(Baonghean) - Mới tháng Bảy ta nhưng đã có nỗi nhớ đêm tháng Tám trăng chảy đồng quê. Ấy là lúc trai gái làng đang mải mê đồng ruộng lúa thì con gái để nôn nao chờ mùa gặt hái quang quẻ đồng tháng Tám, thư thái nghỉ ngơi dồn sức cho thời vụ thứ 3. Tháng Tám, vẫn “đồng chiều cuống rạ” vi vút trời quê, no gió cánh diều. Nhưng những đêm trăng tràn ấy nồng nàn điệu hò gái trai bên giếng nước mát lành đầu cổng làng...

images1024580_7a.jpgMinh họa: Nam phong
Làng quê trung du, đồng bằng xứ Nghệ dù ở đâu cũng đều lo mùa mưa lũ lụt, nên nhóm lại quần cư trên những mái đồi lô xô bát úp, hay những mảnh đất cao me mé cạnh những cánh đồng. Làng mặc định nên bao nề nếp, tập tục, phong vị bên mỗi lũy tre xanh. Làng tiếp làng như thế qua cái gạch nối không gian cánh đồng quê để có cái mêng mang thao thiết điệu hò đối trai gái làng. Nếu không có cánh đồng, làm sao có không gian hò đối dân dã thế? Nếu không có đồng tháng Tám vãn mùa gặt, sao có đêm “mê trăng” vời vợi khát khao thanh tân cho nồng nàn câu hò quyện mùi “toóc rã, rơm khô”?. Vui hội hò đối đêm trăng để quên đi những vất vả ruộng đồng, để thi thố tài ứng đối và nhắc nhở nhau giữ nếp thuần hậu thôn quê. Rồi mê nhau điệu hò, say nhau lời đối, bao nam thanh, nữ tú kết đôi cho đời sống làng mạc sinh sôi. 
 
Bao thế hệ người làng quê xứ Nghệ đi qua những lam lũ nắng mưa ruộng hạn, bùn ngẫu là một phần nương theo những câu hò nơi thôn dã ngày vãn mùa tháng Tám ấy. Không lên tầm ví dặm, ít câu chữ cầu kỳ, hò đối đêm trăng đồng tháng Tám thoát thai từ nét sinh hoạt tinh thần trong lao động sản xuất vừa là tâm sự, vừa là thử thách tấm lòng của người quê. Xóm Đông, xóm Tây vừa qua mùa gặt, trai làng, gái làng nhóm rủ nhau đi hò. Gái làng trên hò với trai làng dưới...; cứ thế lại gái làng này hò với trai làng khác, giọng quê, lời quê chảy mãi tâm tình quên đêm đã sang canh, quên trăng kia đã tà. Lời đối đáp có ví, có dặm, có lối, có vè, có tục mà thanh; lúc da diết gửi gắm, hẹn hò, lúc hối thúc “con gà tức nhau tiếng gáy”; đối đáp được thua thì cũng đều đọng lại trong một chữ “tình” quê rộng lớn thôi. Tàn cuộc hò người về say giấc ngủ cho công việc đồng áng ngày mai, vẫn man mác điệu hò lưu luyến trên cánh đồng quê tháng Tám sóng sánh ánh trăng. 
 
Bây giờ đây đó đồng tháng Tám qua vụ giống lúa ngắn ngày sớm “toóc rạ” mục oải, cánh đồng cày vỡ vẫn khập khiễng bước chân chạy diều của lũ mục đồng. Đêm trăng thanh nhòa quanh muôn vầng sáng ánh điện làng quê, âm thanh nhạc mới vỡ nát hoài niệm trong những quán cà phê, quán nhậu. Gái trai tóc đỏ, môi trầm ôm nhau rồ ga xe máy chạy dạt đường thôn vù lên phố huyện đèn xanh, đèn đỏ thâu đêm. Đồng tháng Tám như chợt cô đơn, khiến câu hò lời đối chỉ còn ẩn ức nhạt nhòa trong những câu chuyện bên ấm chè xanh của các bà, các mẹ hay các anh, các chị đã luống tuổi đời. Nhưng chỉ cần có thế, vẫn mừng vì điệu hò cánh đồng đâu đó còn vương vít với trăng quê, với gió Lào à ơi ru lũy tre xanh!
 
Và chỉ cần còn lại thế thôi, thì quê hương thôn dã vẫn có quyền mơ cánh đồng tháng Tám mênh mang câu hò dưới vằng vặc trăng thanh. Một lứa bên trời của thế hệ trai gái làng vài thập kỷ trước, đứa ở lại một nắng hai sương ruộng quen, làng cũ; đứa bước hải hồ biền biệt mưu sinh xứ lạ, đứa đã lên ông, lên bà lo chuyện mai sau chẳng còn phải của mình... Ấy nhưng ngày đợi mùa tháng Tám gặp lại, ánh mắt ấy, nụ cười ấy và câu chuyện nhắc nhớ thuở hoa niên vẫn da diết những đêm trăng quê theo chị, theo anh đi say điệu hò đối cánh đồng tháng Tám. Chân mạc một nét sinh hoạt văn hóa đồng quê ấy, hóa lớn lao trong tâm tưởng, hóa niềm mơ mộng nhớ nhung cho gần lại yêu thương bõ những cách xa...
 
...Một ngày đứa con đi xa vốn nhãng tình nghĩa quê vì mưu sinh thời cuộc, về với xóm nhỏ đêm trăng, ngả lưng chõng tre đón ngọn gió ướp sương đêm mát dịu hương quê. Chợt quyện trong vi vu sáo diều giữa không trung vọng xuống, vang lên điệu “ơ...hò...” của thanh nữ làng bên...
 
Đình Sâm