844 cơ quan sử dụng phần mềm văn bản
Năm 2018, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT vào hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và quản lý.
Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu xây dựng, triển khai hệ thống quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng VNPT IOffice tại 844 cơ quan. Cụ thể 22 sở, ban, ngành cấp tỉnh; 21 huyện, thành, thị xã; 480 xã; 87 trường THPT; 234 đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở và UBND cấp huyện.
Tổng số văn bản đi, đến giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, lũy kế đến khi triển khai đến nay là gần 2,7 triệu văn bản. Đây là giải pháp quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nhanh và kịp thời trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
Hệ thống giao ban trực tuyến được triển khai kết nối 24 điểm tại cơ quan Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Cục Thuế và huyện, thành, thị xã trong tỉnh.
Công tác quản lý bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện; quản lý thông tin, báo chí, xuất bản đi vào nề nếp, hiệu quả hơn.
Tại hội nghị, thông qua thảo luận, các đại biểu cũng nêu nhiều khó khăn. Cụ thể trong ứng dụng CNTT, bên cạnh về nhận thức và hành động ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế thì vấn đề kinh phí cũng làm cản trở sự phát triển, ứng dụng CNTT vào hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý hiện nay ở các cấp.
Kế hoạch ngầm hóa và chỉnh trang mạng cáp viễn thông còn khó khăn; việc quy định và cấp phép xây dựng trạm BTS chưa nghiêm túc; công tác kiểm tra các đơn vị xuất bản, in, phát hành còn hạn chế.
Hệ thống truyền thanh cơ sở mặc dù có vai trò quan trọng trong công tác tuyên tuyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, nhất là địa bàn khó khăn, biên giới, vùng đặc thù; nhưng nay đã xuống cấp và chưa được đầu tư nâng cấp kịp thời.
Tiến tới xóa tài liệu giấy tại các cuộc họp
Nhấn mạnh thông tin – truyền thông là lĩnh vực khó, nhạy cảm và phức tạp; đồng thời làm rõ nhiệm vụ được UBND tỉnh chỉ đạo trong năm 2019 là năm cải cách hành chính và xây dựng Nghệ An thành trung tâm CNTT theo Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa đề nghị ngành Thông tin – Truyền thông cần có sự đột phá mạnh mẽ, trước mắt là cần tiên phong trong việc triển khai đề án ứng dụng CNTT của tỉnh.
“Khi CNTT được ứng dụng mạnh mẽ trong quản lý, điều hành, đặc biệt là thực hiện các dịch vụ công thì sẽ tạo sự minh bạch, công bằng, khách quan trong phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cơ quan Nhà nước; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan Nhà nước đối với nhiệm vụ chính trị của mình và đội ngũ cán bộ, công chức” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Hoa nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thống phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện ứng dụng CNTT để chuyển tải các văn bản, tài liệu; phấn đấu hết quý I/2019 sẽ xóa tài liệu giấy tại các cuộc họp UBND tỉnh và các cuộc họp trực tuyến các sở, ngành, cấp huyện.
Song song với đó, Sở cũng cần tiếp tục nâng cao công tác quản lý bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện; quản lý thông tin, báo chí, công tác quản lý truyền thông, in ấn và xuất bản…
Dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông tặng Giấy khen cho 5 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý Nhà nước, phát triển ngành Thông tin – Truyền thông năm 2018; 3 đơn vị được tặng Giấy khen có thành tích xuất sắc trong hoạt động truyền thanh – truyền hình năm 2018.