(Baonghean) - Cả tuần nay, những người ăn lương nhà nước cứ nhấp nhổm như ngồi trên “ổ kiến lả” vì nghe nói dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) chuẩn bị trình Quốc hội trong tháng ni, nếu được thông qua thì nhiều người sẽ phải kéo dài tuổi làm việc và khi được về hưu lại phải nhận mức lương hưu trí thấp hơn trước nhiều. Nghe rồi thấy nóng rọt, nóng gan vì tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với tuổi già. Già thì hay đau yếu, bệnh tật tốn tiền thuốc thang mà tiền thì lại bị bớt đi, không biết rồi sống ra răng đây?
 
images973994_nld_050514.jpgDự thảo Luật BHXH sửa đổi: Đảm bảo quyền lợi người lao động ngày một tốt hơn.Ảnh minh họa
 
Chuyện “tăng tuổi làm, giảm lương hưu” khiến cả xã hội xôn xao, luận bàn sôi nổi rồi thắc mắc: Tại răng người ta lại nghĩ ra chuyện ngược đời ra ri hầy? Lý do mà  phía cơ quan chủ quản đưa ra là để tránh  mất cân đối quỹ hưu trí. Mà nói thẳng ra vỡ quỹ bảo hiểm vì số lượng người hưởng lương hưu ngày càng tăng lên. Cụ thể như trong năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu thì năm 2007 chỉ còn 14 người và năm 2012 chỉ còn 9,3 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu. Cho nên, bắt đầu từ năm 2016 trở đi, tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức, cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đủ 62 tuổi đối với cả nam và nữ; hoặc đủ 62 tuổi với nam và 60 tuổi với nữ. Và từ năm 2020 trở đi, sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với các nhóm đối tượng còn lại với lộ trình như trên. Như vậy, nam giới sẽ phải làm việc thêm 2 năm và nữ sẽ phải làm thêm 5 - 7 năm so với quy định hiện hành. Tóm lại, đó là cách để tiết kiệm và tích lũy thêm tiền cho quỹ lương hưu. 
 
Nhưng, như đã nói ở trên, đó là cách làm ngược đời vì chỉ cần tính toán một cách đơn giản là người về hưu thường chỉ được hưởng khoảng 70% lương so với khi đi làm và chỉ gói gọn lại trong chừng đó mà thôi. Ngoài ra, không có bất cứ một khoản nào khác. Còn nếu kéo dài tuổi hưu thêm hai năm với nam và 5 năm với nữ, nghĩa là thêm chừng đó năm, chừng đó người không những được hưởng nguyên lương mà còn được hưởng thêm các khoản khác như tiền thưởng các ngày lễ, tết; tiền ăn trưa, tiền quần áo, chi phí nghỉ mát hằng năm… Chưa kể họ đến cơ quan làm việc thì Nhà nước phải chi tiền điện thắp sáng, quạt mát, điều hòa, đun nước và các trang thiết bị để làm việc như máy vi tính, điện thoại, bàn ghế, giấy, bút… Cộng các khoản đó lại, có khi còn nhiều hơn tiền lương thực tế được đút túi mang về nhà. Và nhìn sơ qua, đến con nít mới biết cọng trừ cũng phát hiện ra ngay là kéo dài tuổi hưu còn tốn tiền Nhà nước gấp mấy lần cho nghỉ hưu đúng tuổi. Cách làm này, suy cho cùng là chuyển gánh nặng tài chính từ BHXH sang ngân sách nhà nước và xã hội chứ không có một chút hiệu quả nào cả. Chưa kể, tăng tuổi nghỉ hưu còn làm giảm năng suất lao động vì tuổi cao sự trì trệ càng cao; giảm cơ hội có việc làm cho những người trẻ; đi ngược chính sách trẻ hóa độ tuổi lao động trong cơ cấu nhân lực…
 
Như vậy, đứng ở góc độ tài chính - tiền tệ thì thấy phương án này hoàn toàn không có tác dụng mà đứng ở góc độ xã hội lại thấy có nhiều bất ổn hơn. Cho nên, có thể đi đến kết luận phương án “tăng tuổi làm, giảm lương hưu” là cách tính quẩn. Mà nói như người Nghệ ta là: mần lộn túm!
 
Nghệ Nhân