(Baonghean) - Với một phóng viên, niềm hạnh phúc lớn nhất là ở những chuyến đi, những cuộc hành trình đầy ắp thông tin và gặp gỡ những người bạn mới. Mỗi chuyến đi mang lại một sự trải nghiệm, một cái nhìn mới để vốn sống, tay nghề được dày thêm...
 
images1079620_img_1.jpgTác nghiệp giữa lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ.
 
Từ khi bước chân về Báo Nghệ An, tôi luôn được phân công địa bàn các huyện miền núi - vùng cao. Lúc đầu, không tránh khỏi sự ngần ngại, bởi đường sá xa xôi, trắc trở, chưa quen với phong tục tập quán, rồi nghĩ đến cảnh rừng thiêng nước độc... Cảm giác ấy qua ngay trong chuyến đi đầu tiên, khi một mình xách ba lô vượt 200 km lên đất Tương Dương, đến bản Chắn (Thạch Giám) để tìm hiểu về bản sắc văn hóa dân tộc Thái. Chuyến đi ấy đã đem lại cho tôi sự thích thú bởi cảnh non nước hùng vĩ, bản làng yên vui, con người thân thiện và cởi mở. Sản phẩm là bài viết về vợ chồng nghệ nhân Vi Đình Công, người được xem là đang lưu giữ “kho báu” văn hóa Thái. Ông là người chế tác và sử dụng nhạc cụ khèn bè nổi tiếng khắp vùng, khó có ai bì kịp. Sau này, gặp thêm đôi ba lần… Giờ đây, ông đã về với cõi “mường Trời” được mấy năm nhưng với tôi, ấn tượng về lần gặp đầu tiên vẫn luôn vẹn nguyên, tươi mới.
 
Có lẽ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy...” đã trở thành động lực, giúp tôi có được niềm hứng thú và cả sự bền bỉ trong mỗi cuộc hành trình tác nghiệp ở miền Tây. Giờ đây, tôi không thể nhớ nổi mình đã có bao nhiêu chuyến đi, vượt qua bao nhiêu đèo suối, đến được bao nhiêu bản làng. Vùng cao với tôi giờ là quê hương, là “chốn đi về”. Nếu công việc quá bận rộn, lâu ngày chưa sắp xếp lên được, lòng chợt thấy bồi hồi, nhớ một cái gì đó thật khó định hình mà làm ta bứt rứt. Rồi ngay tối hôm ấy, hoặc sáng ngày mai sẽ nhận được cuộc gọi với lời lẽ đầy “hờn dỗi”, nghe xong lại thấy xốn xang: “Nhà báo lâu ngày không thấy lên thăm bản? Chắc là họ quên bản ta mất rồi?”. 
 
Thông thường, điều ái ngại nhất mỗi khi tác nghiệp ở miền núi là nơi ăn chốn nghỉ. Vì lẽ đã đi miền núi là phải đi dài ngày, giao thông cách trở, mọi cái đều thiếu thốn, liên hệ với địa phương quá nhiều lần cũng không tránh khỏi nỗi phiền hà. Kinh nghiệm của bản thân là hiểu rõ phong tục tập quán của bà con các dân tộc để có được cách ứng xử phù hợp, tạo dựng lòng tin và sự cảm thông, chia sẻ. Điều đó sẽ giúp mình có được chiếc giường cùng chăn ấm nệm êm sau một ngày rong ruổi tác nghiệp. Mộc mạc và rất đỗi chân tình, cởi mở, đó gần như trở thành phẩm chất lâu đời của bà con vùng cao. Giờ đây, trong những chuyến công tác ở miền Tây, tôi luôn yên tâm, vì được nhiều gia đình xem “như là con cháu trong nhà”. Nhân đây, người viết muốn được kể về một số gia đình, như là một sự bày tỏ niềm tri ân đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho mình hoàn thành nhiệm vụ… 
 
Trước tiên là gia đình ông Vang Văn Phùng ở bản Phòng (Thạch Giám - Tương Dương). Ông có ngôi nhà sàn theo kiểu kiến trúc cổ của đồng bào Thái, cách bài trí đồ đạc trong nhà vẫn theo lối truyền thống. Ở góc phải kê sẵn một chiếc giường để mỗi khi khách xa đến thăm có chỗ nghỉ ngơi. Và từ mấy năm nay, chiếc giường ấy với tôi đã trở nên thân thuộc. Ông Phùng là người đam mê các hoạt động văn hóa - văn nghệ, hầu hết các chương trình giao lưu đều có sự gặp mặt của ông với vai trò là người dàn dựng hoặc diễn viên. Như một cái “duyên”, qua nhiều lần gặp gỡ, ông mời tôi về nghỉ tại nhà. Lâu rồi thành quen, mỗi khi lên Tương Dương hoặc đi qua về lại bị lỡ đường, tôi đều vào nhà ông để nghỉ. Vì đơn giản, ở đây tôi có cảm giác thật ấm cúng, vui vẻ và không kém phần thoải mái như ở nhà mình. Các thành viên khác cũng niềm nở xem tôi như người trong nhà. Khi tôi không có xe máy để đi tác nghiệp, mọi người liền bàn bạc, sắp xếp công việc để cho mượn xe. Ông Vang Văn Phùng cũng rất thích đọc báo, không mấy khi bước chân ra khỏi huyện, nhưng có thể nói chuyện về báo chí hàng tiếng đồng hồ. Những bài tôi viết, ông đều đọc và mỗi khi có dịp thì trao đổi, góp ý và gợi mở một số ý tưởng, đề tài. Chuyện trò với ông, nhiều lần giúp tôi có được những bài viết tốt, nhất là mảng đề tài bảo tồn bản sắc văn hóa. Đó cũng là một lý do tôi tìm đến bản Phòng, tìm đến nhà ông để có thêm một người bạn đồng hành, sẵn sàng chia sẻ những nỗi niềm trên hành trình tác nghiệp. 
 
Vào địa bàn các xã Yên Na, Yên Hòa, Nga My và Xiêng My (Tương Dương), tôi thường nghỉ chân tại nhà ông Vi Khăm Mun, bản Xiềng Líp (Yên Hòa). Ông Mun là một trí thức người Thái, những công trình sưu tầm, biên soạn về văn hóa dân gian của ông thường đạt giải thưởng cao. Cũng như ông Vang Văn Phùng, ông Mun hết sức chân thành, cởi mở và dành riêng một chiếc giường đặt ở góc nhà cho khách. Một lần, tôi cùng một đồng nghiệp nữ nghỉ tại nhà ông một đêm. Tôi nằm trên chiếc ghế băng đặt giữa sàn nhà, còn nữ đồng nghiệp nghỉ ở chiếc giường đặt ở góc nhà, phía trên có bàn thờ. Trong quan niệm của người Thái, gian này phụ nữ thường rất ít được ra vào, chưa nói đến nằm ngủ, kể cả những phụ nữ trong gia đình. Biết rõ điều này, hôm sau nữ đồng nghiệp hỏi chủ nhà, ông Mun đáp lời: “Gia đình ta xem con là con cháu trong nhà nên không còn kiêng kị điều đó nữa”. Ông Vi Khăm Mun cũng có thể ngồi suốt buổi để nói chuyện về báo chí, bình luận bài nào hay, bài nào dở và gợi ý những đề tài hay. Cùng với ông Phùng và ông Mun, tôi muốn được nhắc tới nhiều người khác, là anh Lương Văn Nghiêm (Môn Sơn - Con Cuông), anh Lang Thanh Nhàn (Quang Phong - Quế Phong), anh Xồng Bá Cha (Tri Lễ - Quế Phong), anh Moong Thái Hoàng (Tà Cạ - Kỳ Sơn)... Những chuyến đi tôi có thêm những người bạn và người anh em kết nghĩa, có thêm những “địa chỉ” để tìm đến. 
 
Mỗi lần đi trên những cung đường cheo leo ở miền Tây, tôi cảm nhận được một cách cụ thể những gian nan, vất vả của những bản làng nơi rừng sâu, vách núi. Có thể kể đến Huồi Mới 1, Huồi Mới 2 thuộc xã Tri Lễ (Quế Phong), nơi có những đứa trẻ áo quần mỏng manh, đứng co ro trong giá rét. Nơi ấy, hầu hết các gia đình đều thiếu đói, kiếm đủ cái ăn hàng ngày là cả một nỗi lo toan. Cái khó nhất của Huồi Mới chính là con đường, từ bản Đôn lên đây chủ yếu là lối mòn chạy dọc sườn núi, việc đi lại trong mùa mưa hết sức vất vả, gian nan. Tôi đã từng bị ngã xe trong một lần đi vào Huồi Mới. Lần đó, Chi đoàn UBND huyện Quế Phong vào tặng áo ấm cho các em học sinh nghèo. Đoàn có khoảng 30 người, mỗi người đi một xe máy và chở 1 bì đựng áo ấm buộc phía sau. Riêng tôi, cũng được bố trí đi 1 xe và không phải chở đồ để tiện cho việc tác nghiệp. Qua bản Đôn, đường vừa dốc, vừa cua, lại vừa hẹp, tôi chủ động vượt lên trước để ghi lại hình ảnh đoàn xe leo núi. Đến con dốc rất cao, lại cua tay áo, tôi về số 1 và kéo ga.
 
Nửa chừng, bỗng dưng chiếc xe chồm lên và hất tôi ngã về phía sau. Cú ngã làm tôi đau điếng, lúc đầu không tài nào dậy nổi, đinh ninh đã bị chấn thương sống lưng. Những người trong đoàn đều dừng xe và đỡ tôi ngồi dậy, rồi đỡ đứng lên, lúc này mới thở phào vì chắc chắn đã không bị tổn thương đốt sống. Dù rất đau, tôi quyết định vẫn tiếp tục hành trình vào Huồi Mới 1. Không thể đi được xe máy nữa, đoàn phân công Xồng Bá Cha - cán bộ mặt trận xã làm “xế”, vì anh là người bản địa, thông thuộc đường. Cú ngã ấy đã làm tôi đau hơn  tháng, giờ nghĩ lại, vẫn thấy nổi “da gà”... Rồi những lần vào bản Lữ Thành - xã Tây Sơn, Huồi Pốc - xã Nậm Cắn, Huồi Hốc- xã Bảo Nam (Kỳ Sơn) hay bản Xàn - xã Hữu Khuông, Xói Voi, Thặm Thẩm - xã Nhôn Mai (Tương Dương)..., tôi đều có thêm trải nghiệm về nỗi gian lao, vất vả và nỗ lực của đồng bào vùng cao. 
 
Với miền Tây, không chỉ có vất vả và đói nghèo, những chuyến đi đã cho tôi thấy được tiềm năng dồi dào về các loại tài nguyên cũng như vẻ đẹp của núi rừng, làng bản và niềm vui của bà con các dân tộc. Ai đã từng rảo bước giữa rừng cao su bạt ngàn ở đất Phủ Qùy; ngược sông Giăng vào vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, ngắm thác Khe Kèm như dải lụa trắng vắt giữa đại ngàn; ngắm rừng săng lẻ nguyên sinh, du thuyền giữa lòng hồ Bản Vẽ; rồi ngược lên khám phá thác ghềnh của dòng Nậm Nơn, lên “cổng trời” Mường Lống xem mây vờn gió thổi sẽ thấy được vẻ đẹp kỳ vĩ của núi rừng.
 
Những ai từng bước chân giữa cánh đồng Tri Lễ (Quế Phong) vào mùa lúa chín vàng hay qua những rẫy khoai sọ bời bời ở rẻo cao Kỳ Sơn sẽ được thấy niềm vui của người nông dân vùng cao sau bao tháng ngày vất vả. Tôi đã được chứng kiến nụ cười của đồng bào Mông ở Huồi Tụ, Na Ngoi, Nậm Càn và Nậm Cắn (Kỳ Sơn) trong mùa thu hoạch chè Tuyết Shan, khi những bụi hoa ly hé nụ. Tôi cũng được hòa mình trong không gian lễ hội Hang Bua, đền Chín Gian, Cửa Rào và Pu Nhạ Thầu... để thâu nhận những nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh, lắng nghe những ước mong thầm kín.
 
Những cung đường miền Tây với tôi luôn là kỷ niệm, những bản làng là chốn đi về, mỗi người quen biết là một bạn đồng hành. Mỗi cuộc hành trình đem lại cho tôi niềm vui, nỗi trăn trở, và có khi là thử thách phải vượt qua bằng nội lực chính mình. Tất cả, có thể gói gọn lại là sự trải nghiệm với đất và người miền Tây quê mình!
 
 
Công Kiên