Mục tiêu thu ngân sách 15.000 tỷ đồng
Tại cuộc họp báo, thay mặt UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Độ đã thông báo tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với 3 lĩnh vực trọng tâm và 11 nhóm giải pháp quan trọng.
Đáng quan tâm là tốc độ tăng trưởng đề ra cả năm 2019 đạt thấp nhất là 9,5% và thu ngân sách đạt trên 15.000 tỷ đồng.
Tại buổi họp báo, đã có 13 đại biểu đại diện các cơ quan báo chí nêu lên 36 vấn đề đề nghị UBND tỉnh quan tâm giải quyết. Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Trần Duy Ngoãn cho rằng, qua theo dõi, mỗi tháng có khoảng 25 – 27 vấn đề được báo chí quan tâm phản ánh liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, tuy nhiên kết quả xử lý, trả lời của các cấp, các ngành, địa phương còn chậm.
Đây cũng là vấn đề được một số nhà báo quan tâm đề cập, đề nghị UBND tỉnh cần có một cơ chế rõ ràng, minh bạch trong việc xử lý và trả lời các vấn đề báo chí nêu, góp phần nâng cao chất lượng thông tin, tuyên truyền của báo chí.
Liên quan đến việc thực hiện Quyết định số 62/2013 của UBND tỉnh, một số ý kiến đề nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo các ban, ngành và địa phương chấn chỉnh lại việc bố trí người phát ngôn và người được ủy quyền phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí. Bởi thực tế cho thấy, tại nhiều cơ quan đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ cung cấp thông tin cho báo chí chỉ mang tính bình phong, hình thức, dẫn đến tình trạng từ chối trả lời hoặc không đáp ứng được yêu cầu mà các cơ quan báo chí đề nghị.
Liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, một số nhà báo băn khoăn về chỉ tiêu năm 2019 mà tỉnh đề ra. Đó là các chỉ tiêu liên quan đến tốc độ tăng trưởng, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh là quá thấp.
Nhiều nhà báo cũng đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp quyết liệt để giải quyết nhiều vấn đề “nóng” đang đặt ra, như các dự án “treo”; nạn “cò đất”; ma túy, buôn bán người ở các xã biên giới; bố trí việc làm cho đối tượng cử tuyển; xử lý tình trạng hưởng sai chế độ thương binh và chất độc da cam; xử lý vi phạm về xây dựng ở các dự án bất động sản; chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe; chăm lo Tết cho các hộ gia đình ở miền núi bị ảnh hưởng đợt lũ, lụt trong tháng 8/2018, đặc biệt là các hộ bị sập và trôi nhà, hiện chưa có nơi ở…
Cắt trợ cấp hơn 500 người giả mạo 'bị chất độc hóa học'
Trên cơ sở các vấn đề báo chí nêu, tại cuộc họp báo, lãnh đạo một số ngành Kế hoạch và Đầu tư; Lao động, Thương binh và Xã hội; Xây dựng; Thông tin và Truyền thông; Giao thông - Vận tải; Nội vụ; Công an tỉnh... đã giải trình cụ thể về các giải pháp mà ngành đã, đang và tiếp tục triển khai để xử lý trong thời gian tới.
Bà Hồ Thị Châu Loan - Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An về việc báo chí phản ánh một số người hưởng sai chế độ chất độc da cam, Sở LĐ-TB&XH đã giao các địa phương rà soát hồ sơ của hơn 16.000 người đang được hưởng chế độ chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, qua thống kê đã phát hiện 502 trường hợp hưởng sai chế độ chất độc hóa học. Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã đình chỉ trợ cấp hằng tháng những người này và báo cáo UBND tỉnh để có phương án xử lý, thu hồi.
Hồ sơ của những người này có dấu hiệu giả mạo như bị mắc bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc hóa học, không còn khả năng lao động hoặc suy giảm khả năng lao động, con đẻ của người tham gia kháng chiến bị dị dạng, dị tật không có khả năng lao động...
Ưu tiên bố trí việc làm cho những sinh viên cử tuyển đã tốt nghiệp
Về vấn đề học sinh dân tộc thiểu số được cử đi học nhưng thất nghiệp, ông Đậu Văn Thanh - giám đốc Sở Nội vụ thông tin, đến nay qua thống kê trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 274/884 sinh viên cử tuyển được bố trí việc làm.
Nguyên nhân là bởi trước đó do các địa phương ồ ạt cử học sinh dân tộc thiểu đi học nhiều hơn so với chỉ tiêu được giao mà không khảo sát nhu cầu thực tế. Có sinh viên cử đi học đại học kéo dài đến 6-7 năm.
Bên cạnh đó, thực hiện việc tinh giản biên chế, việc tiếp nhận, phân công công tác phải qua thi tuyển hoặc xét tuyển nhưng qua các đợt thi tuyển thì năng lực chuyên môn của cử nhân cử tuyển khó cạnh tranh với sinh viên tốt nghiệp chính quy. Trước tình hình trên, từ năm 2015 đến nay Nghệ An không còn chính sách cử học sinh vùng dân tộc thiểu số đi học cử tuyển, đồng thời có chính sách ưu tiên bố trí việc làm cho những sinh viên đã tốt nghiệp.
Tiếp thu ý kiến đề xuất, phản ánh của các cơ quan báo chí, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa phương rà soát để chọn người phát ngôn ở cơ quan, đơn vị mình đáp ứng yêu cầu, không né tránh báo chí, đồng thời cần chủ động cung cấp thông tin về quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội cũng như kịp thời xử lý các vấn đề báo chí với thái độ nghiêm túc, rõ ràng…