(Baonghean) -“Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà, giàn thiên lý đã xa đã rời xa…”, giai điệu nhẹ nhàng, êm ái vang lên từ góc quán nhỏ khiến tôi nhớ đến hình ảnh về một ngày chưa xa, ngày mà gia đình tôi còn ở trong ngôi nhà cũ, ngôi nhà ngói ba gian được bao bọc bởi bóng mát của vô số loại cây. Phía sau nhà là cái giếng mà tôi không biết có từ bao giờ, chỉ biết, khi tôi lớn lên, cái giếng này đã cũ kỹ lắm rồi, thành giếng có chỗ đã mòn hẳn xuống, khiến cha tôi phải lấy xi măng đắp cho cao lên. Và phía trên, cha làm một cái giàn, khác với giàn mướp ngoài sân hay giàn bí xanh ngoài vườn được làm từ tre nứa, cái giàn này được làm bằng sợi thép gai đan thưa nhưng chắc chắn. Cha tôi nói, “làm cái giàn này cho chắc chắn, vả lại, cây thiên lý sống quanh năm chứ không như mướp và bí”.
 
Vậy là trên cái giếng đó luôn luôn có những dải thiên lý xanh rì trải từ năm này qua năm khác.
 
Tôi vẫn nhớ những sớm mùa hè, nắng xiên qua giàn thiên lý thành những đốm hoa nắng li ti, nhảy múa trong chiếc chậu gang to dùng để giặt quần áo. Ngày đó, tôi nhìn theo đám hoa nắng soi xuống sân giếng hay xuống mặt nước đầy trong chậu mà không hề nghĩ rằng, sẽ có ngày mình vương vấn thứ hoa này đến vậy. 
 
Cây thiên lý dễ sống lắm, chỉ cần một cành nhỏ cắt ra từ thân cây, cắm xuống chỗ đất ẩm ướt, thường là những khe nước chảy bên cạnh giếng, ít ngày sau đã nhú mầm xanh nơi chét lá cũ rồi. Dễ sống, dễ chăm, nên thiên lý cũng dễ ra hoa. Thiên lý chỉ cần tưới nước mà không cần phải phân bón hay xới đất gì cả, chỉ vài tháng sau, từ nhành cây nhỏ xíu mới mang về, thân cây thiên lý đã vươn lên tận giàn rồi, vừa lên vừa ra hoa chứ thiên lý không đợi đến lúc cành lá xum xuê, tươi tốt mới ra hoa như các loài cây khác. 
 
Lúc này, thân cây đã cuộn tròn quấn vào những sợi dây thép gai, những ngọn non mơn mởn vươn ra ngoài để đón tia nắng mặt trời, những lá non hình trái tim he hé mở như chính lứa tuổi thần tiên của tôi ngày đó. Chỉ mới là những sợi mảnh mai vừa vươn lên từ bùn đất vậy thôi, nhưng thiên lý đã đơm hoa rồi, những chùm hoa vàng ươm như những chùm đèn lồng tuyệt đẹp xen lẫn với những búp non múp míp khiến một đứa trẻ như tôi nhiều lúc thắc mắc, tự hỏi “sao lá hình trái tim mà hoa lại hình ngôi sao?”. 
 
Mang danh là hoa, nhưng thiên lý không bao giờ được nâng niu cắt tỉa để trang trí cho những phòng khách sang trọng, đơn giản bởi vì hoa thiên lý là một loài hoa có thể chế biến được nhiều món ăn ngon.
 
Những ngày xa xưa ấy, tôi vẫn thường hái những chùm hoa thiên lý vàng ươm, thả vào chiếc rổ tre nho nhỏ, rồi đưa vào cho mẹ nấu canh. Món canh mà cả gia đình tôi thích nhất là canh hoa thiên lý nấu với cua đồng. Vị béo của riêu cua cộng với vị ngọt bùi và xen lẫn mùi thơm dịu nhẹ của hoa thiên lý, ăn một lần rồi nhỡ mãi. Những lúc bận rộn, không có thời gian giã cua, mẹ lại nấu canh thiên lý với tép khô. Hay những hôm nhà có khách quý, mẹ mua vài lạng thịt bò về xào với hoa thiên lý để đãi khách, và đĩa thịt bò xào hoa thiên lý trở thành món ăn sang trọng nhất trong mâm cơm hôm đó. Dù bất kể được nấu với thức gì đi nữa thì mùi thơm dịu nhẹ và vị ngọt bùi của hoa thiên lý vẫn không hề bị lẫn lộn. Hồi đó, bà nội tôi đã già yếu, bệnh mất ngủ của bà nhiều phen khiến cả nhà lo lắng, mẹ tôi hái một nắm hoa thiên lý và dăm chiếc lá dâu nấu nước cho bà uống, chỉ ít ngày sau, bà ăn và ngủ bình thường. Vì những lý do đó, mẹ tôi quý giàn thiên lý lắm, mẹ dặn các chị em chúng tôi mỗi khi vo gạo thì đổ nước vào gốc cây, đừng tưới những loại nước bẩn khác. Bởi vậy, giàn thiên lý nơi sân giếng nhà tôi luôn xanh tốt và ra hoa quanh năm. Cũng nhờ vậy, bữa cơm của gia đình tôi luôn có sự “hiện diện” của hoa thiên lý.
 
Giờ đây, những lúc đi chợ, nhìn rổ hoa thiên lý còn ướt đẫm sương đêm, nằm khiêm nhường bên những thức rau quê khác, tôi lại thèm một bát canh cua đồng nấu với hoa thiên lý của mẹ vô cùng,...
 
Nghe bài hát ngoại quốc trong góc quán nhỏ, tôi lại liên tưởng đến câu ca dao mà ngày xưa mẹ tôi vẫn hay ngâm:
 
“Tóc em dài, em cài hoa thiên lý
Miệng em cười, anh để ý anh thương”…
 
Phương Ngọc