(Baonghean) - Xin được mở đầu bằng câu chuyện xảy ra cách đây vài tuần với gia đình chúng tôi.
Tại một sân bay nọ, làm thủ tục checkin xong, trong khi ngồi đợi giờ cất cánh thì cháu nhà tôi khóc vì đói ăn. Sợ chậm giờ, tôi vội vội vàng vàng đến quầy căng tin xin cốc nước sôi để pha sữa. Rất tiếc, mặc dù đã cố trình bày hoàn cảnh, rất khẩn khoản, thậm chí có phần năn nỉ nhưng cô bán hàng vẫn nhất quyết “không phục vụ” (lời của cô ấy). Biết điều, tôi ngỏ ý muốn mua một cốc nước sôi, nhưng câu trả lời mà khổ chủ nhận được vẫn là “Không có anh ơi, gần hết rồi, bọn em phải để dành pha cà phê cho khách”. Tình huống khá bất ngờ, sự lựa chọn duy nhất dành lại cho tôi là gọi một ly cà phê cùng lời đề nghị để nước sôi riêng. Tất nhiên cô nhân viên bán hàng hoàn toàn vui vẻ... “phục vụ”. Vậy là lần đầu tiên trong đời bé nhà tôi được uống một cốc sữa mà giá của phần nước sôi để pha nó lên đến 30 ngàn đồng!
Chuyện cốc sữa bị “đội giá thành” phần nào ám ảnh chúng tôi trong suốt hành trình. Không chỉ băn khoăn về một lối hành xử vô cảm của cô gái mới ngoài hai mươi tuổi mà là sự hiện hình của một điều gì đó còn lớn hơn. Chẳng nhẽ cơ chế thị trường nhuốm cho họ cái máu “tất cả vì tiền... tiêu” để quên đi, mất hẳn đi lòng nhân ái? Có lẽ không phải. Những nước mà kinh tế thị trường phát triển như Nhật Bản hình như không có chuyện này. Đành tự an ủi mình, ừ thì 30 ngàn đồng đối với một hành khách đi máy bay nào đâu có quá lớn. Ừ thì họ đã đứng vào đó cũng phải chịu nào là thuế má, nào là thuê mặt bằng, nào là trả nhân công cùng trăm thứ chi bà rằn khác cơ mà... thôi quên đi! Vâng, tôi đã cố quên cho đến khi nhìn thấy cái bảng giá cho một bát phở xấp xỉ 100 ngàn đồng được treo ngạo nghễ ở quầy dịch vụ ăn uống phòng chờ sân bay, cái nơi mà cách đó chỉ một vài bờ rào là có thể mua được tới 4 bát!
Như một nề nếp, sau khi “nhốt” hành khách thành công vào cái gọi là phòng chờ bằng rào cản an ninh thì hàng loạt thông báo trễ giờ chuyến bay lần lượt cất lên cùng một chất giọng đều đều quen thuộc. Ai đó từng mỉa mai gọi các hãng hàng không nhà mình là “Sorry airline” quả thật là “thấu tình đạt lý”! Có lẽ chỉ những người ngồi đợi máy bay ở đây mới đủ thời gian để mường tượng ra rằng, liệu việc “mời” hành khách đến sớm để đợi nhiều giờ trong cái phòng bán mỳ tôm cắt cổ kia có phải là một kiểu liên minh bắt chẹt không? Câu trả lời này xin để lại cho những người trong cuộc. Chỉ biết, cách đây vài ngày, thậm chí Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải đưa chuyện giá mỳ tôm ở sân bay vào tận nghị trường. Không biết có bao nhiêu quốc gia trên thế giới này Quốc hội thảo luận cả chuyện sát bàn ăn như thế? Mà quan tâm cũng đúng thôi “Quốc hội là của dân” mà! Chẳng nhẽ cứ để cho dân mãi phải lâm vào cảnh dở khóc dở mếu như thế.
Một tờ báo mạng đã phản ánh khá đầy đủ qua một bài viết thế này “Bát phở vài miếng thịt bò thái mỏng kèm một chai Coca cola giá trên 115.000 đồng; Tô mỳ Ý bò băm giá 160.000 đồng; Lon bia Heineken giá hơn 106.000 đồng... Đó là những mặt hàng ăn uống “móc hầu bao” thượng đế điển hình tại các quầy dịch vụ ở khu vực cách ly thuộc Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất”.
Đắt thì khỏi phải bàn rồi, quá đắt, đắt không thể tưởng tượng nổi, cũng không chịu đựng nổi. Vấn đề là tại sao lại đắt ghê thế? Theo lý giải vòng vo của mấy “nhà thầu” là vì giá trong này nó không thể như ở ngoài! Tại sao lại không thể như ở ngoài? Xin đừng úp mở nữa, nói toạc ra là: không như ở ngoài vì là khách hàng không có quyền lựa chọn như ở ngoài. Đắt vậy chứ đắt thêm vài lần nữa cũng phải ăn! Thế thôi! Còn phân bua theo kiểu giá thuê mặt bằng cao ư? Xin lỗi, ai đặt ra giá thuê mặt bằng??? Không có mấy cái nhà ăn kia thì máy lạnh trong ấy không chạy chắc? Nói luôn là, muốn ăn phở 30 ngàn ở phòng có máy lạnh ngoài phố... đầy! Vậy cái gì làm nên sự chặt chém về giá như vậy? Không phải bắt chẹt thì là gì nhỉ? Không ai đòi trong sân bay phải bán như vỉa hè, nhưng nó cũng vừa vừa thôi, đừng móc túi người khác một cách thô bạo và phản cảm như thế. Quốc hội đã để ý, nghe đâu chủ trương giảm giá ngay tức khắc cũng đã “ngấm” xuống tận “phòng chờ”. Giá hình như đã giảm một chút, một chút cũng quý nhưng liệu rồi cái “chút” ấy sẽ có tuổi thọ bao lâu? Người dân thật lòng cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến cả những chuyện nhỏ nhặt dân sinh, tránh khỏi sự lo lắng về một kết cục “đá ném ao bèo”. Thật khó để chấm dứt cái kiểu điều hành “mỳ tôm” thế này nếu vẫn để thiếu một cơ chế kiểm soát căn cơ.
Mất tiền oan thì ai cũng sợ. Nhưng sợ nhất lại không chỉ là chuyện mất tiền! Mà cái sợ mơ hồ nhưng lớn hơn, đó là “đầu mối” để hình thành một thói quen, một nếp suy nghĩ, một lối ứng xử có thể ảnh hưởng ra xã hội - bắt chẹt người khác! Nghe nói năm 2013 cũng đã một lần bị dư luận ép căng quá, các công ty kinh doanh trong sân bay đã thống nhất giảm giá mỗi bát phở... 5.000 đồng! Nghe mà buồn cười! Sao lạ thế nhỉ? Hay ở sân bay mọi thứ đều có thể bay lên trời?
Nguyễn Khắc An