(Baonghean) - Với mục đích trang bị những kỹ năng cơ bản về tiếng Việt cho cán bộ, học sinh, sinh viên trước khi sang Việt Nam theo học các chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu, nhiều năm qua, Chính phủ Lào đã gửi con em mình theo học tiếng Việt ở Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Lớp học này làm ấm thêm tình đoàn kết Lào - Việt.
 
 
images1025594_1c.jpgLãnh đạo Trường CĐSP Nghệ An trò chuyện với lưu học sinh Lào.
 
Tháng 10/2013, UBND tỉnh có Quyết định số 4879 giao cho Trường CĐSP Nghệ An đào tạo tiếng Việt cơ sở cho 91 học viên Lào khóa  học 2013 – 2014. Các em đến từ 6 tỉnh của nước bạn Lào gồm Xiêng Khoảng, Bôlykhămxay, Hủa phăn, Savannakhet, Viên Chăn và tỉnh Khăm Muộn. Trong số các học viên này, có 15 người đang là cán bộ, công chức, nhiều người giữ các chức vụ quản lý ở Lào, còn lại là học sinh vừa hoàn thành chương trình phổ thông. Ở Nghệ An, ngoài việc học các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và ngữ pháp tiếng Việt, các học viên còn được nhà trường tổ chức đi tham quan, thực tế ở những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử văn hóa như Lăng Bác Hồ -  Bảo tàng Hồ Chí Minh, Di tích lịch sử Đền Hùng, quê hương Bác Hồ,… Đặc biệt, ngoài chế độ chung dành cho lưu học sinh của UBND tỉnh, các em còn được nhà trường hỗ trợ thêm tiền phòng ở KTX, tiền điện, tiền nước, được hỗ trợ để tổ chức liên hoan nhân ngày lễ lớn của 2 nước, được bố trí xe đưa đón học viên về đến cửa khẩu mỗi tỉnh nhân dịp nghỉ Tết cổ truyền của Việt Nam và Tết Bunpimay của nước Lào,... Sau gần 1 năm theo học, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giảng viên tiếng Việt có kinh nghiệm và sự giúp đỡ của các tình nguyện viên, các học viên đều đã hoàn thành khóa học, được trang bị những kỹ năng cơ bản về tiếng Việt, tất cả đều có thể giao tiếp tốt và đủ điều kiện để theo học các chương trình khác bằng tiếng Việt. Cuối tháng 7 vừa qua, khóa học chính thức bế giảng, các em được nhà trường trao chứng nhận hoàn  thành chương trình tiếng Việt cơ sở.
 
Sinh viên Lay Yang, đến từ tỉnh Savannakhet, nước CHDCND Lào, ngay khi đang học phổ thông ở Trường Phonsavanh High School, Lay Yang đã rất thích tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam, về những câu chuyện mà hai dân tộc từng sát cánh bên nhau chống lại giặc ngoại xâm trong quá khứ. Ngay khi hoàn thành chương trình phổ thông, em nộp hồ sơ thi tuyển để được sang Việt Nam học tiếng Việt cơ sở theo chương trình của Chính phủ Lào. Đến giữa năm 2013, Lay Yang và 9 bạn nữa trong tỉnh Savannakhet vượt qua những ứng cử viên khác để có tên trong danh sách sang Việt Nam học tiếng Việt. Tháng 10/2013, cùng với 91 học viên khác, Lay Yang bắt đầu theo học tiếng Việt ở Trường CĐSP Nghệ An. Sau lễ khai giảng được tổ chức trang trọng với sự tham dự của đại diện lãnh đạo hai nước, các em được tổ chức thành 3 lớp, bắt đầu tham gia học tiếng Việt với những chữ cái đầu tiên. 
 
Cũng như Lay Yang, chàng trai trẻ Xang De Xa vượt qua nhiều ứng viên khác để trở thành 1 trong 20 học viên xuất sắc của tỉnh Hủa Phăn sang Nghệ An học tiếng Việt cơ bản. Xang De Xa và các bạn cùng lớp được bố trí ở trong khu ký túc xá mới xây của Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, được cô giáo chủ nhiệm và các anh, chị sinh viên kèm cặp, dạy các kỹ năng về nghe, nói, đọc viết tiếng Việt. Là người thông minh, ham học hỏi nên Xang De Xa trở thành một trong những học viên xuất sắc nhất của khóa học tiếng Việt cơ sở. Trong khi đó, em Sa Ta Na đến từ tỉnh Hủa Phăn thì cho rằng, khóa học đã cho em hiểu thêm rất nhiều về đất nước và con người Việt Nam. “Khi còn học phổ thông, em đã được biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lịch sử Việt Nam. Sang đây học tiếng Việt, chúng em được đi thăm quê hương của Hồ Chủ tịch, được đến thăm Lăng Bác, được tham quan Thủ đô Hà Nội, ai cũng thấy vui, háo hức và biết thêm nhiều điều thú vị về cuộc đời của Bác Hồ”, Sa Ta Na trò chuyện. 
 
Học tiếng Việt là điều rất khó đối với người ngoại quốc, đặc biệt với những du học sinh Lào thì càng khó bởi tiếng Việt thuộc ngữ hệ Latinh trong khi tiếng Lào thuộc hệ ngôn ngữ Tai-Kadai, chịu những ảnh hưởng của tiếng Phạn. Để thành thạo các kỹ năng nghe, nói, đọc viết và ngữ pháp tiếng Việt đối với các du học sinh quả là điều không dễ. Không những thế, những học viên của lớp học còn phải tự học, tự tìm hiểu thêm những kiến thức ngôn ngữ chuyên ngành mà sau này mình dự định sẽ theo học đại học, cao học. “Người Việt vẫn nói rằng “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Quả thật, khi mới học tiếng Việt rất khó khăn, không như tiếng Thái, tiếng Trung Quốc hay tiếng Anh, ngôn ngữ tiếng Việt rất phong phú và quả là khó học với người lần đầu tiếp xúc. May mắn là chúng em được các thầy, cô giáo giỏi, nhiệt tình dạy dỗ nên đã hoàn thành chương trình. Mong ước của em là năm sau sẽ được trở lại Nghệ An, nhập học vào Trường Đại học Y khoa Vinh để sau này trở thành bác sỹ”, nam sinh có học lực xuất sắc Xang De Xa tâm sự.
 
Theo chương trình của Chính phủ Lào, sau khi hoàn thành khóa học tiếng Việt, các em sẽ trở về Lào nghỉ khoảng 2 tháng, sau đó học sinh phổ thông sẽ tiếp tục sang Việt Nam theo học các chương trình đào tạo của Trường Đại học Vinh, Đại học Y khoa Vinh, Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh để trở thành những giáo viên, kỹ sư, bác sỹ trở về phục vụ đất nước. Những cán bộ, công chức, nhà quản lý sẽ tiếp tục theo học các chương trình nâng cao nghiệp vụ, một số theo học thạc sỹ, tiến sỹ ở Vinh hay Hà Nội. Đây được xem là một trong những chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của nước bạn Lào. Ông Nguyễn Thức Hạnh, Phó Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên Trường CĐSP Nghệ An cho biết, trong số 91 học viên tốt nghiệp, có 6 em đoạt loại xuất sắc, 25 em đạt loại giỏi. Trong số các học viên tham gia chương trình học tiếng Việt, có 1 người đã dự thi và đậu thạc sỹ ở Hà Nội, một số khác đang đăng ký các chương trình học nâng cao nghiệp vụ ở các trường đại học, học viện của Việt Nam.
 
Ông Đặng Khắc Thắng, Hiệu trưởng Trường CĐSP Nghệ An cho biết, với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm trong việc dạy tiếng Việt, Trường CĐSP Nghệ An đã được UBND tỉnh giao nhiệm vụ đào tạo 11 khóa tiếng Việt cơ bản cho các học viên đến từ nước bạn Lào. Càng về sau các khóa học càng đạt chất lượng cao phần vì số lượng học viên được nước bạn Lào tuyển chọn kỹ lưỡng, phần vì trách nhiệm của đội ngũ quản lý lớp học sinh Lào và các giáo viên đứng lớp. “Đây không chỉ là những lớp dạy tiếng Việt đơn thuần mà còn là lớp học của tình hữu nghị Việt – Lào, nơi khởi đầu, chắp cánh cho những ước mơ tri thức của các thế hệ học viên. Nhiều học sinh cũ của trường, sau khi hoàn thành các chương trình đào tạo đại học, thạc sỹ ở Việt Nam đã trở thành những nhà quản lý, giữ những chức vụ quan trọng trong các cơ quan ở Lào. Đối với các thầy, cô giáo ở trường, việc tổ chức lớp và giảng dạy ở các lớp du học sinh Lào thực sự là niềm tự hào vì mình đã góp phần vun đắp thêm tình cảm keo sơn giữa hai nước, hai dân tộc anh em”, ông Đặng Khắc Thắng chia sẻ.
 
Nguyên Khoa