(Baonghean.vn) - Không đủ sức để giữ đứa con tâm thần thường xuyên bỏ đi và nỗi lo sợ con gây họa nên bà Cao Thị Tám ở xóm 12 xã Thanh Tiên (Thanh Chương) phải nhờ người mua và xích con trai vào cột. Yên tâm vì con luôn luôn ở trong nhà, nhưng nỗi đau đớn mỗi ngày khi tiếng kêu loảng xoảng và cảnh con trai loay hoay bên sợi xích như cứa vào lòng bà.
Sinh năm 1933, năm nay bà Tám đã 84 tuổi. Ở lứa tuổi “xưa nay hiếm”, nên lưng đã còng, sức đã cạn kiệt, lẽ ra bà phải được an dưỡng tuổi già, được con cháu chăm sóc… Thế nhưng, mỗi ngày bà vẫn phải túc trực để chăm sóc, thay rửa và nấu nướng phục vụ con trai bị bệnh.
Con trai bà, anh Nguyễn Văn Tải (SN 1977) đã từng là một học sinh thông minh, học giỏi, nhưng đến lớp 9 thì cũng như các anh, chị đều lần lượt bỏ học để theo cha, mẹ ra đồng cày cấy kiếm cơm ăn.
Năm 1988, tự nhiên, Tải bỏ nhà đi mấy ngày liền không về, biểu hiện ngày càng rõ không được như người bình thường. Gia đình đưa anh đi khám được kết luận bị tâm thần. Từ đó, lâu lâu anh Tải phải nhập Bệnh viện Tâm thần để điều trị, mỗi lần ít nhất cũng phải trên một tháng mới tạm ổn để về nhà.
Năm 2009, bệnh của Tải tái phát nặng thêm, điều trị và uống thuốc ở bệnh viện cũng không đỡ, đến giữa năm anh trốn khỏi bệnh viện đi lang thang hết Đô Lương, Thanh Chương, Yên Thành... Gia đình huy động anh em họ hàng, nghe thông tin ở đâu nghi ngờ có anh là đến tìm. Cứ vậy, gần một tháng trời mới tìm và đưa được Tải về nhà, nhưng, trong nhà có gì không vừa mắt là anh đập hỏng hết, từ quạt, giường, tủ, nồi, bát…
Chưa hoàn hồn vì cảnh tan hoang trong nhà thì Tải lại suýt gây họa với một cô gái trong xóm. Lo ngại chuyện lớn xảy ra nên anh em, họ hàng bàn với ông bà Tám mua xích về xích lại. Ông Tám cũng buồn phiền lâm bệnh, ốm đau gần 3 năm trời thì mất, để lại cho bà Tám ngôi nhà trống, một gánh nợ và đứa con tâm thần.
4 đứa con có gia đình ở riêng, trong căn nhà nhỏ còn lại mình bà với đứa con bệnh tật, khi còn sức khỏe bà còn làm ruộng, đi chợ kiếm thêm chút thức ăn tươi. Nay sức khỏe yếu, hai mẹ con bà có một sào ruộng phải nhờ đến các con xúm tay làm giúp để mỗi tháng có gạo ăn.
Trong nhà từ đầu đến cuối trống trơn không có chút tài sản, có người thợ mộc ở xã thương bà nằm chiếu nên đóng cho chiếc giường rộng 1,5 m, nhưng Tải cũng không nằm giường. Bà tháo xích dắt lại giường Tải cũng xuống chiếu nằm, mùa đông giá buốt cũng chỉ manh áo với chiếu, có chăn đắp khi bệnh Tải cũng xé…
Mỗi tháng hai mẹ con được Nhà nước hỗ trợ 810 ngàn đồng, mọi chi phí đều phải gói gọn trong số tiền đó. Thuốc bệnh có mua về, Tải cũng vứt đi không uống, nhưng trời mưa lạnh thì phải có thuốc lá để hút, nếu không thì kêu gào đến hàng xóm cũng phải đứng ngồi không yên. Thức ăn chủ yếu là rau trong vườn để nấu canh. Thi thoảng bà gửi các con mua giúp ít lạng thịt cho có để bồi dưỡng cho con.
Bà Tám tuổi đã cao, lưng còng gập xuống, người gầy yếu vì thiếu ăn và kiệt sức vì phải gồng mình để phục vụ con, nhưng không có đêm nào được ngủ yên giấc. Vừa đặt lưng, chưa kịp ngủ thì bị tiếng kêu của con lại thức giấc, khi thì đòi thuốc hút, khi đòi ăn cơm, có khi xích xoắn lại không quay trở được cũng gào thét. Khổ nhất là vì phải xích nên mọi vệ sinh cá nhân đều ở tại chỗ, có khi bà phải lau dọn cả ngày, chưa kịp ngồi nghỉ lại phải quay ra lau dọn.
Nhưng nỗi khổ đau nhất của bà là mỗi lần anh Tải xê dịch, hay vùng vẫy kêu cứu muốn thoát gông cùm thì tiếng xích sắt kêu loảng xoảng. Bà đau đớn như chính mình bị xiềng xích, cũng không thể làm gì khác bà lại ngồi bên chuyện trò và khóc cùng con…
Nói rồi bà lại khóc nghẹn, tâm tư: bây giờ mình còn có thể phục vụ con, nhưng một mai khuất núi không biết con mình sẽ sống ra sao. Các con đều có gia đình riêng không ở gần, thương xót thì may nấu cho miếng cơm ăn, ban đêm, mưa gió ai cận kề bên vỗ về, an ủi…
Ông Nguyễn Trọng Bảy - Chủ tịch UBND xã Thanh Tiên cho biết: hoàn cảnh của bà Tám trong xã ai cũng biết, đều xót thương nhưng cũng chỉ chia sẻ mỗi khi có chế độ ngày lễ, tết. Gia đình và chính quyền đều mong muốn bà được hỗ trợ thêm để bớt gánh nặng lo toan… Mọi sự giúp đỡ xin gửi về cho bà Cao Thị Tám ở xóm 12, xã Thanh Tiên (Thanh Chương)./.
Hà Linh