(Baonghean) - “Xên bản” có nghĩa là cúng, rộng hơn là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa vụ tốt tươi được coi là một ngày hội của bản làng. Hàng năm, Lễ Xên bản được tổ chức vào tháng 4. Theo phong tục của dân tộc Thái, tháng 4 gieo mạ lúa mùa (trước đây chỉ có một vụ), đầu mùa hè, trời nắng nhiều, đồng bào tổ chức Lễ Xên bản để cầu mưa.

Chuẩn bị cho lễ hội, dân bản cử một người đại diện của dòng họ đầu tiên đến khai phá, lập bản dựng mường mời thầy mo về. Đúng 8 giờ sáng, thầy mo bắt đầu làm lễ cúng ở dưới gốc cây cổ thụ trong làng, hoặc tại cánh đồng quy định. Lễ vật cúng gồm một chai rượu trắng, một vò rượu cần, một con gà luộc, một bát gạo, hai tấm thổ cẩm mộc, một đôi vòng bạc trắng và các loại họ mọc. Thầy mo cầu khấn sơn thần, thủy thần và các bậc thần linh phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu và đem lại sức khỏe, cuộc sống ấm no cho mọi nhà. Sau đó, thầy mo lấy hai thanh tre (đã được chẻ đôi) tung lên. Khi hai thanh tre rơi xuống nếu được "lè văm - lè ngái" (một sấp một ngửa) đó là điềm tốt, vì lời cầu khấn đã được các thần chấp nhận. Lễ cúng kéo dài gần một tiếng đồng hồ, sau đó mâm cúng được người đại diện bày ra tại chỗ, mời thầy mo và bà con ngồi ăn uống vui vẻ.

794206_small_95606.jpg





Sau Lễ Xên bản, bà con còn tổ chức các trò chơi như ném còn, nhảy sạp, hát nhuôn, suối...


Chùm ảnh: Trần Ngọc Lan