(Baonghean) - Luân chuyển cán bộ nhằm giúp cán bộ cọ xát với thực tế, đồng thời tăng năng lực, giúp các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, cho đến nay do chưa xây dựng được các chính sách đồng bộ về luân chuyển cán bộ; công tác đánh giá, nhận xét cán bộ khi luân chuyển chưa sâu sát, thiếu chính xác nên đã để xảy ra những sự việc đáng tiếc...
Môi trường rèn cán bộ
Thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, Huyện ủy Đô Lương tăng cường nhiều cán bộ trong diện quy hoạch về đảm nhận các chức danh chủ chốt ở các xã. Những cán bộ luân chuyển về cơ sở đã phát huy tốt năng lực công tác, góp phần ổn định hệ thống chính trị, đưa kinh tế - xã hội phát triển. Từ tháng 6 - 2012, đồng chí Nguyễn Tất Hiệp - Ủy viên BTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy được luân chuyển về giữ chức danh Bí thư Đảng ủy xã Tràng Sơn. Nhờ xác định rõ trách nhiệm, ngay từ những ngày đầu, đồng chí tích cực xây dựng mối đoàn kết trong cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể; cùng BTV Đảng ủy xã, chính quyền và nhân dân trên địa bàn đẩy mạnh công tác “dồn điền, đổi thửa”, tập trung phát triển sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Những nỗ lực đó, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã từ 7% xuống dưới 5%. Đồng chí Nguyễn Tất Hiệp cho biết: “Tôi cũng như các đồng chí thuộc diện luân chuyển về xã cần phải vào cuộc tích cực trong nhiều lĩnh vực; góp phần cùng các địa phương tranh thủ tốt ngoại lực, phát huy được nội lực trong nhân dân, tạo chuyển biến đáng kể về kinh tế xã hội, tạo sự phát triển bền vững…”. Từ tháng 6/2014, sau khi hoàn thành tốt nhiệm vụ luân chuyển, đồng chí Nguyễn Tất Hiệp được BTV Huyện ủy điều về giữ chức vụ Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy.
Tại Đô Lương, trường hợp đồng chí Nguyễn Tất Hiệp chỉ là 1 trong số 7 cán bộ lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể thuộc thế hệ 7X của huyện Đô Lương được chọn về làm cán bộ chủ chốt cấp xã từ năm 2012 đến nay. Trong số đó có 1 đồng chí Ủy viên BTV Huyện ủy, 3 đồng chí Huyện ủy viên, có 4 đồng chí luân chuyển đảm nhận chức vụ Bí thư Đảng ủy, 3 đồng chí làm Phó Bí thư - Chủ tịch UBND xã. Các đồng chí trong diện luân chuyển, đã rút về hay còn đang chủ trì tại địa phương đều phát huy được khả năng, tiếp cận nhanh với môi trường công tác, thể hiện vai trò trách nhiệm, được cán bộ, nhân dân trên địa bàn tín nhiệm.
Ngay sau khi thành lập, BTV Thị ủy Thái Hòa đã có Đề án số 01- ĐA/ThU ngày 23/9/2009 về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Có thể nói, nhờ sớm ban hành đề án, bước triển khai thực hiện khá cụ thể, bài bản nên trong số 7 đồng chí luân chuyển thì có 2 đồng chí trong diện luân chuyển đợt 1 đã được rút về giữ chức vụ cao hơn trước khi luân chuyển. Trường hợp đồng chí Bùi Trọng Thảo, trước khi luân chuyển chức vụ Thị ủy viên, Phó Phòng TNMT tăng cường về làm Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa (5/2010-3/2014). Nghĩa Hòa là một xã khó khăn nhất của Thái Hòa: Cơ sở hạ tầng rất yếu kém, nhiều lỗ hổng trong quản lý đất đai và điều khó khăn, quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa yếu. Tăng cường, luân chuyển đồng chí Bùi Trọng Thảo và từ tháng 3/2014 đến nay đồng chí Hoàng Nghĩa Thái, Giám đốc Văn phòng đăng ký QSD đất về giữ chức vụ Bí thư, kiêm Chủ tịch UBND xã thì cơ bản vấn đề quản lý đất đai được siết chặt, cơ sở hạ tầng không ngừng được đầu tư, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, bộ mặt của xã đã thực sự khởi sắc. Đặc biệt, Nghĩa Hòa hiện đã đào tạo được cán bộ chủ chốt, có thể đảm nhận vai trò chủ trì trong nhiệm kỳ tới.
Hàng năm, BTV Tỉnh ủy luôn có kế hoạch luân chuyển cán bộ từ tỉnh về huyện, thành, thị xã và điều động từ cơ sở lên tỉnh. Công tác này góp phần tích cực trong củng cố hệ thống chính trị cơ sở, gắn với bồi dưỡng cán bộ cho tỉnh. Điển hình trong số những đồng chí được luân chuyển xuống cơ sở gần đầy là đồng chí Trần Quốc Thành, hiện là Giám đốc Sở KH&CN; từng có 3 năm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường từ tỉnh về làm Bí thư Huyện ủy Quế Phong. Trong thời gian đó, đồng chí cùng với BTV, BCH huyện ủy tăng cường công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đẩy mạnh các chương trình phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo. Đồng chí để lại dấu ấn với việc thống nhất với BTV Huyện ủy ban hành các nghị quyết về phát triển kinh tế, trồng rừng; Xây dựng các mô hình kinh tế tập trung vào những cây, con đặc sản của vùng để nâng lên thành cây con hàng hóa. Trong đó, việc phát triển cây cao su và chanh leo đang mở ra nhiều cơ hội chuyển dịch cây trồng, tăng thu nhập theo hướng bền vững cho đồng bào vùng biên Quế Phong. Thời điểm luân chuyển về huyện (năm 2010), đồng chí Thành, giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Sau khi thể hiện được năng lực công tác và có những kết quả nêu trên, đồng chí được BTV Tỉnh điều về làm Giám đốc Sở KH&CN.
Còn đối với đồng chí Nguyễn Thanh Hiền, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cũng có quãng thời gian hơn 3 năm được BTV Tỉnh ủy luân chuyển từ Chi cục Dân số tỉnh về làm Bí thư huyện ủy Anh Sơn. Khi về huyện, đồng chí tích cực xây dựng mối đoàn kết, cộng sự, tổ chức có hiệu quả “năm dân chủ” với các hoạt động như đối thoại trong đảng, đối thoại với nhân dân, giao ban bí thư đảng ủy các xã. Từ những diễn đàn này, rất nhiều ý kiến, vấn đề nóng được thảo luận và tìm giải pháp thực hiện quyết liệt như: Xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học; tạo nguồn phát triển đảng, thực hiện chính sách xã hội cho các đối tượng. Bên cạnh đó, BTV Huyện ủy Anh Sơn có chủ trương cử cán bộ khối đảng, đoàn thể, chính quyền, công an, quân sự, chia thành 21 tổ về tham gia sinh hoạt chi bộ tại các đảng bộ cơ sở. Những hoạt động này, được nhân rộng, duy trì thường xuyên tại huyện Anh Sơn...
Hầu hết cán bộ luân chuyển cơ bản chấp hành tốt quyết định luân chuyển của cấp ủy, thông suốt tư tưởng, yên tâm công tác, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cấp ủy, chính quyền nơi tiếp nhận cán bộ luân chuyển đã tin tưởng, tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường của mình, trong thời gian qua tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm 71%. Đa số cán bộ luân chuyển giữ cương vị mới đều phát huy được vai trò, trách nhiệm, có nhiều cố gắng trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có bước trưởng thành, tiếp cận nhanh với môi trường mới, có nhiều tiến bộ trong nhận thức, quan điểm, phương pháp chỉ đạo, phát huy được năng lực, sở trường. Sau thời gian luân chuyển những đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được điều động, bố trí vào những vị trí xứng đáng.
Bài học đắt giá
Nhìn vào bức tranh tổng thể của công tác luân chuyển cán bộ các cấp, chúng ta khẳng định rằng luân chuyển cán bộ là chủ trương đúng đắn của Đảng nhằm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ. Tuy nhiên, quá trình đó, do nhiều nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan nên công tác luân chuyển cán bộ vẫn còn những bất cập, đâu đó cán bộ luân chuyển chưa toàn tâm, toàn ý, chưa xây dựng được chương trình, kế hoạch, chưa thực sự hòa đồng, gắn kết với các phong trào phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân trên địa bàn, thậm chí xẩy ra những vụ việc vi phạm pháp luật dẫn đến mất cán bộ.
Xã Thanh An (huyện Thanh Chương) là địa bàn bán sơn địa. Cách đây 5 - 7 năm, nơi này được biết đến với vùng đất gian khó, cán bộ xã yếu kém, các phong trào mờ nhạt. Để tạo bước chuyển cho cơ sở, Huyện ủy Thanh Chương luân chuyển hai cán bộ phó các phòng, ban về giữ vai trò chủ trì cả đảng ủy, chính quyền. Thời gian đầu, với sự năng nổ của cán bộ tăng cường đã thu hút được nhiều nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho xã. Sau 3 năm, huyện ủy rút cán bộ về nhưng “mang theo” cả vụ án liên quan đến việc làm sai nguyên tắc của 2 cán bộ luân chuyển. Vụ việc dẫn đến hai quan huyện về xã làm bí thư và chủ tịch, lĩnh án tù theo quy định của pháp luật. Cơn địa chấn của vụ việc trên như một “cơn lốc” làm ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của nhân dân với cấp ủy, chính quyền. Đồng chí Nguyễn Danh Lương - Bí thư Đảng ủy xã trầm ngâm: “Sau vụ việc đó, cán bộ, công chức xã có cảm giác e ngại như mất điểm tựa, niềm tin. Bởi vậy, chúng tôi tập trung củng cố hoạt động, tăng cường gặp gỡ, trao đổi với nhân dân để xây dựng lại niềm tin của quần chúng…”. Trường hợp ở Thanh An được Ban Thường vụ huyện ủy Thanh Chương lấy làm bài học kinh nghiệm “xương máu” trong công tác luân chuyển cũng như bồi dưỡng, bố trí, sử dụng và kiểm tra, đánh giá cán bộ.
Tại Thái Hòa mặc dù công tác luân chuyển trên bình diện chung thu được những kết quả khá tốt, cơ sở có cán bộ luân chuyển đã tạo được phong trào và cán bộ sau khi luân chuyển trưởng thành hơn, được bổ nhiệm vị trí cao hơn. Song một vài vị trí luân chuyển chưa phát huy được hiệu quả thuyết phục, cán bộ luân chuyển khi giữ vai trò chủ trì còn thiên về làm sự vụ hành chính mà không thể hiện được tầm nhìn, hoạch định chiến lược cho địa phương phát triển. Đồng chí Vương Đức Bình, Trưởng Ban tổ chức Thị ủy thừa nhận: “ Do công tác đánh giá cán bộ có chỗ chưa toàn diện nên việc dự báo, nhận định năng lực khả năng hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ luân chuyển ở vị trí mới chưa chính xác như trường hợp BTV điều động cán bộ làm công tác văn hóa nhưng giữ vai trò chủ trì công tác chính quyền cơ sở thì đã bộc lộ hạn chế. Ban Thường vụ Thị ủy Thái Hòa đã có kế hoạch sơ kết, đánh giá một cách khách quan, cụ thể hiệu quả cũng như những hạn chế trong công tác luân chuyển cán bộ để có sự điều chỉnh hợp lý trong công tác quy hoạch luân chuyển cán bộ đảm bảo đúng người, đúng việc hơn.”
Cần một quy trình hoàn chỉnh
Mặc dù hầu hết các huyện đã làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thế nhưng chưa phê duyệt được kế hoạch (hoặc đề án) luân chuyển cán bộ. Trong khi đó, quy trình của cán bộ khi bổ nhiệm ở cấp cao hơn phải trải qua công tác ở cấp cơ sở. Chính vì vậy, việc luân chuyển cán bộ ở nhiều địa phương chưa có giải pháp để quản lý, theo dõi, đánh giá, giúp đỡ, bồi dưỡng cán bộ theo đúng nghĩa. Cũng vì thế mà nhiều cán bộ khi được luân chuyển về cơ sở không để lại được dấu ấn. Điều này xuất phát từ thực tế, là nhiều cán bộ khi luân chuyển về cơ sở chỉ lo “giữ mình” để được “rút lên” mà chưa lăn xả vào thực tế. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ hiện tượng cán bộ ở một số cơ sở “Bằng mặt nhưng chưa bằng lòng” với cán bộ diện luân chuyển nên chưa hợp tác, cộng sự cao.
Ở một bình diện khác, giai đoạn đầu về cơ sở, các cán bộ luân chuyển thường hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng giai đoạn sau lại có những biểu hiện “tự cao, tự đại, cho mình là nhất” dẫn đến “đánh mất chính mình”. Khi đề cập đến khía cạnh này, đồng chí Lê Quang Đạt - Bí thư Huyện ủy Thanh Chương, cho biết: “Một giai đoạn dài, huyện chưa xây dựng được kế hoạch, quy chế, quy định, thời gian luân chuyển cán bộ về cơ sở. Cùng đó, cán bộ luân chuyển, giai đoạn đầu rất tốt khi tiếp cận với thực tiễn địa phương. Nhưng việc nắm bắt tình hình, tổ chức kiểm tra, đánh giá cán bộ chưa sâu sát, chưa điều chỉnh, kiểm điểm kịp thời, dẫn đến một số sai phạm của cán bộ chậm phát hiện, chấn chỉnh không kịp thời. Rút kinh nghiệm sự việc đó, đầu năm 2014, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành kế hoạch số 97- KH/HU về luân chuyển cán bộ giai đoạn 2014- 2019; Trong bản kế hoạch này, huyện có những bước đi phù hợp, thận trọng, phát huy tính dân chủ và quan tâm đến các chính sách cho cán bộ luân chuyển…”.
Một trong những khó khăn của cấp huyện là lâu nay, cán bộ các phòng, ban khi luân chuyển ở xã những vẫn giữ vị trí trưởng, phó ở huyện. Nguyên nhân cơ bản là do các địa phương thiếu biên chế cán bộ. Bởi vậy, buộc phải “giữ chỗ” cho cán bộ khi đang đi cơ sở. Thực tế đó làm cho bộ máy các phòng, ban có cán bộ là lãnh đạo luân chuyển đi xã thiếu nhân sự, chỉ dừng lại ở việc “giao quyền” cho cấp phó, làm cho hoạt động chuyên môn bị cầm chừng, thiếu quyết đoán. Và sau khi hết thời hạn luân chuyển,cán bộ về lại chỗ cũ nên chưa tạo được động lực cho cán bộ luân chuyển…
Mặt khác để giải quyết vấn đề “ cục bộ” trong công tác bố trí cán bộ cũng như sự chỉ đạo điều hành đối với cán bộ cơ sở, huyện Đô Lương là đơn vị tiên phong được tỉnh chỉ đạo thí điểm mô hình luân chuyển cán bộ “ngang cấp”. Tức là Bí thư hoặc chủ tịch UBND xã này sẽ được luân chuyển sang xã khác ở vị trí tương tự và ngược lại. Sau nhiều bước sắp xếp, huyện đã luân chuyển được 3 cặp (6 cán bộ) ở 3 xã theo mô hình này. Đây là phương án mới đang đặt ra nhiều thử thách cho cán bộ luân chuyển. Bởi những cán bộ này không phải là người địa phương, mặc dù có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo nhưng về địa bàn mới, phải khởi động từ đầu, từ việc làm quen dân cư, phong tục tập quán, khảo sát tình hình kinh tế - xã hội… Đồng chí Nguyễn Hồng An - Trưởng ban Tổ chức huyện ủy Đô Lương chia sẻ: “Trong đề án luân chuyển cán bộ của huyện, chúng tôi quán triệt cụ thể cho các đơn vị, địa phương là phải chống tư tưởng cục bộ, khép kín, chống tư tưởng cô lập, gây khó khăn cho cán bộ được luân chuyển đến. Muốn làm được như vậy, đòi hỏi phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, coi trọng công tác tư tưởng đối với cán bộ, đảng viên kể cả người được luân chuyển và nơi tiếp nhận cán bộ luân chuyển. Quá trình đó, cần phải thận trọng trong cách làm, có lộ trình chặt chẽ vừa chuẩn bị các điều kiện nơi đi tốt và nơi đến cũng tốt”.
Có thể khẳng định rằng, việc luân chuyển cán bộ rất cần thiết góp phần tích cực trong công tác bồi dưỡng, đào tạo rèn luyện cán bộ do vậy cần được tiến hành thường xuyên, liên tục. Tuy nhiên, do chưa có được một quy chuẩn hay chưa có những cơ chế chính sách cụ thể, đồng bộ khi luân chuyển, sắp xếp cán bộ nên không tránh được tình trạng “ chắp vá”, nôn nóng nên xẩy ra hiệu quả không cao trong công tác luân chuyển. Điều này đòi hỏi các cấp ủy cần tính toán một lộ trình cụ thể, trên cơ sở kết quả phê duyệt quy hoạch đầu nhiệm kỳ, để rà soát, bổ sung quy hoạch làm căn cứ nhằm làm tốt công tác luân chuyển gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ từ thực tế. Đồng chí Đậu Văn Thanh - Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: “Tất cả những vấn đề liên quan đến công tác luân chuyển cán bộ từ tỉnh đến cơ sở được Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp, rà soát và có những tham mưu kịp thời cho BTV Tỉnh ủy đề ra những giải pháp cụ thể. Thực tế, công việc này được tiến hành lâu nay và đang tiếp tục thực hiện để đưa công tác luân chuyển cán bộ ngày càng đi vào chiều sâu, đạt chất lượng, hiệu quả cao; Góp phần gắn với công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ kế cận các cấp qua việc thử thách từ thực tế ở cơ sở…”.
Hữu Nghĩa - Nguyên Sơn