Từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi trên thị trường đã giảm sâu, xuống còn dưới 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên với lợn đen đặc sản do đồng bào vùng cao Nghệ An nuôi vẫn giữ với mức giá cao.
Ông Hoàng Kim Tùng ở thôn Bãi Xa, xã Tam Quang (huyện Tương Dương) lâu nay nuôi lợn đen địa phương cho hay, từ đầu năm đến nay, lợn đen đặc sản vẫn bán với giá cao. Đặc thù của giống lợn đen này là lợn ít cân "lợn cắp nách" thì giá càng cao, ngược lại lợn trọng lượng càng to thì giá bán thấp hơn.
Cụ thể, loại lợn từ 30 kg/con trở xuống, bà con bán với giá trên 160.000 đồng/kg; loại lợn từ 30kg đến 50 kg/con có giá 120.000 đồng/kg; loại lợn trên 50kg/con có giá 100.000 đồng/kg.
Tuy nhiên lợn đen địa phương ngày càng ít dần, vì bà con chuyển sang nuôi lợn đen Móng Cái và lợn lai ngày càng nhiều. Vì vậy, lợn đen địa phương ít khi có bán ra thị trường, mà do bà con dân bản mổ thịt.
Ở xã biên giới Tri Lễ (huyện Quế Phong) lợn đen địa phương thậm chí bán với giá cao hơn. Ông Vi Văn Cường - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết, hiện nay lợn đen đặc sản do đồng bào nuôi không nhiều, do vậy giá bán vẫn neo ở mức cao, loại dưới 30kg/con - thậm chí với "lợn cắp nách" có những nơi bán với giá gần 200.000 đồng/kg, ngược lại loại lợn trên 30kg/con có giá từ 120.000 đến 150.000 đồng/kg. Mức giá này không giảm so với trước.
Theo ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tương Dương cho biết: Lợn đen địa phương hiện nay trên địa bàn vẫn giữ giá phổ biến từ 120.000 đến 160.000 đồng/kg. Nguyên nhân lợn đen do đồng bào vùng cao nuôi vẫn bán với giá cao là do loại lợn này ngày càng khan hiếm. Thống kê cho thấy, hiện nay tổng đàn lợn của Tương Dương khoảng 20.000 con, thì trong đó lợn đen đặc sản chỉ khoảng 7.000 con.
Các huyện khác như Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu... số lượng lợn đen đặc sản do đồng bào nuôi cũng không có nhiều như trước. Nguyên nhân là do nhiều nơi bà con đầu tư nuôi lợn Móng Cái và lợn lai mang hiệu quả kinh tế cao hơn./.