(Baonghean) - Quá trình phát triển kinh tế - xã hội và sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa đang đặt ra nhiều vấn đề quan trong trong đời sống của các dân tộc ít người, nhất là việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của từng dân tộc, tránh nguy cơ “hòa tan”. Một trong những giải pháp đang được các địa phương áp dụng là xây dựng mô hình làng bản văn hóa thuần dân tộc. Báo Nghệ An xin giới thiệu một số mô hình đã và đang được triển khai tại các huyện miền núi.

Ngược Quốc lộ 7A, đến địa bàn xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn), ngước nhìn dãy  Pu Nhạ Thầu, hành khách sẽ bắt gặp những ngôi nhà nằm giữa lưng chừng núi, ẩn hiện dưới những rặng cây cổ thụ và trong đám mây ngàn. Những ngôi nhà ấy thuộc bản Huồi Thợ, nơi cư trú của gần 120 hộ đồng bào dân tộc Khơ mú và được ngành Văn hóa huyện Kỳ Sơn chọn làm điểm bảo tồn bản sắc văn hóa.

Con đường từ Quốc lộ 7A lên bản Huồi Thợ trước đây dốc đứng và khúc khuỷu, nằm chênh vênh theo sườn núi nên chỉ có cách đi bộ, những tay lái đường trường dạn dày kinh nghiệm mới đủ can đảm cho xe máy leo dốc. Với chương trình xây dựng nông thôn mới, con đường này đang được đầu tư rải bê tông nên việc đi lại giờ đây đã trở nên khá dễ dàng. Chưa đầy 10 phút, chiếc xe máy của chúng tôi đã leo lên được trung tâm bản. Từ Huồi Thợ có thể ngắm dòng Nậm Mộ đang uốn lượn giữa non ngàn và Quốc lộ 7A chạy men theo chân núi. Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến nơi đây là đường đi lối lại được vệ sinh sạch đẹp, những ngôi nhà sàn được bố trí thành từng dãy gợi lên sự ngăn nắp và trật tự.

May mắn, chúng tôi đến Huồi Thợ vào dịp bà con Khơ mú nơi đây đang tổ chức buổi lễ mừng cơm mới. Sau cái bắt tay thật chặt, Trưởng bản Xeo Văn Dung niềm nở: “Lễ mừng cơm mới năm nay có thay đổi một ít, không tổ chức từng nhà như trước nữa. Như thế vừa tốn kém, lại mất nhiều thời gian. Năm nay, bản chủ trương sau khi cúng ở nhà riêng, toàn thể bà con sẽ ra chung vui tại nhà văn hóa. Như thế vừa tiết kiệm, lại vui hơn nhiều”. Lúc này, 5 vò rượu cần đã được đặt giữa sân, mọi người đang ngồi vây quanh. Cùng thưởng thức rượu cần, chúng tôi cảm nhận được hương vị của nếp rẫy, lá cây rừng và cả sự kỳ công của những người phụ nữ Khơ mú. Hai giàn cồng chiêng đặt sẵn dưới hiên nhà văn hóa bắt đầu vang lên rộn ràng, âm thanh và nhịp điệu vô cùng quyến rũ.

794181_small_95577.jpg

                           Ngày vui ở bản Huồi Thợ (xã Hữu Kiệm - Kỳ Sơn).

 Đang uống rượu và say sưa nói cười, chợt tiếng chiêng vang lên, già trẻ, gái trai bắt đầu hòa chung điệu lăm tơi nhịp nhàng, uyển chuyển. Ngồi cạnh chúng tôi, nhấp thêm sừng rượu cần, men rượu đã thấm, già làng Lương Văn Bình ghé sát tai và nói: “Điệu múa lăm tơi là đặc trưng của người Khơ mú, nó mô phỏng động tác trèo đèo, lội suối, phát rẫy, hái lúa, tỉa ngô. Ở đây ai cũng múa đẹp, vì không biết múa lăm tơi không phả là người Khơ mú”. Không biết có phải do có khách dưới xuôi lên thăm hay không mà các cụ già ở Huồi Thợ đều về nhà đem ra các loại sáo, pí và các loại nhạc cụ khác để cùng hòa âm với 2 dàn cồng chiêng. Già Bình chỉ tên và giới thiệu với khách từng loại nhạc cụ, nào sáo ngang, pí tơm, tót tông, đao đao, rồi khèn môi, khèn lá.

Điều đáng nói là hầu hết các loại nhạc cụ này được chế tác một cách khá đơn giản. Từ những cây nứa, cây luồng, thậm chí là những chiếc lá, qua đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn thiết tha yêu đời của những người đàn ông Khơ mú đã làm nên những giai điệu lúc rộn ràng, khi sâu lắng. Bản hòa âm ấy nghe như có tiếng suối reo, tiếng gió đại ngàn, tiếng chim rừng gọi bạn và cả tiếng bước chân ngập ngừng. Đó chính là “điệu hồn”, là tiếng lòng của người Khơ mú, một dân tộc còn gặp không ít khó khăn trên bước đường phát triển nhưng tâm hồn luôn tươi vui và tràn ngập niềm tin.

Tại đây, chúng tôi gặp lại bà Moong Thị Lợi, một nghệ nhân hát tơm, một gương mặt của Đoàn Nghệ thuật quần chúng huyện Kỳ Sơn tại các kỳ liên hoan văn hóa - văn nghệ những năm gần đây. Đã hơn 70 tuổi, chất giọng của bà Lợi vẫn mượt mà và có thể hát tơm liên tục 30 phút. Bà cho biết, tơm là một làn điệu dân ca cổ truyền của dân tộc Khơ mú, kể về những sinh hoạt đời thường của gia đình và cộng đồng làng bản. Dịp này, bà hát tặng khách bài “Huồi Thợ ngày vui”.

Nghe bà Lợi hát tơm, cả bản tạm ngừng cuộc vui và say sưa lắng nghe. Khi bà kết thúc điệu tơm, mọi người vỗ tay rồi nâng ly rượu mừng nghệ nhân của bản. Được biết, bà Lợi là người hát tơm hay nhất Huồi Thợ, mỗi khi rảnh rỗi bà vẫn thường truyền dạy cho con cháu trong bản. Con gái đầu của bà là chị Cụt Thị Nhung là người đã kế thừa được chất giọng và sự dẻo dai của mẹ.

Tranh thủ chúng tôi ghé thăm một số gia đình ở Huồi Thợ. Nơi đây, nghề đan lát vẫn còn được duy trì. Từ lâu, người Khơ mú đã được công nhận là giỏi nghề đan lát thủ công, và những sản phẩm như ghế mây, mâm mây và ép xôi ở Huồi Thợ đã nói lên điều đó. Các mặt hàng này giờ khá “chạy”, theo như lời ông Cụt Văn Khâm thì “làm xong cái nào bán hết cái đó”. Đây chính là cơ hội để bà con Huồi Thợ bảo tồn được nghề thủ công truyền thống, đồng thời tăng thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống, giải quyết việc làm cho những người cao tuổi.

Trong bữa cơm, Trưởng bản Xeo Văn Dung cho biết: “Bản mình được huyện chọn làm điểm xây dựng làng văn hóa dân tộc Khơ mú nên được tạo điều kiện rất nhiều. Được cấp kinh phí mở lớp truyền dạy dân ca, nhạc cụ dân tộc; được đầu tư xây dựng nhà văn hóa trị giá hơn 1 tỷ đồng để lưu giữ những hiện vật đặc trưng của dân tộc mình”.

Tiếp tục chuyện trò, chúng tôi được biết việc triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa ở Huồi Thợ vẫn còn gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn, hiện nay những người biết rõ các làn điệu dân ca, cách chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ không còn nhiều, hầu hết tuổi đã cao. Trong khi đó, lớp trẻ lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố văn hóa khác, nhiều người chưa ý thức được tầm quan trọng của văn hóa cổ truyền.


Tường Anh