(Baonghean.vn) - Không chỉ là món khoái khẩu trong bữa cơm gia đình, thịt chuột còn là sính lễ trong khi đi hỏi cưới vợ của cộng đồng người Khơ Mú.
Chẳng mấy ai ưa loài chuột gặm nhấm, nhất là với người miền núi, thường bị chúng phá lúa rẫy. Thế nhưng đối với người Khơ mú, thịt chuột lại không thể thiếu trong sính lễ cưới của nhà trai đến nhà gái hỏi vợ.
Theo những người hiểu biết về phong tục cưới của cộng đồng Khơ mú thì đây là một phong tục cổ. Ở nhiều nơi nét văn hóa dị biệt này đã mai một vì việc tìm thịt chuột không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Trước kia, ở xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, việc chuẩn bị cho một đám cưới của nhà trai rất cầu kỳ. Rượu nấu, rượu cần, lợn gà và bạc nén là những lễ vật quan trọng. Trong một cuộc trao đổi trước đây, ông Lương Phò Bi trú bản Huồi Phuôn (Keng Đu) cho biết: "Thịt chuột cũng quan trọng không kém bạc nén."
Theo cụ ông 73 tuổi, là một người hiểu biết về phong tục của cộng đồng thì tục cưới của người Khơ mú có 3 đám lớn, nhỏ khác nhau. Đám thứ nhất gọi là “đổ rượu”, sau đó là đám hỏi rồi mới đến đám cưới. Trước khi đi hỏi vợ, chính tay người con trai phải lên rừng đánh bẫy bắt chuột đem về mổ bụng, sấy khô trên gác bếp để làm sinh lễ đi hỏi vợ.
Ngày hỏi vợ, ông mối sẽ cùng họ nhà trai mang theo lễ vật đến nhà gái. Ngoài rượu, thịt, bạc nén, tất nhiên không thể thiếu thịt chuột khô. Ở một số dòng họ, thịt chuột được thay thế bằng thịt sóc. Người ta cũng mổ bụng rồi sấy khô những chú sóc để làm sính lễ đến nhà gái.
Về số lượng thịt chuột hoặc sóc cùng tùy thuộc vào khả năng của từng gia đình. “Nhưng ít nhất cũng phải 1kg trở lên”, một cán bộ văn hóa huyện Kỳ Sơn chia sẻ.
Đối với người Khơ mú ở xã Bảo Thắng (Kỳ Sơn), sính lễ đi hỏi vợ phải có một cặp sóc và một cặp chuột. Mỗi loài đều phải có đực, có cái. Ngày nay, nét phong tục này cũng đã mai một.
Về nguyên nhân của sự mai một của nét phong tục lạ này được giải thích một cách khá đơn giản. Ngày nay, rừng đã thu hẹp diện tích, chuột và sóc cũng dần ít đi. Nhiều khi việc tìm được 1 đôi sóc, 1 đôi chuột lại đòi hỏi phải có đực, có cái thật chẳng khác nào đòi sinh lễ "gà chín cựa" xưa của Vua Hùng.
Thịt chuột còn được bà con Khơ mú chế biến thành nhiều thứ món ăn. Thịt chuột thường được rang với sả, lá chanh, nướng cuốn lá sả. Món “nhọc” nấu với thịt chuột được coi là đặc sản của người Khơ mú và Thái. Ở món lạ này, người ta xẻ nhỏ thịt chuột, nấu với ớt, tỏi, lá gấc, cà dại và một số loại rau rừng. Món ăn rất được ưa thích, nhất là khi thời tiết lạnh giá.
Bun My
TIN LIÊN QUAN |
---|