(Baonghean) - Để chống trả cuộc leo thang ném bom đánh phá của đế quốc Mỹ bảo vệ quê hương xóm làng, đầu năm 1965, trung đội dân quân bắn tàu bay Mỹ xã Nghi tân, huyện nghi lộc được thành lập, chiến đấu cho đến năm 1975. Trung đội đã lập được nhiều chiến công, bắn rơi 3 máy bay mỹ, được bác hồ tặng cờ. góp phần vào thành tích của trung đội dân quân có chàng trai nguyễn thanh trinh - người được mệnh danh là có “đôi mắt thần”.
Cờ thưởng thành tích bắn rơi máy bay của Bác Hồ tặng dân quân Nghi Tân (TX. Cửa Lò). Về Nghi Tân những ngày này như có “lửa”. Lửa từ những cựu dân quân ngày xưa vẫn tràn đầy nhiệt huyết của thời đánh Mỹ, bức xúc trước hành động Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. May mắn cho tôi được gặp lão dân quân ngày xưa đã trực tiếp bắn rơi máy bay Mỹ, năm nay đã 75 tuổi để nghe lại không khí hào hùng của một thời đánh Mỹ…
Ngày 5/8/1964, Mỹ leo thang đem bom ra đánh phá miền Bắc. Các cửa sông, cửa lạch trở thành mục tiêu đánh phá của máy bay Mỹ. Xã Nghi Tân, huyện Nghi Lộc trước đây (nay là phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò) đã trở thành một trọng điểm đánh phá bởi nơi đây có cửa sông Cấm là điểm tiếp nhận lương thực, thực phẩm, súng đạn từ trong nước, quốc tế theo đường biển vào chi viện cho chiến trường. Đầu năm 1965, Trung đội dân quân của Nghi Tân được thành lập, chàng thanh niên Nguyễn Thanh Trinh là người được lựa chọn đầu tiên, bởi Trinh có nhiệt tài nhìn xa để phát hiện mục tiêu. Mọi người thường gọi anh là người có “đôi mắt thần” và “đôi mắt thần” này đã góp phần cùng với trung đội dân quân bắn rơi 3 máy bay, phối hợp với dân quân địa phương khai thác bắn rơi 1 chiếc khác. Trong căn nhà cấp 4 tựa vào dãy Lô Sơn, tôi cùng ông Trinh lần về miền ký ức.
Tác giả với lão dân quân Nguyễn Thanh Trinh.
Đầu năm 1965, trung đội dân quân thành lập, có sự hỗ trợ của huyện đội các chiến sỹ hăng say luyện tập, từ các thao tác tháo lắp súng, lấy đường bắn, chỉnh phương hướng, bắt mục tiêu, các kỹ thuật cơ bản của một xạ thủ súng máy đến nhận biết các loại máy bay của địch, tốc độ bay, ngắm đón để bắn. Cách tính khoảng cách bằng ước lượng thân máy bay để xác định thời điểm nổ súng… Sau một thời gian hăng say tập luyện, trung đội được trang bị 1 đại liên, 2 trung liên, 3 súng trường về sau được bổ sung thêm súng 12,7 ly. Một vấn đề đặt ra là xây dựng trận địa ở đâu? Sau khi khảo sát, trung đội quyết định chọn cao điểm 100 trên dãy núi Lò làm trận địa.
Trận địa ở đây đáp ứng được các yếu tố: không khuất tầm nhìn, tạo được yếu tố bất ngờ đón lòng trên đường bay của máy bay Mỹ từ hạm đội 7 vào bắn phá… chọn địa điểm, xây dựng trận địa xong, Khẩu đội trưởng Trinh cùng anh em hăng say tập luyện, 5 ngày trôi qua… 10 ngày trôi qua… vẫn chưa thấy máy bay vào, Trinh vẫn động viên anh em tập luyện nhưng trong bụng mình đã cảm thấy sốt ruột. Và thời cơ đã đến, trưa ngày 6/2/1966, cả trung đội đang bưng bát cơm ăn thì có tiếng kẻng báo động của bộ phận quan sát, mọi người bỏ bát đũa lao về trận địa.. Một tốp F44 vừa ném bom các mục tiêu trong đất liền bay ra. Để tránh lưới lửa phòng không, máy bay hạ độ cao. Khẩu đội trưởng Trinh hạ lệnh cho các trắc thủ bắt mục tiêu, đo cự ly.
Tiếng hô dõng dạc dứt khoát của trắc thủ vang lên, khi mục tiêu cách 4*, thân lá cờ hiệu trong tay Trinh chém xuống, những loạt đạn đạn vút ra khỏi nòng, lao thẳng vào máy bay… Khói lửa bao trùm lên máy bay. Cháy rồi… cháy rồi… Cả trận địa vỡ òa trong tiếng hò reo vang dậy. Chiếc F4H cố lết thêm vài cây số nữa, rồi rơi xuống biển cách đảo Ngư hơn chừng cây số. Đây là chiếc máy bay 1.100 bị quân dân ta bắn rơi trên miền Bắc. Không chỉ lần đó mà Trung đội dân quân Nghi Tân còn trực tiếp bắn rơi thêm 2 chiếc máy bay A4-D nữa. Chiến công của dân quân Nghi Tân đã được Bác Hồ tặng cờ. Hiện lá cờ còn được lưu giữ tại phòng truyền thống của phường.
Năm 1968, ông bàn giao trận địa súng phòng không lại cho người khác để nhận nhiệm vụ mới. Ông cùng 2 người nữa thành lập tổ trực kẻng phòng không. Với biệt tài có con mắt nhìn xa, mọi diễn biến hoạt động hàng ngày của tàu địch trên biển đều được đôi mắt thần của ông “quét” hết để báo cáo chỉ huy xử lý. Ông còn được giao nhiệm vụ phát hiện sớm máy bay của địch vào đánh phá để báo cho bà con kịp sơ tán tránh bom của địch. Ông Hoàng Minh Sơn, nguyên Chủ tịch UBND phường có nói với tôi rằng: Trong thời gian trực kẻng phòng không, ông Trinh lập được nhiều chiến công: Máy bay Mỹ xuất phát từ hạm đội 7 ngoài Vịnh Bắc bộ là ông đã phát hiện để đánh kẻng báo động. Theo diễn biến hoạt động của máy bay ông đánh kẻng. Theo hiệu lệnh từ kẻng phát ra mà bà con trong vùng không chỉ xã Nghi Tân tránh được nhiều lần bom địch ném xuống quê hương… Chuyện hư thực chưa rõ, nhưng tôi đã được chứng kiến đôi mắt thần của ông quét trên sân cỏ.
Sau chiến tranh ông tham dự một lớp tập huấn trọng tài bóng đá. Rồi từ một trọng tài của những trận tranh giải trong phường, có uy tín, ông đã được chọn làm trọng tài chính của các trận cầu quan trọng của thị xã. Trận nào có trọng tài Trinh cầm còi, đám cầu thủ lại to nhỏ bảo nhau phải đá cho nghiêm túc. Trên sân cỏ đôi mắt thần của trọng tài Trinh ghi không sót một lỗi nhỏ của cầu thủ.
Bên chén rượu cúng ngày mồng 5/5 (ÂL) tôi hỏi ông có biết ngày này là ngày gì không, ông nói là ngày diệt sâu bọ theo phong tục truyền thống. Tôi nói với ông ngày này là ngày giỗ Khuất Nguyên - một nhà thơ, nhà văn hóa của nước Tàu đấy. Ông bảo thế ạ! Người Tàu có văn hóa thì ta tôn trọng, còn nhà cầm quyền Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép ngoài Biển Đông của ta thì ta phản đối, phải có biện pháp cứng rắn. Cả tháng nay nghe tin mà tức lộn ruột. Tôi với bà nhà tôi đã thống nhất với nhau phải làm một cái gì đó chứ không để cho chúng nó lộng hành như thế được. Nhiệt huyết của người dân quân bắn rơi máy bay Mỹ năm xưa vẫn còn nguyên vẹn. Và ông cũng như bao người dân Việt khác đang tự nhủ lòng mình phải đoàn kết, hành động thực sự để phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Anh Tuấn