(Baonghean) - Có thể nói không ngoa, một số tiêu cực xẩy ra trong ngành Y được phát hiện đã gây ra những dư chấn không nhỏ trong xã hội. Chưa bao giờ y đức bị nghi ngờ như bây giờ!
Vụ tiêu cực mới đây ở Hoài Đức, Hà Nội, ngành Công an đã phải vào cuộc và các cơ quan lãnh đạo đều đã lên tiếng đề nghị làm rõ. Dư luận nhân dân đề nghị xử thật nghiêm những kẻ vi phạm y đức, nhởn nhơ trên tính mạng con người. Xử nặng để cảnh báo những vụ án khác tương tự... Sẽ có kết quả vụ án này một ngày không xa. Nhưng có một câu hỏi sâu sắc được đặt ra là: Lỗi nào của những kẻ vi phạm, lỗi nào của các cấp quản lý, và cần phải có cơ chế quản lý nào cho ngành Y để hạn chế xuống cấp y đức và để những vụ án tương tự không lặp lại...?
Nếu được hỏi ý kiến toàn dân, sẽ có nhiều câu trả lời thú vị:
Trước hết, ngành Y tế phải chịu trách nhiệm và rà soát lại toàn bộ những vấn đề về giáo dục y đức, quản lý cán bộ, quản lý nghiệp vụ. Lời thề của người hành nghề thầy thuốc "Lương y như từ mẫu" cần luôn được nhắc nhở, là kim chỉ nam, và những kẻ thiếu y đức cần đưa ra khỏi ngành. Không ở đâu, không nghề nghiệp nào cần trách nhiệm cao và lương tâm trong sạch như nghề y. Việc đào tạo nhân lực trong ngành Y cần ra soát lại, cần tăng tốc đào tạo để có thêm nhiều y bác sỹ đủ cho yêu cầu chữa bệnh của nhân dân, sẵn sàng thay thế những nhân viên kém tay nghề hoặc kém đạo đức. Và ngay việc tuyển chọn sinh viên vào các trường y, cũng cần đề cao tiêu chuẩn đạo đức, đào tạo nghề bên cạnh đào tạo y đức, đừng chỉ chú trọng điểm số cao như hiện nay. Những bác sỹ ra trường phải là những con người hoàn thiện nhất.
Thứ hai, việc có chính sách lương thưởng đặc biệt cho nghề thầy thuốc là việc nên làm. Hiện nay trong mặt bằng chung, lương viên chức thường không đủ sống, người làm công ăn lương Nhà nước phần lớn đều phải "chân trong chân ngoài" mới có thể tồn tại. Đây là một sự thật đau lòng mà các nhà làm chính sách về lương cần phải nhìn nhận một cách khách quan và nghiêm túc, có trách nhiệm. Người ta bảo "đói thì đầu gối phải bò", hay "túng quá làm liều" - câu nói này không hẳn đúng cho tất cả, nhưng nó tạo ra cơ chế “ăn cắp vặt” là một sự thật. Trong khi chờ đợi một chính sách lương đúng đắn và khoa học chung, cần có chính sách ưu tiên cho người hành nghề thầy thuốc, có thể gọi đó là "khoản lương giữ gìn y đức" - khoản này chỉ những người giữ gìn y đức mới được nhận, ai vi phạm bắt buộc phải trả lại.
Thứ ba, điều này có lẽ vô cùng quan trọng, đó là cơ chế quản lý. Có lẽ đến lúc phải nói thẳng ra rằng: Chính sách y tế phải là chính sách công do Nhà nước quản lý từ đầu đến cuối, không thể để "dở dơi dở chuột" như bây giờ. Một chính sách bảo hiểm y tế toàn dân cần sớm được thực hiện, trong đó Nhà nước chịu toàn bộ trách nhiệm về sức khỏe toàn dân, các cơ quan y tế chỉ là người thừa hành nhiệm vụ, người thực hiện chính sách công.
Được biết, Chính phủ hàng năm đầu tư cho ngành Y tế một số tiền thuế của dân không phải là nhỏ; quỹ này cùng với Quỹ Bảo hiểm Y tế tạo nên một khoản khổng lồ cần được thống nhất quản lý và kiểm tra chặt chẽ để khoản tiền ấy đúng là vì sức khỏe nhân dân. Cách quản lý quỹ Bảo hiểm Y tế hiện nay (do ngành Bảo hiểm quản lý, ngành Y tế chi) đã đưa ra nhiều cảnh báo bất bình thường, báo hiệu sự không ổn của cách quản lý này, tạo kẽ hở cho những kẻ tham và vô lương tâm ăn cắp, trong khi người bệnh - cũng là người đóng thuế, đóng quỹ lại chịu thiệt thòi...
"SOS y đức xuống cấp!". Mong sao, lời kêu cứu này mau mau chấm dứt!
Để hạn chế sự xuống cấp y đức
Thạch Anh (Hà Nội)