(Baonghean) - Chào cờ thì phải hát Quốc ca, đó là chuyện đương nhiên. Không được và không cần phải bàn cãi hay phải có chế tài, định chế bắt buộc. Vì đó là tình cảm tự nhiên có sẵn từ trong huyết quản. Là nghĩa vụ tự thân của mỗi công dân đối với Tổ quốc mình. Việc đó, cũng tựa như bố, mẹ yêu thương, chăm sóc con cái mình và ngược lại. Nhưng, như lời bà hàng nước vỉa hè thì “thời buổi bây giờ lắm chuyện ngược đời, lạ lùng. Có những chuyện xưa nay cứ nghĩ đương nhiên là phải thế, nhưng hóa ra chẳng phải thế”.
Chuyện hát Quốc ca khi chào cờ cũng vậy. Ai cũng nghĩ đó là việc đương nhiên, tất nhiên, dĩ nhiên phải là như thế. Song không rõ từ khi nào, nhưng chắc là từ khi các phương tiện thu thanh và phát thanh phát triển trở thành một thứ công cụ phổ biến trong cuộc sống thì khi chào cờ, không ít người, ít nơi, từ nhà trường, cho đến các công sở… người ta chỉ nghe chứ không hát Quốc ca. Vì sau tiếng hô: Nghiêm, chào cờ, chào! Thì mọi người đều đứng im và nghe lời Quốc ca vang lên từ băng, đĩa của chiếc máy hát. Cũng có những người ý thức được nghĩa vụ thiêng liêng của công dân lúc chào cờ Tổ quốc đã hát theo một cách vô thức. Hát, nhưng không rõ lời, đúng ra là chỉ mấp máy thôi chứ không tuôn chảy, trào dâng cảm xúc thoát ra từ con tim. Hát thế, người ta gọi là “hát nhép”. Mà đã là hát nhép thì là hát giả, hát không thật. Hát kiểu đối phó, cho xong chuyện. Không tình cảm, không ý nghĩa. Không ít ca sỹ khi biểu diễn, “hát nhép” kiểu đó đã bị khán giả đả đảo kịch liệt ngay tại chỗ và bị tẩy chay lâu dài. Những bài hát thường mà còn như vậy, huống hồ Quốc ca. Một nhà văn nổi tiếng của ta đã nói “Quốc ca không chỉ là một bài hát, mà nó chính là mạch đập của dân tộc, là chiều dài của lịch sử đầy giông bão nhưng cũng hào hùng, lẫm liệt. Mỗi khi hát Quốc ca, người dân đất Việt được bày tỏ sự chân thật từ trong lòng mình với Tổ quốc, nó khác hoàn toàn với việc nghe từ bản thu âm sẵn có”. Cho nên, chào cờ, không hát mà chỉ nghe hát Quốc ca là hành vi có lỗi với Tổ quốc.
Điều đáng nói là “hành vi có lỗi với Tổ quốc” này đã xảy ra từ lâu, đã quá quen thuộc khiến chúng ta mặc nhiên coi đó là chuyện bình thường mà không để tâm suy nghĩ cho thật thấu đáo rồi quyết định là nên hay không nên làm thế. Rất may, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thức tỉnh mọi người bằng việc ban hành một chỉ thị yêu cầu các trường học bảo đảm 100% học sinh hát đúng nhạc và lời Quốc ca nhằm bồi đắp lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Đúng vậy, khi chào cờ phải hát Quốc ca. Hát với cả tấm lòng yêu Tổ quốc mình, đồng bào mình. Vì đó là Quốc ca - bài hát về Tổ quốc, về dân tộc. Cho nên, nhất thiết phải hát chứ không chỉ nghe.
Người lắm chuyện