(Baonghean) - Nhiệm kỳ qua, với nỗ lực của các cơ sở đào tạo nghề và các địa phương, công tác đào nghề của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng nhanh. Nhiều cơ sở đào tạo nghề đã thực hiện tốt công tác định hướng, đào tạo có địa chỉ và gắn đào tạo với giới thiệu, giải quyết việc làm; từ đó có hướng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chuyển biến tích cực
Nghệ An là tỉnh có quy mô dân số lớn với hơn 3 triệu người, trong đó có gần 1,8 triệu lao động. Bình quân hàng năm, số lao động đến tuổi bổ sung vào lực lượng lao động của tỉnh xấp xỉ 3 vạn người. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2011 – 2015 đã đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, theo đó, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 35 – 40 nghìn người; giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 2,85%; đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% (trong đó đào tạo nghề đạt 48%).
Ông Đặng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “So với giai đoạn 2006 – 2010, số cơ sở đào tạo nghề không tăng mạnh nhưng quy mô và chất lượng đào tạo nghề từ năm 2011 đến nay đã có nhiều chuyển biến”. Đến nay, toàn tỉnh có 64 cơ sở đào tạo nghề, trong đó 6 trường cao đẳng nghề (1 trường ngoài công lập), 9 trường trung cấp nghề, 24 trung tâm dạy nghề (8 trung tâm ngoài công lập) và 25 cơ sở có tham gia dạy nghề (13 cơ sở ngoài công lập). Trong số các tỉnh Bắc Trung bộ, Nghệ An là tỉnh có số lượng cơ sở đào tạo nghề nhiều nhất (chiếm 29,2% cả vùng). Mạng lưới cơ sở đào tạo nghề phân bố đồng đều; đến nay, tất cả các huyện, thành phố, thị xã đều có cơ sở đào tạo nghề. Tại các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đều bố trí các cơ sở đào tạo lao động kỹ thuật như: vùng miền núi Tây Bắc có Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật miền Tây tại Thị xã Thái Hòa; vùng miền núi Tây Nam có Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tại huyện Con Cuông; phía Bắc của tỉnh có Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật Bắc Nghệ An tại huyện Quỳnh Lưu...
Trong những năm qua, Nghệ An là một trong những tỉnh được hỗ trợ khá lớn nguồn lực chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề. Các trường trung cấp nghề khu vực và cấp huyện đã được phê duyệt và triển khai các dự án đầu tư tăng cường cơ sở vật chất với mức đầu tư hàng chục tỷ đồng. Đặc biệt, nhờ tranh thủ tốt quan hệ quốc tế, Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tiếp tục được tiếp nhận hỗ trợ giai đoạn 3 từ Chính phủ Hàn Quốc với nguồn kinh phí viện trợ 6 triệu USD vào cuối năm 2014. Bên cạnh đó, Nghệ An được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt lựa chọn 13 trường với 42 nghề được đầu tư trọng điểm, (cả 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ chỉ có 38 trường với 93 nghề được đầu tư trọng điểm).
Những nguồn lực đó đã giúp các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, mở rộng quy mô đào tạo. Nhờ đó, số lao động được học nghề tăng lên đáng kể, đặc biệt là lao động có trình độ kỹ thuật (từ trung cấp nghề trở lên). Ước tính cả giai đoạn 2011 – 2015, các cơ sở đào tạo nghề của tỉnh tuyển sinh được 405.417 người (đạt 101,35% kế hoạch của giai đoạn 2011 - 2015), trong đó cao đẳng nghề 21.320 người, trung cấp nghề 38.970 người, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng là 345.127 người. Hàng năm, tỷ lệ học sinh trung cấp nghề và cao đẳng nghề tốt nghiệp đạt trên 95%, trong đó loại khá, giỏi chiếm gần 30%. Một số ngành nghề đào tạo bước đầu đáp ứng sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và nhu cầu sử dụng lao động kỹ thuật ngoại tỉnh cùng xuất khẩu lao động như: Cơ khí, Công nghệ ô tô, Điện tử công nghiệp, Hàn, Cơ điện tử, Điện công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Chế biến sản phẩm ăn uống, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng, Tiểu thủ công nghiệp...
Ngoài ra, tại các hội thi tay nghề, hội giảng giáo viên, hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc, đoàn Nghệ An luôn được Bộ Lao động - TB và XH đánh giá cao. Như tại Hội thi tay nghề quốc gia lần thứ 8 năm 2014 tại Hà Nội, đoàn Nghệ An là 1 trong 10 đoàn trong cả nước được Bộ trưởng Bộ LĐ - TB và XH tặng Bằng khen (có 1 giải Nhất, 2 giải Ba và 5 giải Khuyến khích); trong đó, 1 thí sinh đạt giải Nhất đã được Bộ LĐ - TB và XH, Tổng cục Dạy nghề và doanh nghiệp Vikotex của Hàn Quốc lựa chọn và cử đi học tập, ôn luyện tại Hàn Quốc, tham gia đội tuyển Việt Nam dự thi tay nghề ASEAN lần thứ 10/năm 2014 đạt Huy chương Bạc.
Những kết quả trên đã góp phần vào việc thực hiện thành công mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về đào tạo nguồn nhân lực. Sau 4 năm thực hiện nghị quyết, đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh tăng từ 40% năm 2010 lên 52% năm 2014, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tăng từ 33% năm 2010 lên 46% năm 2014. Ước thực hiện năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%, trong đó lao động qua đào tạo nghề 48%, đạt mục tiêu nghị quyết đại hội đề ra.
Bên cạnh mở rộng quy mô đào tạo, một dấu ấn nổi bật trong công tác đào tạo nghề giai đoạn 2011 – 2015 là việc giải quyết việc làm cho học sinh sau đào tạo. Từ năm 2011 đến nay, số học sinh trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng tìm và bố trí được việc làm thường xuyên hàng năm đạt từ 85 - 87%, tăng hơn 10% so với nhiệm kỳ 2006 - 2010. Đã có 1.573 doanh nghiệp tiếp nhận, tuyển dụng 55.971 lao động tại các cơ sở dạy nghề của Nghệ An vào làm việc. Đặc biệt, trong quá trình đào tạo, một số cơ sở dạy nghề đã thực hiện tốt công tác định hướng, gắn việc đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội cũng như gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau đào tạo như: Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật - công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, Trường Cao đẳng nghề du lịch - thương mại Nghệ An, Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật Bắc Nghệ An…
Ông Nguyễn Duy Nam, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật – công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc, cho biết, kể từ khi thành lập vào năm 1997 đến nay, trường đã đào tạo trên 11.000 học sinh học nghề dài hạn, hơn 2.000 học sinh học nghề ngắn hạn, 7.000 lao động học tiếng Hàn và đào tạo giáo dục định hướng cho trên 4.000 lao động xuất khẩu. Trong số đó trên 8.000 học sinh đã tốt nghiệp, 90% học sinh có việc làm, trong đó có 2.500 học sinh làm việc tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia... Còn Trường Cao đẳng nghề du lịch - thương mại Nghệ An lại có cách làm riêng trong việc giải quyết việc làm cho học sinh, đó là hàng năm nhà trường đều tổ chức ký cam kết 3 bên giữa doanh nghiệp - lao động - nhà trường, qua đó, những học sinh khá, giỏi của trường sẽ được nhận vào thực tập tại các khách sạn, công ty du lịch lớn trong và ngoài nước... Thời gian này, các em cũng sẽ được trả lương như một nhân viên thực thụ với mức thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/tháng. Đây là cơ hội để các em tự khẳng định mình và dễ dàng có việc làm sau khi ra trường.
Bên cạnh các trường dạy nghề trọng điểm của tỉnh, các địa phương cũng có nhiều nỗ lực phối hợp với các cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Ông Hồ Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, huyện đã phối hợp với các trường nghề như Trường Trung cấp nghề công nghiệp, thủ công nghiệp, Trường Trung cấp nghề kinh tế - kỹ thuật Bắc Nghệ An, các doanh nghiệp mây tre đan, mộc, cơ khí, chăn nuôi… trên địa bàn huyện tổ chức đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tiễn để khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Ngoài ra còn phối hợp với các công ty lớn như Công ty TNHH Canon Việt Nam, Công ty Nissay tổ chức tư vấn học nghề tại các cụm xã, thị trấn; tạo điều kiện để lao động sau đào tạo nghề tiếp cận với các nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, lập thân lập, nghiệp ngay trên chính mảnh đất quê hương”. Nhờ những nỗ lực đó, từ năm 2011 – 2014, tổng số lao động được đào tạo trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu là trên 21.000 người, hơn 1 vạn lao động được giải quyết việc làm mới.
Triển vọng mới
Theo Đề án “Phát triển cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020” được phê duyệt tại Quyết định 6980/QĐ-UBND.VX ngày 12/12/2014 của UBND tỉnh, đến năm 2020, nhu cầu lao động kỹ thuật đào tạo nghề (từ sơ cấp đến cao đẳng nghề) là 1.202.849 người, chiếm tỷ lệ 84,4%. Với nhu cầu đó thì từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm tỉnh cần thực hiện đào tạo nghề cho khoảng hơn 85.000 lượt người, trong đó đào tạo trình độ từ trung cấp nghề trở lên cho hơn 16.000 lượt người để nâng tỷ lệ đào tạo nghề đạt 61% đến năm 2020. Bên cạnh đó, trong những năm tới, thị trường lao động nước ngoài có nhiều triển vọng. Cùng với những thị trường truyền thống nhiều năm qua của lao động Nghệ An như Malaysia, Đài Loan, các nước Trung Đông, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết và triển khai hiệp định, thỏa thuận hợp tác với nhiều nước như: Thái Lan, Angola, Síp, Lào, Nga, Belarus, Đức...
Đặc biệt, cùng với sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự báo sẽ gia tăng. Dễ nhận thấy đa phần trong số những thị trường lao động nước ngoài được mở rộng hoặc mới mở cửa từ năm 2015 này là những thị trường thu nhập cao, đòi hỏi khắt khe về trình độ chuyên môn, tay nghề cũng như ý thức kỷ luật từ phía người lao động, nên để đưa nhiều hơn lao động đi xuất khẩu thì công tác đào tạo nghề của tỉnh cũng cần có những bước chuyển biến mạnh mẽ hơn về chất lượng.
Theo ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015- 2020 cơ bản giữ nguyên số lượng cơ sở dạy nghề và có tham gia dạy nghề, chỉ dự kiến thành lập mới 2 trường cao đẳng nghề, 1 trường trung cấp nghề và tập trung đầu tư nâng cấp 2 trường cao đẳng nghề lên thành trường đại học kỹ thuật, 4 trường trung cấp nghề lên thành trường cao đẳng nghề, nâng cấp 3 trung tâm dạy nghề thành trường trung cấp nghề. Về các ngành nghề đào tạo, trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện Quyết định số 854/QĐ-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 6/6/2013 về việc phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Trong đó, tỉnh có 13 trường với 42 danh mục nghề được Bộ LĐ - TB và XH lựa chọn và phê duyệt đầu tư nghề trọng điểm như: quản trị khách sạn, hướng dẫn du lịch, hàn, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, cắt gọt kim loại, kỹ thuật máy nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thú y, bảo vệ thực vật…
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm và nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước về đào tạo nghề, nhất là các chính sách cho người học nghề, người lao động qua đào tạo nghề, chính sách đối với doanh nghiệp tham gia dạy nghề... Về phía các trường nghề cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo hơn là chạy theo số lượng; năng động hơn trong việc tìm hiểu thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp để liên kết đào tạo lao động chuyên sâu. Hàng năm, các trường cần điều tra cung - cầu lao động để xác định nguồn nhân lực theo cơ cấu nghề, trình độ... nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và đặc biệt là thực hiện đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Minh Quân