(Baonghean) - Sao giá dầu giảm mà giá xăng lại không giảm nhỉ? Một người khơi mào cuộc tranh luận về giá xăng dầu “nhảy múa” trong thời gian qua bằng một câu hỏi như vậy. Thế là cả đám người trong quán nước nhao vào phân tích, bình luận dưới mọi góc độ. Tựu trung, không ai giải thích được rành rẽ là tại sao bộ chủ quản tuyên bố giá xăng, dầu tăng giảm theo thế giới vậy mà bên ngoài người ta giảm từ mấy tuần nay rồi mà trong nước, giá xăng vẫn “án binh bất động”. Rõ là nói không đi đôi với làm hay là nói một đằng, làm một nẻo!
 
Người ta thắc mắc vậy là có cơ sở vì giá xăng dầu của ta hay tham chiếu từ giá xăng, dầu ở thị trường Singapore. Vậy mà, bên họ đã giảm bảy đến tám đô la Mỹ mỗi thùng dầu được mấy tuần nay rồi mà ta vẫn chưa chịu nhúc nhích. Thật ra là có nhích một chút vì chiều hôm 17/7 vừa rồi, ngành xăng dầu đã giảm hơn trăm đồng một lít dầu còn xăng thì vẫn chưa. Còn vì sao lại chưa thì những người có liên quan đưa ra nhiều lý do lắm. Có người, cụ thể là ở bên ngành Tài chính bảo là nếu giảm thì e là tiếp tay cho buôn lậu xăng dầu ra các nước chung quanh vì bên đó giá cao hơn chút ít. Ô hay, chống buôn lậu là trách nhiệm của bên Hải quan, Biên phòng không ngăn chặn được thì phải nghiêm trị sao lại vin vào cớ đó để mà không chịu giảm. Việc nào ra việc đó, không thể nhập nhằng, lẫn lộn thế được. Rồi có người lại bảo là không giảm để còn tăng tiền trích lập cho quỹ dự phòng. Nếu giảm thì lỡ từ nay đến cuối năm giá xăng dầu thế giới tăng cao thì lấy gì mà bù vào. Lo xa quá thể mà lại lo vớ, lo vẩn. Đã thống nhất quan điểm là tăng giảm theo thị trường quốc tế thì cứ thế mà làm và làm đúng như thế. Sao khi thế giới tăng thì ngành xăng dầu tăng ngay và tăng cao, còn khi thế giới giảm thì lại tìm đủ mọi cớ để trì hoãn. Tới khi không trì hoãn được nữa thì lại giảm nhỏ giọt. Rõ là chỉ biết thủ lợi cho mình một cách vô lối và không biết xấu hổ lại còn bày đặt đủ mọi lý do, lý trấu. Chưa hết, có người có chức hẳn hoi lại lý giải theo kiểu rất chi là thông thoáng, nhìn xa trông rộng là không giảm giá thì thuế nhà nước tăng lên mà tiền thuế thì cũng dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhân dân, suy ra thì tiền dân cũng là để phục vụ dân thôi. Nghe qua thì thấy rất có lý, nhưng ngẫm kỹ thì thấy miệng lưỡi thật là giảo hoạt. Giảo hoạt tới mức tinh vi. Phục vụ dân hay phục vụ ai chưa biết mà nhãn tiền là thấy trong lúc cuộc sống người dân tụt giảm, các doanh nghiệp khốn đốn vì xăng dầu lên cao khiến mọi thứ lên theo thì các bác xăng dầu lại “vớ bẫm” nhờ lãi khủng, lương thưởng cao ngất ngưởng. Mình ăn xôi thì cũng phải để người khác có tí cháo mà húp chứ, ai lại đi vét nốt.
 
Nghe mấy người phẫn nộ nói vậy, bà hàng nước mới thủng thẳng, bạc, quyền trong tay người ta nói sao mà chả được “miệng nhà sang có gang, có thép mà”! Có người sửa lại “Miệng nhà quan” chứ. Bà thủng thẳng giải thích, “miệng quan” đương nhiên là “có gang, có thép” rồi vì xã hội trao cho họ cái quyền như vậy. Còn nhà sang không có quyền đó, nhưng họ có nhiều tiền, rất nhiều nên mua được đủ thứ dẫn đến lời nói của họ cũng có uy lực không kém. Ngành xăng dầu của tiền như núi nên “nói có người nghe, đe có người sợ” mới mặc nhiên tăng giảm theo ý mình mà không ai làm gì được. Bà hàng nước phân tích thật có lý “Miệng nhà sang...” mà!
 
Người lắm chuyện