(Baonghean) - Lâu nay, đồng phục học sinh đã trở thành hình ảnh thân thương, trong sáng gắn liền với một thuở cắp sách tới trường. Thế nhưng xung quanh hình ảnh bình dị, trang nhã và thân thuộc ấy vẫn còn nhiều vấn đề cần suy ngẫm…
TIN LIÊN QUAN |
---|
Với những học sinh ở các vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, đồng phục học sinh còn mang nhiều ý nghĩa khác. Em Phan Hữu Hạ, Trường THCS Xuân Lâm (Nam Đàn), gia đình khó khăn, nhà có 3 anh em đang độ tuổi đến trường. Đầu cấp học, em chỉ đăng ký mua một bộ đồng phục. May mắn là hai anh em gần tuổi nhau, đồng phục của nhà trường được may rộng rãi nên hai anh em Hạ có thể dùng chung. Chỉ có một bộ đồng phục cho suốt cả 3 năm học, bởi thế với em bộ đồng phục giản dị ấy mang một ý nghĩa đặc biệt. “Không chỉ là biểu tượng của ngôi trường thân yêu mà em gắn bó suốt 3 năm học cấp 2, đồng phục của nhà trường còn giúp em thấy tự tin, bình đẳng và hoà đồng với các bạn bè cùng trang lứa. Khi các bạn đều mặc đồng phục, em cảm thấy không còn khoảng cách giữa mọi người, chỉ còn lại sự hòa đồng, vô tư và sự sẻ chia giữa những người bạn trong cùng một mái trường” – Hạ chia sẻ.
Đồng phục học sinh còn là niềm tin, niềm tự hào của bao thế hệ học trò được sống, học tập cùng chung một mái trường. Chia sẻ của em Đặng Thị Kiều Anh, sinh viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu) cho chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn ý nghĩa của đồng phục học sinh giản dị mà gần gũi: “Sau hơn 3 năm ra trường nhưng em vẫn gìn giữ chiếc áo đồng phục của nhà trường như là một kỷ niệm khó phai của tuổi học trò; chiếc áo gợi cho em nhớ về một thời học sinh vô tư sôi nổi. Và hơn hết, với mỗi học sinh trường chuyên, chiếc áo ấy như là biểu tượng thiêng liêng mà mang theo niềm kiêu hãnh là thành viên của ngôi trường có bề dày truyền thống, để nhắc nhớ bản thân và cố gắng…”.
Cũng bởi những ý nghĩa thiêng liêng của đồng phục học sinh mà nhiều nhà trường đã chú trọng trong việc lựa chọn được bộ đồng phục mang “bản sắc” riêng của trường. Cũng bao gồm chiếc áo sơ mi trắng quen thuộc nhưng được phối hợp với quần vải màu xanh ngọc đó là nét khác biệt trở thành đặc trưng riêng của bộ đồng phục học sinh của Trường Tiểu học Làng Sen (Nam Đàn). “Ngoài cách phối hợp tinh tế của những gam màu trắng – viền xanh trên chiếc áo thì logo của trường đính bên tay áo chính là điểm nhấn đầy kiêu hãnh của bộ đồng phục. Một logo được thiết kế với những chi tiết ý nghĩa, tên Trường Tiểu học Làng Sen – lấp lánh niềm tự hào của cả thầy và trò như muốn nhắc nhớ về quê hương Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, để các em phấn đấu tiếp nối truyền thống dạy và học của nhà trường. Biểu tượng bên trong logo là quyển sách đang mở và ngọn lửa đang cháy thể hiện niềm khao khát vươn tới của thế hệ trẻ và là niềm tin, hy vọng vào thế hệ học trò của nhà trường, sau này là nhân tài cống hiến hết sức mình cho đất nước. Bên cạnh ý nghĩa đó, đồng phục của nhà trường còn hướng tới tính tiện dụng, được may rộng rãi, chắc chắn để phù hợp với môi trường học tập và vui chơi của học sinh” – cô Trần Thị Nga – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Làng Sen chia sẻ. Với những ý nghĩa được gửi gắm, bộ đồng phục học sinh ấy trở thành đặc trưng riêng có của học sinh Trường Tiểu học Làng Sen. Vào mỗi ngày thứ 2,4,6 trong tuần, các em lại rộn ràng đến trường trong những bộ đồng phục xinh xắn, gọn gàng và đầy ý nghĩa.
Ngược lại, ở một số vùng nông thôn, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn thì vấn đề đồng phục học sinh lại chưa được các phụ huynh quan tâm đúng mức. Hiệu trưởng của một trường THPT ở xã vùng “9 Nam” (Nam Đàn) cũng tâm sự thành thật rằng, ở đây để lo cho con em đến trường đã là khó thì đồng phục học sinh chưa được phụ huynh thật sự quan tâm. Vấn đề này được đưa ra bàn thảo trong những cuộc họp phụ huynh đầu cấp nhưng cuối cùng phụ huynh vẫn lựa chọn những bộ đồng phục phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Vì thế nên chất liệu vải cũng phải phụ thuộc vào mức kinh phí bỏ ra. Hầu hết mỗi gia đình chỉ mua một bộ đồng phục cho con vào đầu cấp học và duy trì sử dụng trong suốt 3 năm học”.
Khó khăn về kinh tế dường như đã được “hoá giải” ở Trường Tiểu học Châu Thắng – Quỳ Châu, nơi có tới 94% học sinh là người dân tộc Thái, cuộc sống của người dân còn vất vả. Để mỗi học sinh đều có đồng phục mặc trong những buổi chào cờ đầu tuần và sinh hoạt Đội cuối tuần là cả sự trăn trở của nhà trường. Cô Ngô Thị Thao - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Châu Thắng tâm sự: “Để tiết kiệm chi phí cho các em, nhà trường đã lựa chọn chất liệu áo sơ mi mùa hè bằng vải thô vừa thoáng, mát lại vừa không nhàu, lâu cũ. Giáo viên trong trường đã đứng ra quyên góp những bộ đồng phục cũ nhưng vẫn còn sử dụng tốt để giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện mua đồng phục mới”.
Hình ảnh các em học sinh gắn với những bộ đồng phục truyền thống của trường trang nhã mà bình dị thân thương dường như đã trở thành niềm kiêu hãnh và chứa đựng biết bao kỷ niệm khó phai của một thuở học trò hồn nhiên, trong sáng… Hơn hết đồng phục học sinh còn mang ý nghĩa lớn lao thể hiện tình đoàn kết, gắn bó là “thương hiệu” của mỗi ngôi trường. Bởi vậy, bên cạnh xây dựng hình ảnh mỗi ngôi trường thông qua những bộ đồng phục học sinh, các nhà trường cần quan tâm hơn đến tính tiện dụng và kinh tế; để mỗi học sinh đều luôn vui tươi, năng động với những bộ đồng phục mỗi khi tới trường.
Đinh Nguyệt