(Baonghean) - Hồi học cấp 3, có lần tụi bạn Pháp đã hỏi mình thế này: "Có phải ở Việt Nam, kỷ luật trong trường học theo mô hình kỷ luật quân đội, hàng tuần có tập trung, chào cờ, hát Quốc ca, có cả đội nghi lễ đánh trống không?". Mình thản nhiên gật đầu cái rụp, tụi nó lè lưỡi kinh ngạc. Lại hỏi: Thế chắc là mày thuộc làu làu Quốc ca của nước mày? Mình lại gật đầu. Bài gì không biết chứ Quốc ca thì... Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc!
 
Tại sao người Pháp ngạc nhiên khi biết Quốc ca là bài hát mà người Việt Nam không ai không thuộc, bởi rất nhiều người Pháp không hát được bài Quốc ca Pháp. Lý do thứ nhất, rất khách quan, ấy là vì bài "La Marseillaise" cực kỳ... dài. Còn lý do thứ hai là các trường học Pháp không... chào cờ, học sinh lấy đâu ra cơ hội mà hát, mà thuộc? Có lẽ thuộc và hát Quốc ca hay nhất nước Pháp, chỉ có anh hói Zidane và đồng đội mà thôi! Thầy giáo dạy lịch sử nghe thấy cuộc trò chuyện của tụi mình đã xen vào, nói thế này: "Người Việt Nam nói riêng và người châu Á nói chung có lòng tự tôn dân tộc vô cùng lớn, có lẽ một phần do lịch sử bi thương của họ, phần khác là do ý thức rèn luyện, bồi đắp cho chủ nghĩa dân tộc, biến khái niệm trừu tượng như là lòng yêu nước thành một cái gì tất yếu, thể hiện qua những điều rất đơn giản như việc hát Quốc ca..."
 
images977045_hatquocca.jpg
 
Nghe ông thầy nói xong, vỡ oà ra: à, như vậy chính là yêu nước. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đội mũ ca lô, đeo khăn quàng đỏ, ngước mắt nhìn lá cờ đỏ sao vàng phấp phới bay và hát "Đoàn quân Việt Nam đi...", chưa từng nghĩ những việc làm đã thành nề nếp, thói quen ấy lại có ý nghĩa to lớn đến như vậy. Mình từng  cười thầm khi thấy tụi bạn Pháp kinh sợ trước những "nghi thức quân đội" này, nhưng nghĩ lại, có khi nào mình mới là người nhìn sự việc qua con mắt tối giản, không phải vì coi nhẹ mà vì người ta không thường có được cái nhìn khách quan đối với những gì quá gần, quá thân quen? Mãi cho đến lúc này đây, một mình đứng giữa muôn vàn màu da, tiếng nói xa lạ, nhìn lên lá cờ đỏ sao vàng tung bay bên cạnh những lá cờ ngoại quốc nơi sân trường này, lẩm nhẩm hát những lời ca đã thành máu thịt, mới thấy sức mạnh mà bài hát ấy đem lại là không tưởng. Khi những lời ca cất lên, tưởng như thấy lại sân trường xưa mũ ca lô xanh bạt ngàn, khăn quàng đỏ như màu cờ, màu máu, sân trường chiều nay chỉ mình thôi mà tiếng ca sao như động đến mấy tầng trời? Hay là tiếng ca dội về mấy tầng lịch sử dân tộc bi ai mà hùng tráng? Mỗi mình mình hát mà mãnh liệt đến thế ư? Mình mình hay là cả "Đoàn quân Việt Nam..."?
 
Rồi đây trong một sớm mai nào, các em, các con hẳn sẽ thấy lạc lõng và xa lạ khi cất lên cũng những lời ca ấy, không phải từ trái tim mình mà từ một đoạn băng, đĩa máy móc vô cảm. Như thể trong nghi lễ ấy, ta không phải là thành viên mà chỉ là khách mời, cưỡi ngựa xem hoa. Các em, các con ạ, lòng yêu nước phải tự mình vun đắp, xây dựng lấy, cũng như cha mẹ mình, ta phải tự quý trọng, kính yêu chứ có ai yêu thay, yêu hộ ta bao giờ? Có lẽ các em sẽ ngây thơ hỏi lại: Thế nào là lòng yêu nước? Lòng yêu nước, nếu định nghĩa bằng những ngôn từ đẹp đẽ, mĩ miều sẽ thành sáo rỗng. Yêu nước là yêu từ những gì nhỏ nhất yêu đi, ngay cả khi điều nhỏ nhoi ấy chỉ là một bài hát...
 
Muốn yêu nước thì phải học. Khi còn bé chúng ta học yêu nước như học hát Quốc ca, và học đi đôi với hành. Lớn lên rồi, ta lại càng phải năng luyện rèn, ôn lại bài học vỡ lòng ấy, vì đó là bài học đánh đổi bằng máu xương và tự tôn dân tộc. Có nghĩa là không chỉ học sinh hát Quốc ca, mà công nhân viên chức cũng phải hát Quốc ca thay vì bật băng, đĩa thu sẵn. Những gì ăn sẵn thường có hại, đồ hộp ăn nhiều thì thiếu chất, mỳ tôm thì hại gan, hại thận, còn Quốc ca thu âm sẵn thì ăn mòn tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc. Thế nên trước khi hô hào, cổ động yêu nước, hãy bỏ ít phút tự mình hát trọn vẹn đến những câu cuối cùng: "Tiến lên, cùng tiến lên! Nước non Việt Nam ta vững bền!"
 
Hải Triều 
(Email từ Paris)