Xuân. Nhận được sách, Hoàng Đế Quang Trung rất mừng, xem xong liền ban chiếu khen thưởng.

Tờ chiếu viết: "Chiếu cho Sùng Chính Viện Trưởng La Sơn Nguyễn Khải Xuyên được biết: Nguyên kỳ trước dịch xong các sách tiểu học đã đệ tiến nộp, kỳ này việc dịch Tứ Thư đã xong cọng được 32 tập trấn quan đã chuyển về kinh tiến nộp. Trẫm đã từng xem Tiên Sinh giảng bàn phu diễn thật đã chăm chỉ. Những viên giúp rập là Nguyễn Công, Nguyễn Thiện, Phan Tố Định, Bùi Dương Lịch đều có công. Vậy ban thưởng cổ tiền 100 quan giao cho trấn quan chiếu theo mà cấp, lĩnh về chung hưởng ân tứ.


Khi xong việc bộn bề Trẫm nghỉ ngơi vui ý đọc sách. Tiên Sinh học vấn uyên bác nên vì Trẫm mà phát huy những thư khiến cho bổ ích thêm.


Quang Trung năm thứ 5 ngày 01 tháng 6 (1792)".


Qua các cứ liệu lịch sử, ta thấy đức chiêu hiền đại sĩ và khéo dùng người của Hoàng Đế Quang Trung là không nhiều trong các triều đại xưa. Khi đã nhìn thấy người hiền tài của đất nước, thì với cương vị là Hoàng Đế, ông vua này vẫn kiên trì nhẫn nại, quỳ gối xuống để mời cho được người dân hiền tài ra giúp nước, làm thầy cho mình thờ.

Nhưng không phải chiêu hiền một chiều, mà có phê bình và dùng chính sách thưởng phạt nghiêm minh. Hoàng Đế quả là bậc thầy về sử dụng nhân tài và chiêu hiền đãi sĩ. Nhiều nhà nghiên cứu đã cho rằng Hoàng Đế Quang Trung không những thiên tài về quân sự, ngoại giao mà còn là một thiên tài về nghệ thuật dùng người!


H.B.Q